Khi những cuốn sách, khóa học phát triển bản thân lại khiến cuộc sống của bạn tồi tệ hơn

04/02/2019 16:29 PM | Kinh doanh

Đây là những “cạm bẫy” bạn sẽ gặp phải trong cuộc sống thường ngày, cùng với những tip làm việc hiệu quả, suy nghĩ có kế hoạch và phát triển bản thân.

Mọi chuyện bắt đầu từ Internet. Bénédicte Kinkolo online 24/24, có vẻ như cô đã được rót vào tai vô vàn câu chuyện về người thành công, họ làm những điều vĩ đại như khởi nghiệp, đạt được những giải thưởng, kiếm được hàng triệu USD.

Kinkolo tiếp thu và ghi nhớ tất cả những điều đó. Cô muốn giống những người thành công đó mặc dù chưa chắc mình sẽ làm gì. Có lẽ cô sẽ mô phỏng sở thích, thói quen và những gì người thành công nghĩ,… để cô cũng thành công như vậy.

Cô lao vào đọc những cuốn sách phát triển bản thân (self-help), bắt đầu thói quen thức dậy sớm để tập yoga và thiền. Cố gắng tối đa hoá thời gian của mình nhiều nhất có thể, cô ấy lập một danh-sách-việc-cần-làm mỗi ngày và thực hiện nó một cách cứng nhắc; cô tải về những ứng dụng nhắc nhở khi thời gian thực hiện nhiệm vụ sắp kết thúc.

Một ngày trước kì thi cuối kỳ, cô bị trật chân và té xuống cầu thang. Tại bệnh viện, khi các bác sĩ tất bật ra vào phòng bệnh, cô cứ tiếp tục làm việc trên laptop vì sợ rằng mình đang chậm tiến trình.

Mọi chuyện chẳng có gì thay đổi cho đến khi một biến cố xảy ra với cô vài năm sau đó. Sau thời gian học tập điên cuồng như vậy, cô bị kiệt sức khi chỉ mới 23 tuổi. Hiện tại cô ấy đang nghỉ ngơi, sống cùng với cha mẹ ở Paris khi cô ấy đã biết được cô ấy muốn làm gì . Mọi chuyện xảy ra khác xa rất nhiều so với lối sống mà cô đã từng tưởng tượng. Cô không còn lập ra một danh sách hay dùng ứng dụng năng suất hay thiền mỗi buổi sáng nữa. Cô nói: "Tôi chưa bao giờ mong đợi mình sẽ nghỉ ngơi cả. Đó là điều kỳ quặc, khó khăn và thách thức nhất mà tôi đã từng làm trong đời."

Trong thời gian nghỉ ngơi, Kinkolo đã làm việc với một nhà trị liệu để cố gắng thay đổi quan điểm của cô ấy về "thành công" và những mục tiêu mà cô ấy theo đuổi không ngừng nghỉ. Cô nói: "Nó đã khiến tôi không còn cảm xúc nữa và trở nên bị động. Tôi đã để cho những danh sách, những ứng dụng và những thói quen điều khiển cuộc sống tôi."

Khi những cuốn sách, khóa học phát triển bản thân lại khiến cuộc sống của bạn tồi tệ hơn - Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, cái tên self-help (phát triển bản thân) đã tạo nên một làn sóng trong ngành công nghiệp. Thị trường self-help ở Mỹ có giá trị gần 10 tỷ USD trong năm 2016 và ước tính sẽ tăng lên 13 tỷ USD trước năm 2022. Điều này rất dễ hiểu: Bạn sẽ cực kỳ phấn khởi khi nghĩ rằng mình có thể làm theo một thói quen được lập sẵn để tối ưu hoá thời gian, tài nguyên và bản thân mình.

Cuộc sống rất phức tạp, nhưng cái tên ‘phát triển bản thân’ khiến cho bạn cảm giác đó là một giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của bạn, một hướng dẫn trong 5 hay 10 bước. Hầu hết những thay đổi trong cuộc sống đòi hỏi thời gian, quá trình. Trong một vài trường hợp liên quan đến sức khoẻ tinh thần, nó còn đòi hỏi bạn phải làm việc với một chuyên gia. Vì vậy, việc hứa hẹn bạn không cần mất quá nhiều thời gian hay công sức nghe có vẻ thật hấp dẫn.

Sự cám dỗ đó thường được kết hợp từ những phương tiện truyền thông xã hội và những bài báo, chúng cung cấp cho bạn một lịch trình cụ thể hẳn hoi, cẩn thận, tỉ mỉ của ai đó. Khi bạn có nhiều tiếp cận hơn vào cuộc sống của một ai đó, mặc dù bạn biết rằng đó chỉ là dàn dựng, bạn cũng dễ tưởng tượng đến những vấn đề không tồn tại. Trong một vài trường hợp, nếu bạn cứ mãi đắm chìm về phát triển bản thân thì có thể nó sẽ phản tác dụng hoặc thậm chí có hại.

Trớ trêu thay, một trong những cạm bẫy lớn nhất khi bạn bắt tay vào nhiệm vụ phát triển bản thân là nó làm cho sự thay đổi thực sự của bản thân bị cản trở. Những thói quen và những quy trình sẽ làm bạn bị cuốn theo khiến bạn không thể giải quyết những việc lớn hơn.

Khi những cuốn sách, khóa học phát triển bản thân lại khiến cuộc sống của bạn tồi tệ hơn - Ảnh 2.

Cái tên ‘phát triển bản thân’ có thể trở thành một thứ gây xao lãng hoặc khiến bạn quên đi những mối quan hệ hoặc những điều làm cho cuộc sống của bạn trở nên có ý nghĩa. Ví dụ, khi mọi người trì hoãn, không phải vì họ không thể tập trung hay không biết cách quản lý kế hoạch của bản thân mà có thể vì họ ghét công việc của mình. Nhưng họ luôn phủ định rằng bởi vì thay đổi bây giờ là quá muộn hay thật đáng xấu hổ, do đó, họ lại đi tìm hiểu cách để mình ngưng trì hoãn.

Các nhà khoa học nghiên cứu về phát triển bản thân nhấn mạnh rằng không phải tất cả những thay đổi đều được thực hiện như nhau. Có rất nhiều người kể về phát triển bản thân, ý tưởng này giúp cho cuộc sống của họ từ tồi tệ trở nên tốt đẹp, từ tốt đẹp thành tốt đẹp hơn. Không phải bất kỳ sự cải thiện nào cũng liên quan đến hạnh phúc và giàu có, có những sự cải thiện bản thân hướng đến ý nghĩa của bản thân và những mối quan hệ. Bạn sẽ làm điều gì đó vì bạn yêu thích chúng, hoặc bạn sẽ kết nối với người nào đó vì bạn yêu họ. Cải thiện bản thân chỉ vì sĩ diện hoặc địa vị không đem đến cho bạn kết quả tương tự trên.

Rõ ràng, không phải ai cũng có thể dừng lại để nghĩ xem bản thân mình thực sự muốn gì. Nhưng nếu bạn dành ra vài phút mỗi ngày để suy nghĩ tại sao mình lại muốn thay đổi điều này, thì sự phát triển bản thân của bạn trở nên có ý nghĩa hơn. Có thể bạn thích cải thiện bản thân vì bạn tin rằng bạn có thể phát triển theo một cách quan trọng và cụ thể nào đó và bạn muốn tìm những công cụ giúp bạn làm được việc này. Hoặc có thể đó là vì bạn cảm thấy cuộc sống của bạn quá đỗi tầm thường so với "những người thành công" vì cuộc sống hàng ngày của họ quá khác biệt so với cuộc sống của mình.

Phân tích thói quen giúp bạn hiểu được liệu bạn đang theo đuổi điều này vì một lý do chính đáng hay chỉ vì để đạt được một mục tiêu tuỳ tiện nào đó và chẳng có liên quan gì đến mong muốn và yêu cầu của bạn. Dành thời gian để thay đổi, đánh giá lại, kiểm tra lại và phấn đấu trở nên tốt đẹp hơn không có gì là xấu - bản tính của con người là luôn muốn cải thiện bản thân mình. Nhưng quan trọng là "Bạn có thực sự cần điều mà bạn đang theo đuổi không?"

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM