Khi nhận tiền mừng tuổi, trẻ cần nhớ "3 NÊN, 3 KHÔNG" để ai cũng quý mến, cả năm gặp may mắn!
Để không rơi vào tình thế khó xử, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ những điều quan trọng sau khi nhận phong bao lì xì.
Trong dịp Tết Nguyên đán, người lớn thường lì xì trẻ nhỏ, đây là cách thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm. Ngoài ra, phong tục này còn được coi có tác dụng xua đuổi điều kém may mắn, cầu chúc một năm mới bình an.
Cha mẹ cần dạy trẻ một số phép tắc cơ bản khi nhận tiền lì xì để trẻ không có hành vi thô lỗ, kém duyên, gây ảnh hưởng bầu không khí ngày Tết.
Những điều trẻ cần làm
1. Cảm ơn một cách lịch sự
Khi người lớn tuổi lì xì, cha mẹ cần dạy trẻ nói lời cảm ơn một cách lịch sự. Đây là phép tắc tôn trọng người đối diện cơ bản nhất. Trẻ không được im lặng nhận tiền hoặc có hành động coi thường. Điều này sẽ khiến người lớn tuổi cảm thấy không được tôn trọng và coi việc trẻ không được giáo dục cẩn thận từ cha mẹ.
2. Dùng tiền lì xì đúng cách
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ sử dụng tiền lì xì đúng cách, tránh lãng phí. Trẻ có thể cho vào lợn đất tiết kiệm, gửi cha mẹ giữ hộ. Ngoài ra, trẻ có thể tự quản lý tiền mừng tuổi, dùng số tiền đó để mua đồ dùng học tập, món đồ chơi yêu thích.
Tuy nhiên, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ không được chi tiêu bừa bãi, không mua sắm những thứ không cần thiết. Ngoài ra, trẻ tuyệt đối không được dùng tiền Tết vào những hoạt động vi phạm pháp luật, trái đạo đức như cờ bạc, đốt pháo,... Điều này không chỉ khiến bản thân trẻ xấu hổ mà còn khiến gia đình, cha mẹ xấu hổ.
3. Dành nhiều thời gian trò chuyện với người trao bao lì xì
Sau khi nhận phong bao đỏ, ngoài việc nói lời cảm ơn lịch sự, cha mẹ hãy dạy trẻ trò chuyện thân mật với người trao tặng bao lì xì. Nếu đó là ông bà, người lớn tuổi, trẻ có thể hỏi thăm sức khỏe trong năm qua, điều này thể hiện tấm lòng thơm thảo. Nếu đó là anh chị họ trong nhà, trẻ có thể hỏi thăm tình hình học tập, xu hướng của giới trẻ giúp gắn kết tình cảm. Chỉ bằng những lời nói quan tâm, cử chỉ chân thành sẽ giúp bầu không khí trở nên ấm áp, hạnh phúc.
Những điều trẻ không làm
1. Không khoe khoang và so sánh
Trong dịp Tết Nguyên đán, ai cũng sẽ nhận được lì xì, vì thế cha mẹ cần dặn trẻ không được khoe khoang, so sánh số tiền nhận được hay cười nhạo những người nhận được tiền mừng tuổi ít hơn.
Kiểu hành vi này không chỉ khiến người khác coi thường mà còn phá vỡ bầu không khí hòa thuận, sum vầy trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ hãy dặn trẻ cần khiêm tốn, không thể hiện, không so sánh.
2. Không xé ngay phong bao lì xì sau khi nhận
Một số trẻ thường bóc, xé ngay phong bao lì xì khi nhận. Trẻ sẽ bỏ lại phong bao, chỉ lấy số tiền bên trong. Đây là hành vi kém tinh tế, đôi khi đẩy cả cha mẹ trẻ lẫn người trao tặng phong bao rơi vào thế "dở khóc, dở cười".
Chính vì thế, cha mẹ cần dặn dò trẻ cẩn thận về việc không bóc, xé phong bao sau khi nhận. Khi nhận tiền mừng tuổi, trẻ cần cúi đầu cảm ơn, đưa 2 tay ra nhận và cho phong bao vào túi riêng.
3. Không tham lam
Mặc dù tiền lì xì ngày Tết là niềm hạnh phúc đối với trẻ bởi có thể dùng số tiền đó để mua nhiều thứ bản thân yêu thích. tuy nhiên, cha mẹ cần dạy trẻ không được tham lam, dù nhận được nhiều hay ít cũng nên vui vẻ, hoan hỉ.
Đặc biệt, trẻ tuyệt đối không được liên tục xin thêm tiền lì xì hay có thái độ vòi vĩnh, ỉ ôi. Bởi điều này sẽ khiến người trao tặng khó xử và làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc tặng lì xì ngày Tết.
Theo Toutiao