Khi người trẻ đạp xe 10km đi làm, "từ bỏ" cafe, cày 2 công việc một lúc: Tiết kiệm bằng mọi giá!

26/06/2022 09:35 AM | Xã hội

Trong bối cảnh bão giá như hiện tại, người trẻ cuống cuồng tìm cách chống chọi bằng nhiều biện pháp khác nhau như: Đi xe đạp, thắt chặt chi tiêu hay từ bỏ các thói quen gây lãng phí tiền bạc.

Giá cả leo thang chóng mặt khiến cuộc sống của người dân ít nhiều bị ảnh hưởng. Tương tự với nhóm người trẻ họ, cũng phải gồng gánh các khoản phí sinh hoạt, đi lại, nhà cửa, chi tiêu cho học tập và giải trí. Đặc biệt, việc sinh sống tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM chưa bao giờ là điều dễ "thở" vậy nên các bạn trẻ đã phải xoay sở đủ kiểu để đối mặt với "cơn bão giá" này.

Cách người trẻ đối mặt trước "cơn bão giá"

Mặc kệ đường xa, người trẻ đạp xe chục cây số đi làm

Thay đổi phương án di chuyển cũng là xu hướng mà nhiều người trẻ áp dụng để thích nghi với giá xăng lên cao trong thời điểm hiện tại. Bạn Nguyễn Thị Xuân (quận Bình Thạnh) đã lựa chọn cách đi làm bằng xe đạp với tần suất 3 ngày/tuần. Từ 6 giờ 30 phút sáng Xuân bắt đầu chinh phục quãng đường dài hơn 10km từ Bình Thạnh đến Quận 1, TP.HCM để đi làm.

 Khi người trẻ đạp xe 10km đi làm, từ bỏ cafe, cày 2 công việc một lúc: Tiết kiệm bằng mọi giá! - Ảnh 2.

Giá xăng tăng mạnh, nhiều bạn trẻ rủ nhau đạp xe đi làm

Sau 3 tháng đạp xe, cô bạn nhận thấy bản thân tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại. "Đạp xe đi làm giúp mình tiết kiệm ít nhất được 100 nghìn đến 150 nghìn/tuần. Tính ra một tháng cũng tiết kiệm được một khoản kha khá và dùng cho mục đích sinh hoạt khác."

Dù mất hơn 45 phút để đi làm mỗi ngày nhưng Xuân vẫn cảm thấy thoải mái vì nhờ đi sớm mà cô bạn có thời gian ghé qua công viên 23/9 tập thể dục, ăn sáng và tận hưởng bầu không khí trong lành của thành phố vào lúc sáng sớm. Với Xuân việc đạp xe đi làm không chỉ tiết kiệm chi phí đi lại mà còn giúp tăng cường sức khỏe cho bản thân.

Cày 2 công việc cùng một lúc

Trong khi đó, để cuộc sống dễ thở hơn một số bạn trẻ lựa chọn làm thêm công việc tay trái để có thu nhập dồi dào. Là nhân viên văn phòng với mức lương còn khá khiêm tốn, bạn Trúc Phương (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã lựa chọn cho mình nghề tay trái là kinh doanh online để làm "dày ví tiền" hơn.

 Khi người trẻ đạp xe 10km đi làm, từ bỏ cafe, cày 2 công việc một lúc: Tiết kiệm bằng mọi giá! - Ảnh 3.

Bạn Trúc Phương lựa chọn làm thêm một công việc mới để tăng thu nhập

Theo Phương chia sẻ cô bạn làm văn phòng nên buổi tối có khá nhiều thời gian rảnh. Phương lựa chọn bán mặt hàng online đồ decor, trang trí nhà cửa do không cần nhiều tiền vốn. "Mình nghĩ bản thân nên buôn bán thêm một thứ gì đó để tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, nếu như lỡ trong cuộc sống có một số vấn đề xảy ra thì mình cũng có nghề tay trái và sống với nó chứ mình không bị ngưng công việc vì lý do nào khác", Phương chia sẻ.

Song song với đó cô bạn cũng chú trọng thói quen thắt chặt chi tiêu. Thay vì ăn ở quán hàng như trước đây Phương tự tay chuẩn bị các bữa ăn tại nhà cũng như mang lên văn phòng cho tiết kiệm.

Mua gì cũng ghi lại, chưa mua cũng ghi

Cùng với việc thắt chặt chi tiêu thì nhiều bạn trẻ còn cẩn thận lên kế hoạch tài chính để chủ động hơn trong tiền bạc. Đây cũng là cách mà cô bạn Kim Trang Vi (quận Tân Bình, TP.HCM) sử dụng để đối phó với "cơn bão giá" hiện tại. Việc ghi lại các khoản tiền dự kiến sẽ sử dụng không những sẽ giúp người trẻ kiểm soát được tài chính mà còn góp phần tiết kiệm những khoản phí không cần thiết.

 Khi người trẻ đạp xe 10km đi làm, từ bỏ cafe, cày 2 công việc một lúc: Tiết kiệm bằng mọi giá! - Ảnh 4.

Cẩn thận ghi lại những chi tiêu để có thể kiểm soát tài chính

Cô bạn chia sẻ: "Từ lúc thấy mọi thứ tăng giá quá nên mình cũng phải tiết kiệm lại. Mình ghi ra tờ giấy note các chi phí dự chi trong tuần, ăn sáng bao nhiêu tiền, chi phí đi chợ bao nhiêu tiền đều được ghi lại cụ thể rõ ràng. So ra một tháng mình cũng tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng."

Cùng với đó, bạn Nguyễn Huỳnh Như (quận Gò Vấp, TP.HCM) lại tiết kiệm bằng cách thay đổi lối sống chi tiêu vào những thứ không cần thiết. Nếu trước đây Như thường dành thời gian rảnh của mình để đi cafe với bạn bè hoặc có thói quen ra quán làm bài tập thì hiện tại, bạn sinh viên trẻ này quyết định giảm bớt những buổi cafe trong tuần và dành nhiều thời gian hơn để tự học ở nhà. Trung bình số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm chi phí cà phê của Huỳnh Như lên đến 1 triệu đồng/tháng.

 Khi người trẻ đạp xe 10km đi làm, từ bỏ cafe, cày 2 công việc một lúc: Tiết kiệm bằng mọi giá! - Ảnh 5.

Huỳnh Như đã phải từ bỏ các buổi cà phê hội họp vì "cơn bão giá"

"Giờ mình chỉ đi cafe những khi nào thật sự cần thiết. Thời gian ở nhà mình cố gắng học thêm online để nâng cao kiến thức. Mình cảm thấy ở nhà nhiều hơn thì vừa tiết kiệm được tiền vừa học hỏi thêm nhiều kỹ năng để có thể sau này tăng thêm nhiều thu nhập cho bản thân", cô bạn bày tỏ.

Có thể thấy, mỗi người trẻ đều sẽ tự trang bị phương án tiết kiệm khác nhau nhưng điểm chung vẫn là lối sống tích cực và tràn đầy năng lượng để thích ứng tốt với thời điểm bão giá như hiện tại.

Nguyệt Hà

Từ khóa:  đi xe đạp
Cùng chuyên mục
XEM