Khi nào thì một giao dịch chứng khoán bị "hủy bỏ" như trường hợp bán chui cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết?

11/01/2022 21:06 PM | Kinh doanh

Theo quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE, HOSE có thể hủy bỏ giao dịch trong trường hợp giao dịch vi phạm quy định, hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường.

Tối ngày 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) phát đi thông báo về việc sẽ hủy bỏ giao dịch "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.

HOSE cho biết, việc hủy bỏ giao dịch được thực hiện theo chỉ đạo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại công văn số 198/UBCK-TT ngày 11/1/2022 về việc bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Vậy, các quy định hiện nay định nghĩa thế nào về hủy bỏ giao dịch chứng khoán?

Theo Quy chế giao dịch chứng khoán tại HOSE được ban hành kèm theo Quyết định số 352/QĐ-SGDHCM của Bộ Tài chính, một giao dịch chứng khoán được xác lập khi hệ thống giao dịch thực hiện khớp lệnh mua và lệnh bán theo phương thức khớp lệnh tập trung hoặc ghi nhận giao dịch theo phương thức thỏa thuận.

Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, SGDCK có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN.

Như vậy, có thể nói rằng, HOSE đã xác định giao dịch bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết là "vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường".

Theo số liệu giao dịch phiên 10/1, lượng bán ra của ông Quyết chiếm tới 55% tổng khối lượng giao dịch của FLC, là 135 triệu cổ phiếu. Lượng bán khổng lồ của ông Quyết đã góp phần khiến giá cổ phiếu FLC đảo chiều từ trần giảm về giá sàn và đóng cửa sát giá sàn. Những nhà đầu tư mua giá trần FLC ngày 10/1 đã chịu lỗ tới 17,4% chỉ sau 2 ngày vừa qua.

Mặc dù vậy, vẫn chưa rõ việc hủy bỏ giao dịch sẽ được thực hiện chi tiết như thế nào, bởi 74,8 triệu cổ phiếu được ông Quyết bán ra cũng đồng nghĩa với 74,8 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư khác mua vào. 

Một số câu hỏi đã được đặt ra như: Những ai là người đã mua phải cổ phiếu "bán chui" của ông Quyết? Phí giao dịch trả cho các công ty chứng khoán có được hoàn lại? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Quyết đã dùng số tiền mua được để mua các cổ phiếu khác? Nếu tiền đi mua 74,8 triệu cổ phiếu này là tiền vay margin công ty chứng khoán, thì tiền lãi vay margin ai sẽ chịu trách nhiệm?

Điều 22. Xác lập và hủy bỏ giao dịch

1. Giao dịch chứng khoán được xác lập khi hệ thống giao dịch thực hiện khớp lệnh mua và lệnh bán theo phương thức khớp lệnh tập trung hoặc ghi nhận giao dịch theo phương thức thỏa thuận.

2. Trong trường hợp giao dịch đã được xác lập vi phạm quy định giao dịch hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hoặc toàn bộ giao dịch trên thị trường, SGDCK có thể công nhận hoặc hủy bỏ giao dịch sau khi báo cáo UBCKNN.

3. Trong trường hợp tạm ngừng, đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 5 Quy chế này, SGDCK căn cứ tình hình cụ thể để quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả giao dịch.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM