Khi nào người dân được gọi vào đường dây nóng của Bộ Công an?
Luật sư phân tích, đường dây nóng của Bộ Công an nhằm phục vụ việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh những hành vi tiêu cực, tham nhũng của lực lượng Công an. Việc người dân chuyển tiếp cuộc gọi đòi nợ đến đường dây nóng là sai quy định, gây phiền hà cho bộ phận tiếp nhận.
Trung tá Hà Đức Thân (Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, Công an huyện Việt Yên và huyện Sơn Động vừa ra quyết định xử phạt anh Hoàng Tuấn H. (SN 1989) và Nguyễn Đức Y. (SN 1990), mỗi trường hợp 7,5 triệu đồng.
Hai người này bị cáo buộc vay tiền qua một số App trên điện thoại di động , sau đó cả hai liên tục bị gọi điện đòi nợ gây ảnh hưởng đến đời sống nên đã chuyển cuộc gọi của người lạ đến đường dây nóng Bộ Công an.
Trao đổi với PV Tiền Phong dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) thông tin, đường dây nóng của Bộ Công an nhằm phục vụ việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh những tiêu cực, tham nhũng của lực lượng Công an. Do đó, người dân chỉ được gọi khi cảm thấy bị cán bộ làm phiền hoặc gây khó dễ.
"Việc chuyển tiếp cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Công an như anh H. và anh Y. là hành vi 'Thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức mà không được sự đồng ý theo quy định của pháp luật', quy định tại khoản 3 Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử", luật sư Giáp giải thích.
Từ hai trường hợp trên, luật sư Giáp khuyên người dân khi bị người đòi nợ gọi điện làm phiền, có lời nói xúc phạm hoặc đe dọa tấn công, có thể gửi đơn tố cáo trực tiếp đến cơ quan công an.
Đối với trường hợp không vay nhưng vẫn bị gọi điện , người dân hãy giải thích ngắn gọn về việc không quen hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập và hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ. Quá trình này nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng. Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin gì cho các đối tượng.
Bên cạnh đó, người dân có thể gửi đơn tố cáo tới cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của công ty tài chính, đơn vị đòi nợ.
“Người dân cũng có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn để giảm phiền hà. Đối với các trang Facebook cá nhân nên khóa các bình luận của người lạ”, luật sư Giáp nói.
Với người dân có nhu cầu vay tiền, luật sư Giáp khuyến cáo họ cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ. Đơn vị cung cấp dịch vụ phải uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên Website như: Tên công ty; mã số doanh nghiệp; địa chỉ... Như vậy mới bảo vệ người thân, bạn bè, đồng nghiệp tránh được những cuộc gọi phiền hà, thậm chí là đe dọa gây án từ đối tượng đòi nợ.
Còn với các cơ quan, tổ chức, cần yêu cầu người lao động trong đơn vị mình không vay qua App online không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền…
Theo trung tá Hà Đức Thân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang), thời gian gần đây, đường dây nóng của Bộ Công an tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi từ các công ty tài chính và các ứng dụng cho vay tiền online qua App, nội dung đòi nợ. Các đối tượng vay tiền từ các App và Công ty tài chính khi đến thời hạn trả nợ đã chuyển chức năng chuyển cuộc gọi về số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an, làm ảnh hưởng đến ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận và xử lý các tin báo của quần chúng nhân dân.
Để bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên, thông suốt của đường dây nóng Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Giang đề nghị mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không được gọi điện quấy rối, trêu đùa, nháy máy, chuyển cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Công an nói chung và các đường dây nóng khác nói riêng.