Khi đầu tư chứng khoán, muốn kiếm tiền, chỉ có cách thuận theo tình thế thị trường

15/02/2018 08:47 AM | Kinh doanh

Hãy giao dịch một cách thông minh hơn chứ không phải trâu bò hơn.

Thị trường chứng khoán cũng như chiến trường. Một trader khi đã ở trong thị trường cũng như một viên tướng ở giữa trận tiền, không thể không nghiên "chứng pháp". Trên Stockbook - mạng xã hội chứng khoán đang có 45.000 người dùng- có bài viết của nick name Lucas Trader bình về "Binh pháp Tôn tử trong chứng khoán". Đây là người đã giành chiến thắng trong cuộc thi FA Thánh chiến và có nhiều bài viết thể hiện sự hiểu biết rộng, kinh nghiệm trading lâu năm.

Tiếp theo thiên 1 (Kế sách) và thiên 2 (Tác chiến) là thiên thứ ba: Mưu công

Tôn tử nói: Đại phàm cái phép dụng binh, làm cho cả nước địch khuất phục trọn vẹn là thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm cho toàn quân địch chịu khuất phục là thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm nguyên lữ quân địch khuất phục là thượng sách, đánh nó là kém hơn. Làm nguyên một tốt địch khuất phục là thượng sách, đánh nó là kém hơn. làm nguyên một ngũ địch khuất phục là thượng sách, đánh nó là kém hơn.

Đoạn trên Tôn Tử bàn về đạo của việc dùng binh: làm cho địch khuất phục chứ không phải đánh địch. Nói cách khác là dùng mưu, chứ không dùng sức; dùng trí tuệ, chứ không dùng bạo lực. Là một trader, chúng ta cũng phải suy nghĩ như vậy. Hãy luôn nhớ rằng, phải trade thông minh hơn, chứ không phải trade trâu bò hơn.

Tôn Tử nói: Thế nên bách chiến bách thắng cũng chưa phải cách sáng suốt trong sự sáng suốt. Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt. Cho nên thượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch, kế đó là thắng địch bằng ngoại giao, kế nữa là dùng binh thắng địch, hạ sách là tấn công thành trì. Đánh thành là biện pháp bất đắc dĩ, chế tạo chiến xa, vũ khí phải mất 3 tháng mới hoàn thành, chuẩn bị binh mã lại mất 3 tháng nữa. Tướng sốt ruột xua quân đánh thành, thương vong 3 phần mất 1 mà vẫn chưa hạ được. Đó chính là cái hại của việc đánh thành. Cho nên người giỏi dụng binh, thắng địch mà không phải giao chiến, đoạt thành mà không cần tấn công, phá quốc mà không cần đánh lâu, nhất định phải dùng mưu lược toàn thắng mà thủ thắng trong thiên hạ, quân không mỏi mệt mà vẫn giành được thắng lợi hoàn toàn.

Đây có lẽ là một trong những đoạn quan trọng nhất trong Tôn Tử Binh pháp. Bạn nào trade lâu năm ắt hẳn sẽ hiểu cái cảm giác khi vào đúng mã thì gần như không phải làm gì tài khoản cũng tăng lên, trong khi nếu vào nhầm mã thì dù có nhìn bảng điện chòng chọc cả ngày, giá cổ phiếu vẫn cứ xuống.

Cho nên, khi vào thị trường, phải dùng thượng sách ("mưu lược để thắng địch")  chứ không phải là hạ sách ("tấn công thành trì"). Nói cách khác, phải nghiên cứu mã cổ phiếu đó trước khi trade, chứ không phải nhìn thấy một mã hấp dẫn tăng trần thì mất kiên nhẫn nhảy vào mua luôn. Thế thì khác gì "tướng sốt ruột xua quân đánh thành, thương vong 3 phần mất 1 mà vẫn chưa hạ được"? Như "người giỏi dụng binh, quân không mỏi mệt mà vẫn giành được thắng lợi hoàn toàn", một trader giỏi nhìn lúc nào cũng thong dong nhàn nhã, vì mọi vị thế đều đã nằm trong sự tính toán của anh ta rồi.

Câu hỏi ở đây là, làm thế nào để đạt được điều đó? Trả lời: bạn phải có kế hoạch trade (trade plan). Một câu "truyền thần" cho mọi trader phải thuộc nằm lòng khi mới bước chân vào thị trường chính là: lên kế  hoạch trade và trade kế hoạch đó (plan your trade and trade your plan).

Muốn kiếm tiền thì chỉ có cách thuận theo tình thế thị trường

Tôn Tử nói: Phép dụng binh, gấp mười lần địch thì bao vây, gấp năm lần địch thì tấn công, gấp đôi thì chia ra mà đánh, bằng địch thì phải đánh khéo, kém địch thì rút, tránh giao tranh với địch. Binh yếu mà đánh thẳng tất bị bắt làm tù binh. Tướng soái là trợ thủ của quốc gia, trợ thủ tốt thì nước cường thịnh, kém thì nước suy yếu.

Câu trên của Tôn Tử chính là bàn về sự thiết yếu của cảm nhận thị trường của một trader. Muốn kiếm tiền thì chỉ có cách thuận theo tình thế thị trường, cầu nhiều thì tăng mua, cung nhiều thì tăng bán, giá tăng thì nắm giữ, giá xuống thì cắt lỗ. Mã cổ phiếu lởm mà đua mua thì tất sẽ bị kẹp ("bắt làm tù binh").

Tôn Tử nói: Vua có thể gây bất lợi cho việc quân trong 3 trường hợp: không biết quân không thể tiến mà bắt tiến, không biết quân không thể thoái mà bắt thoái, đó là trói buộc quân đội. Không biết việc quân mà can dự vào khiến tướng sĩ hoang mang khó hiểu. Không biết mưu kế dụng binh mà can dự vào khiến tướng sĩ băn khoăn nghi ngờ. Quân hoang mang nghi ngờ thì các nước chư hầu thừa cơ tấn công. Đó là tự làm rối mình khiến địch thắng. Cho nên có năm điều có thể thắng: Biết có khả năng đánh hay không có khả năng đánh, có thể thắng, biết dựa vào binh lực nhiều ít mà đánh, có thể thắng, quân tướng đồng lòng có thể thắng, lấy quân có chuẩn bị đánh quân không chuẩn bị có thể thắng, tướng giỏi mà vua không can thiệp vào có thể thắng. Đây là 5 điều có thể đoán trước được thắng lợi.

Xem phim Tàu nhiều chúng ta đều biết câu "Tướng ở ngoài trận, có thể không tuân lệnh vua". Bạn đang ngồi trade, đương nhiên đừng nghe lời vợ/chồng. Vợ/chồng bạn có thể giỏi hơn bạn về nhiều mặt, nhưng nếu không biết tình thế thị trường mà cứ ép bạn mua bán, không biết phân bổ danh mục của bạn mà cứ đòi can dự, không biết kế hoạch trade mà cứ thích chỉ đạo. Lúc đó thì xin chia buồn, danh mục của bạn thảm rồi.

Đúng là "tự làm rối mình" để thiên hạ cướp tiền. Cho nên có năm điều có thể kiếm tiền: biết có khả năng mua hay không mua, có thể kiếm tiền; biết dựa vào tình thế cung cầu thị trường, có thể kiếm tiền; vợ/chồng/gia đình đồng lòng, có thể kiếm tiền; có kế hoạch trade cẩn thận và trade kế hoạch đó, có thể kiếm tiền; và cuối cùng là vợ/chồng bạn không can thiệp vào. "Đây là 5 điều có thể đoán trước được thắng lợi".

Tôn Tử nói: Cho nên có thể nói: Biết địch biết ta, trăm trận không bại, biết ta mà không biết địch trận thắng trận bại, không biết địch không biết ta, trận nào cũng bại. (nguyên văn: Tri bỉ tri kỷ giả, bách chiến bất đãi, bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhất thắng nhất phụ, bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi)

Câu này quá đúng, không dám chém gió gì thêm. Ta = người trader; địch = cổ phiếu muốn mua.

Theo Linh Linh

Cùng chuyên mục
XEM