Khi cuộc sống quá an toàn, con người ta không muốn thay đổi; khi không muốn thay đổi, ta sẽ không có sự đột phá
Có một ai đó đã từng nói rằng để thấu hiểu bản chất của đời sống, con người cần trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách của nó. Bạn sẽ thấy, những thiên tài hay vĩ nhân trên thế giới đều đã trải qua vô vàn nỗi đau, bi kịch lẫn trải nghiệm khó khăn. Và thế, khi cuộc sống quá an toàn, con người không muốn thay đổi, và khi không muốn thay đổi, họ sẽ không có sự đột phá.
Bạn có một gia đình hạnh phúc, bạn có chú chó cưng luôn vẫy đuôi háo hức mỗi lúc bạn trở về nhà. Bạn có anh người yêu hết mực tuyệt vời, hai người sắp sửa cưới và bước vào cuộc sống hôn nhân. Tương lai của bạn, có thể dự đoán là, đong đầy niềm vui. Khi bị mê hoặc bởi cuộc sống an toàn, con người ta chây ì và chả còn tâm trí để nghĩ đến mặt đối nghịch của nó. Chúng ta sẽ dễ dàng bị vỗ về trong niềm vui hoàn toàn đó, nhưng cuộc đời thì nhiều biến thiên và thăng trầm, đâu thể cứ mãi là dòng sông tĩnh lặng.
Khi cuộc sống quá an toàn, con người ta cũng sợ hãi và thấy trống trải
Tri thức của con người là hữu hạn nhưng khả năng tiếp thu lại vô hạn. Từ xưa đến nay, bản năng của loài người chúng ta là khám phá và tự thể hiện chính mình (self-expression), điều đó thể hiện qua với bao thành tựu và phát minh để đời. Thiên tài Thomas Edison phát minh ra bóng đèn, Alexander Graham Bell cũng là một trong những nhà sáng chế chiếc điện thoại đầu tiên, Columbus tìm ra châu Mỹ…
Dường như, tự sâu chính bản thân mỗi con người luôn tiềm tàng bản năng khám phá và tự thể hiện sẵn. Phần bản năng đó rõ ràng vô cùng giá trị, nó đã thay đổi bộ mặt thế giới từ nguyên thủy đến văn minh tiến bộ như ngày hôm nay.
Đã là bản năng thì hoàn toàn mạnh mẽ và tự nhiên. Vì thế, chúng ta đã gặp biết bao người trẻ lẫn trung niên ngày nay muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. Cách đây không lâu, khi phỏng vấn một cô gái trẻ 25 tuổi gốc Hà Nội với nhà cao cửa rộng của mẹ cha và công việc vô cùng ổn định, đủ tiền ăn chơi tới bến. Nhưng cô lại thấy thiếu, thầy gò ép, thấy quá an toàn. Cô quyết định rời đi trước sự phản đối quyết liệt của phụ huynh. Thì ra, ở cuộc sống này, quá an toàn cũng là vấn đề khiến người ta sợ hãi và trống trải.
Một vị CEO nổi tiếng nào đó đã từng hỏi học trò của mình: "Em có biết vì sao anh làm đến mức này mà còn muốn làm thêm nữa?"
Cậu học trò lắc đầu. Anh bảo: "Vì anh rất sợ sự nhàm chán. Đồ thị cuộc đời phải có lúc lên lúc xuống, phá sản khiến anh vực dậy, công ty ăn nên làm ra, anh sẽ khiến nó lên sàn chứng khoán."
Thật thế, đó cũng là tầm nhìn và sứ mệnh của biết bao doanh nhân tài hoa. Dù họ đã tự chủ tài chính (tức không cần làm việc mà vẫn có tiền), họ không bao giờ ngừng lao động. Ý tưởng của họ tuôn chảy ào ào.
Hãy nhớ, huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã từng nói: "Sẽ thật điên rồ nếu tôi ngừng làm việc. Nếu tôi nghỉ hưu, tôi sẽ tưởng tượng ra viễn cảnh của mình là dùng cả tuần lễ để lên kế hoạch cho một buổi cắt tóc. Đó không phải lẽ sống của tôi."
Đồ thị của cuộc sống phải lên xuống, xuống lên
Đồ thị cuộc sống này không thể nào thẳng hàng, nó phải lên xuống, xuống lên và cứ liên tục như thế. Nếu là đường bằng, chẳng khác nào điện tâm đồ của tim ngừng hoạt động. Cuộc sống này tiếp diễn cũng giống như điện tâm đồ của tim hoạt động, phải có lúc này và lúc kia.
Con người là một thực thể mâu thuẫn, chúng ta muốn an toàn, nhưng thật ra, làm những thứ để trái nghịch với mong muốn ấy. Chúng ta cứ nghĩ chúng ta muốn một cuộc sống ổn định, nhưng bản năng của chúng ta - loài người, là muốn chứng tỏ mình. Dù ít hay nhiều, nhỏ hay lớn, chúng ta làm một thứ gì đó để chứng tỏ cho một người hay đám đông nhất định nào đó. Và đó là bản năng.
Suốt cả cuộc đời, có những người cứ luôn dằn vặt và đấu tranh mãi với cái quyết định đã xong xuôi của mình. Rồi Phật giáo đưa ra bài học "buông bỏ" để xoa dịu đi những nuối tiếc của ta. Khi thoát ra lối sống an toàn rồi, nếu không thể chạm đến giấc mơ kiêu hãnh nhất của đời mình, ta cũng học cách buông bỏ, để cuộc sống, vốn dĩ có một phần hưởng thụ trong đó, không bị quá nặng nề bởi tham vọng không điểm dừng của ta.