Khát vọng APEC về tăng trưởng bao trùm nhìn từ cô gái chạy thận người Việt Nam
Một trong những chủ đề được lãnh đạo các nền kinh tế APEC đặc biệt quan tâm tại CEO Summit 2017 bắt đầu chiều nay (8/11) ở Đà Nẵng là tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thế nhưng, khoảng cách giàu nghèo tại khu vực APEC tiếp tục được nới rộng và câu chuyện của Nguyễn Thị Oanh là một ví dụ điển hình.
19h30, Oanh loay hoay dưới chiếc bóng đèn led duy nhất của căn phòng chưa đến 10m2 chuẩn bị bữa tối. Cô bóp dở miếng đậu phụ nóng vào tô bắp chuối thái mỏng, đùa vui là làm salad. Vịnh, chồng Oanh, thợ chỉnh sửa ảnh cho một studio vẫn chưa đi làm về.
Oanh đã chuyển từ huyện Mê Linh lên Hà Nội sống để có thể đến bệnh viện điều trị 3 lần mỗi tuần vào Thứ hai, tư và sáu.
Bảo hiểm y tế của Chính phủ chi trả chi phí lọc máu nhưng Oanh phải tự trang trải thuốc thang hàng ngày. Oanh cũng không đủ khả năng để chi trả cho việc cấy thận. Trước đây, mỗi tháng Oanh kiếm được khoảng 1 triệu đồng (tương đương 50 USD) từ việc bán trà đá "chui" tại bệnh viện, dùng vào việc mua thuốc. Tuy nhiên, thời gian này Oanh ở nhà vì không đủ sức mang vác. Hiện tại, Oanh chỉ nặng 31kg.
Vịnh mỗi tháng kiếm được hơn 3 triệu đồng để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu khác ví dụ như tiền nhà, ăn uống. Bố mẹ của Oanh đã phải bán đất ruộng và tài sản ở quê để trả chi phí chữa bệnh cho cô.
"Khi tôi nhìn thấy đơn thuốc, tôi thấy buồn cho bản thân mình vì không có đủ tiền để mua. Tôi cảm thấy bế tắc. Cuộc sống thật không công bằng", Oanh nói.
Trên giường của Oanh là những túi thuốc. Nhiều loại như thuốc cầm máu, thuốc chống động kinh, thuốc khớp dù đắt tiền nhưng không thể không mua nên Oanh chọn biện pháp ngày uống, ngày nghỉ để cầm chừng. Dưới quê, bố mẹ Oanh cũng vẫn còn nợ một khoản tiền lớn do vay mượn chữa bệnh cho con gái.
Hình ảnh của Oanh đã được Tổ chức Oxfam (một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) quay lại và mang đi trình chiếu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos hồi tháng 1 năm nay để thực hiện chiến dịch chống lại bất bình đẳng.
Sau gần một năm kể từ khi bộ phim được trình chiếu tại Diễn đàn kinh tế Davos, Oanh cho biết Oxfam có gọi điện ngỏ ý muốn làm tiếp câu chuyện "Oanh 1 năm sau đó". Oanh tâm sự cô chưa biết trả lời như thế nào vì mọi thứ vẫn như cũ không khác gì, chỉ có sức khoẻ, cân nặng của cô càng sụt giảm. Oanh nói rằng cô chỉ quan tâm không biết lúc nào có thể được tiếp cận y tế tốt hơn và bớt đi được khó khăn trong cuộc sống.
Oanh from Vietnam - nguồn: Oxfam
Nói về sự bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết sau nhiều thập kỷ tăng trưởng các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dần có sự phân hoá rõ ràng về giàu – nghèo.
Hệ số GINI về bất bình đẳng trong phân phối thu nhập tại khu vực APEC đã tăng từ 0,37 lên 0,48 trong giai đoạn 1990-2014 (gần 30% trong gần ba thập kỷ). Điều này còn được minh chứng qua các ví dụ như: tại Indonesia, 4 người giàu nhất có khối tài sản lớn hơn 100 triệu người nghèo nhất.
Tại Việt Nam, thu nhập trong một năm của 210 người siêu giàu dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực. Tương tự, tại Thái Lan, 1% những cá nhân giàu có sở hữu 56% khối tài sản quốc gia. Tại Indonesia, 1% tổng dân số nắm giữ nửa tổng tài sản của toàn đất nước.
Báo cáo của UNFPA (Tổ chức Dân số Liên Hợp Quốc) cho biết có khoảng 85.000 phụ nữ trong khu vực APEC tử vong mỗi năm khi mang thai và sinh con. Trong đó, 90% ca tử vong có thể được ngăn ngừa nếu các bà mẹ được chăm sóc thai sản tốt.
Gần hai phần ba (63,5%) số người lao động nghèo trên thế giới với mức sống dưới 3,1 đô la Mỹ mỗi ngày tập trung ở khu vực APEC. Đối với rất nhiều người trong số họ, lương là nguồn sống chính. Tuy nhiên, thu nhập của họ thường chỉ là một phần rất nhỏ số tiền để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Oxfam cho biết trong nhiều chuỗi cung ứng, các công ty luôn tìm cách duy trì mức lương thấp nhất để tối đa hoá lợi nhuận. Ví dụ trong lĩnh vực may mặc, lương của công nhân chỉ chiếm 0,6% chi phí chiếc áo, 12% thuộc về hãng sản xuất và 59% thuộc về nhà bán lẻ. Chính những việc này, như Oxfam nhận định đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và doãng rộng khoảng cách bất bình đẳng.
Mặt khác, các chính sách thuế hiện hành không tạo nguồn thu đủ để Chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ thiết yếu nhằm xóa nghèo và giải quyết tình trạng bất bình đẳng tương ứng với các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Vì vậy, Oxfam nhận định cuộc họp lần này tại Việt Nam là cơ hội để các nhà lãnh đạo APEC dẫn dắt lộ trình hướng tới một mục tiêu mới và ý nghĩa hơn. Đó là một nền kinh tế mà không ai bị bỏ lại phía sau, ở đó mọi người được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.
Với vai trò là nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đưa ra sáng kiến về "thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm". Sáng kiến này được xem là dấu ấn của Việt Nam, kế tục tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao tại APEC 2016 tổ chức tại Peru, như nhận định của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương. Sáng kiến này nhận được đồng thuận của các lãnh đạo đến từ các nền kinh tế APEC.
Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, coi đây là chiến lược nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, nước chủ nhà nêu bật mối liên kết chặt chẽ giữa ba trụ cột và kêu gọi APEC cần xây dựng một phương pháp tiếp cận toàn diện để thúc đẩy sự phát triển bao trùm trong cả 3 lĩnh vực.