[Khảo sát] Việt Nam là điểm đến đầu tư châu Á hứa hẹn nhất với công ty Nhật Bản năm 2020

09/01/2020 08:25 AM | Xã hội

Việt Nam đã được các công ty Nhật Bản đánh giá là nơi hứa hẹn nhất ở châu Á để đầu tư vào năm 2020, bên cạnh Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác, một cuộc khảo sát cho thấy.

Trong cuộc khảo sát, được thực hiện trực tuyến từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2019 bởi NNA Japan Co., một công ty thuộc tập đoàn Kyodo News, Việt Nam đã nhận được 42,1% trong số 820 phản hồi hợp lệ cho điểm đến đầu tư hứa hẹn nhất châu Á, dựa trên các yếu tố như tiềm năng của thị trường đang phát triển và nguồn cung lớn cho lao động chi phí thấp.

NNA là một hãng tin cung cấp các báo cáo kinh tế và kinh doanh cho các công ty Nhật Bản hoạt động ở châu Á.

 [Khảo sát] Việt Nam là điểm đến đầu tư châu Á hứa hẹn nhất với công ty Nhật Bản năm 2020  - Ảnh 1.

Những người trả lời khảo sát khác, nhắm vào người nước ngoài làm việc cho các công ty Nhật Bản ở châu Á, cho rằng sự lựa chọn của họ là vì Việt Nam có sự gần gũi với Trung Quốc.

Ấn Độ đứng thứ hai ở mức 12,2%, với những kỳ vọng cho thị trường đang phát triển và tiềm năng như là một cánh cửa đến Trung Đông và Châu Phi.

Myanmar đã tăng ba điểm so với năm trước lên vị trí thứ ba với 11,6%, trong khi Indonesia đứng thứ tư với 6,6%.

Trung Quốc, dường như đã mất đi sự hấp dẫn của mình như là một địa điểm đầu tư, do lo ngại về cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và chi phí lao động tăng lên, đứng thứ năm ở mức 5,1%.

Ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao của Công ty dịch vụ tư vấn M&A hàng đầu Nhật Bản - RECOF Corporation cho biết lượng giao dịch giữa doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam đã đạt kỷ lục. Nếu như 4 năm qua chỉ có khoảng 20 - 25 giao dịch, năm 2019 thì tính đến tháng 7 đã có tới 21 giao dịch. Các công ty Nhật ngày càng quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là sản xuất và dịch vụ.

Nguyên nhân là do 2 nền kinh tế của Nhật Bản và Việt Nam ngày càng tiến gần nhau hơn, ngày càng nhiều người Việt Nam du lịch sang Nhật Bản và ngược lại. Mặt khác, nhân lực Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế của Nhật Bản ngày càng gia tăng, người Nhật cũng dần quen với việc tuyển dụng nhiều nhân lực Việt Nam.

Theo ông Masataka Sam Yoshida, CEO của RECOF, các công ty Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào Việt Nam một phần do nhu cầu cạnh tranh sản xuất do căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc kéo dài.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển cũng thu hút các nhà bán lẻ Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng, hàng hoá kinh doanh và nhiều ngành công nghiệp khác.

Trong năm 2019, nhiều giao dịch đáng chú ý đã được thực hiện: Công ty Cổ phần chế tạo thuốc Taisho mua cổ phần của Dược Hậu Giang; Công ty Misui Corp mua cổ phần của Thuỷ sản Minh Phú, Sumitomo Corp dự kiến mua cổ phần của Gemadept…

"Trong những năm tới đây, dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ không giảm đi. Mặc dù đang phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp, y tế, bất động sản, xây dựng, dịch vụ hậu cần, tài chính tại Việt Nam", ông Masataka Sam Yoshida nói thêm.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM