Khách Việt kể lại kỷ niệm nhớ đời khi du lịch Trung Quốc: "Tôi nghĩ mình đã phải về nước ngay hôm sau"
"Lúc xảy ra chuyện và tưởng như chỉ có 1% cơ hội để giải quyết, mình đã nghĩ ngay hôm sau mình sẽ bay về nước", nữ du khách kể lại...
Nhắc tới những điểm đến du lịch nước ngoài hấp dẫn đối với riêng du khách Việt, không thể bỏ qua Trung Quốc. "Quốc gia tỷ dân" không chỉ sở hữu phong cảnh đẹp mà còn có nền văn hoá đa dạng và phong phú, đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Thế nhưng tại nơi đất khách quê người, nhiều du khách Việt cũng đã gặp phải những tình huống éo le, tạo nên những kỷ niệm để đời. Câu chuyện sau đây của một nữ du khách tên H.T.P, 26 tuổi, đến từ Hà Nội là một ví dụ.
Theo lời kể của nữ du khách, vào cuối tháng 3 vừa qua, cô và nhóm bạn thân có chuyến đi du lịch tới 3 thành phố ở Trung Quốc là Thượng Hải, Hàng Châu và Tô Châu. Chuyến đi tưởng chừng diễn ra rất suôn sẻ cho đến ngày thứ 3, khi nhóm du khách đang ở thành phố Hàng Châu, nữ du khách phát hiện thất lạc chiếc điện thoại di động.
Được biết, đây là chiếc điện thoại cô mua ngay trước chuyến du lịch chỉ một ngày, bởi trước đó chiếc điện thoại cũ của cô cũng bị rơi mất. Khi không tìm thấy điện thoại lần thứ 2 liên tiếp trong tháng, cô gái vô cùng bối rối. Hỏi những người bạn đi cùng cũng không ai cầm, nữ du khách biết mình đã gặp rắc rối. Chiếc điện thoại mới vừa chỉ được T.P cài đặt các ứng dụng cơ bản cho chuyến du lịch, còn lại nó thậm chí chưa được định vị, không có sim, không có mạng và cũng không có mật khẩu.
"Lúc đó mình không biết phải làm thế nào. Điện thoại của mình gần như mới tinh, nếu có ai đó lấy được thì họ sẽ chẳng hề mất công nhiều cho việc phá khoá, cài lại máy, mà có thể dùng được ngay. Điện thoại cũng chưa cài định vị nên hi vọng gần như bằng 0", nữ du khách kể lại.
Sau khi lục lại ký ức, nhóm du khách nghi ngờ nghi ngờ có thể điện thoại đã rơi trên chiếc taxi chở họ về. Thông tin duy nhất họ có được là biển số xe và tên của người tài xế. Để tìm được số điện thoại liên lạc, họ chỉ còn cách gọi điện lên tổng đài ứng dụng đặt xe. Tuy nhiên, tất cả đều không biết tiếng địa phương. Bởi vậy, họ đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của các nhân viên khách sạn.
Ban đầu, do yếu tố bảo mật thông tin cũng như nhiều bước thao tác khó hiểu, kết quả họ nhận về bằng 0. "Bọn mình không biết tiếng Trung nên chỉ đứng cạnh nghe ngóng, đoán tình hình qua sắc mặt của bạn lễ tân. Khi thấy bạn có vẻ bối rối và bất lực, mình nghĩ chỉ còn 0,001% hi vọng. Mình thậm chí còn nghĩ sẽ về Việt Nam ngay hôm sau nếu như lại để mất điện thoại lần này, bởi thực sự không còn tâm trạng gì để đi chơi nữa", T.P kể lại.
Tuy nhiên, ngay lúc tưởng chừng như tất cả đều đã bỏ cuộc, thì quản lý của khách sạn xuất hiện. Sau khi nghe trình bày lại tình huống từ nhân viên của mình, nữ quản lý gọi khoảng 4-5 cuộc điện thoại. "Mọi chuyện lúc này khá căng thẳng, chúng mình được thêm hi vọng nhưng vẫn rất lo lắng bởi việc xin được số điện thoại của tài xế có vẻ rất khó khăn. Thậm chí có cuộc cô ấy như cãi nhau với đầu dây bên kia vì họ nói rất to".
Đến cuộc gọi thứ 5, nhân viên lễ tân vẫn luôn đứng cạnh người quản lý bất ngờ nhìn nhóm du khách và dơ tay ký hiệu "OK". Tức là họ đã liên hệ được với người tài xế kia, và anh ta sẽ đến khách sạn trả điện thoại trong vòng 1 giờ nữa. Vậy là nữ du khách Việt đã tìm lại được điện thoại của mình khi chỉ còn đúng 0,001% hi vọng nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhân viên khách sạn.
Khi người tài xế nọ đến nơi, nữ du khách chỉ cần trả tiền cho chuyến đi của anh, ngoài ra không mất thêm một khoản "phụ phí" nào khác. Nữ du khách có đề nghị được gửi tiền hậu tạ, song vị tài xế từ chối. Anh gửi trả lại cô chiếc điện thoại nguyên vẹn và nở nụ cười rất tươi.
Làm gì khi mất điện thoại khi đi du lịch nước ngoài?
Trường hợp trên chỉ là một trong số rất ít các tình huống du khách có thể tìm lại điện thoại khi bị thất lạc ở nước ngoài. Ở nơi đất khách quê người, việc tìm kiếm sẽ trở nên khó khăn hơn do nhiều yêu tố như rào cản ngôn ngữ, các thủ tục, quy trình làm việc khác biệt...
Bởi vậy, du khách tốt hơn hết hãy bảo vệ tốt nhất tài sản cá nhân nói chung, cũng như điện thoại di động nói riêng khi đi du lịch, công tác nước ngoài. Trong trường hợp đánh rơi, mất điện thoại, các chuyên gia cũng khuyên rằng hãy thực hiện ngay một số bước sau.
1. Định vị điện thoại trên ứng dụng thông minh nếu có
Hầu hết các loại điện thoại hiện đại, đến từ các thương hiệu lớn hiện nay đều có trang bị tính năng định vị và có thể tìm kiếm từ xa. Ngay khi thất lạc điện thoại, hãy nhờ một thiết bị khác và định vị thiết bị của bạn. Ít nhất, nó sẽ xác định được vị trí cuối cùng mà thiết bị hoạt động.
2. Khoá các tài khoản mạng xã hội, tài khoản cá nhân ở thiết bị bị mất
Rất nhiều kẻ xấu sẽ lợi dụng chiếm đoạt các tài khoản cá nhân như tài khoản mạng xã hội, số điện thoại hay tài khoản ngân hàng để thực hiện các hành vi xấu. Các hành vi này chủ yếu là lừa đảo, nhờ vay tiền, chuyển khoản...
Bởi vậy ngay khi phát hiện thất lạc điện thoại, trước hết người dùng nên tiến hành khoá các tài khoản cá nhân lại để phòng trừ rủi ro.
3. Khóa điện thoại từ xa
Tương tự như việc khóa các tài khoản cá nhân, nếu cảm thấy hy vọng tìm lại chiếc điện thoại còn rất thấp, cách để giữ được sự an toàn cho các dữ liệu cá nhân đó là người dùng hãy khóa hoàn toàn chiếc điện thoại này. Với công nghệ hiện đại, hiện nay người dùng hoàn toàn có thể thực hiện công việc này từ xa, trên một thiết bị khác. Khi tìm thấy điện thoại, nhờ các thông tin bảo mật riêng mà người dùng lại có thể mở lại được khóa cho thiết bị.