Khách Trung Quốc sẽ ‘chi tiêu trả thù’ sau 3 năm mới được du lịch Việt Nam?
Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc - thị trường đông dân nhất thế giới, đã làm tăng hy vọng về sự bùng nổ kinh doanh du lịch. Song thực tế việc thắt chặt chi tiêu khiến nhiều khách du lịch vẫn trong trạng thái “chờ xem thế nào”.
Du khách Trung Quốc góp phần thúc đẩy du lịch Việt
Tân Hoa Xã vừa đưa tin về sự kiện đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên tới Việt Nam sau ba năm gián đoạn vì dịch bệnh. Sự kiện được Tổng cục du lịch Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức ngày 15/3.
Đoàn 120 du khách Trung Quốc đã được chào đón nồng hậu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị bằng các màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, cùng nhiều món quà lưu niệm ý nghĩa, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc cho hay.
Ông Đặng Quý Lâm, 67 tuổi, đến từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cho biết đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Ông sẽ thăm quan Thủ đô Hà Nội và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) "để trải nghiệm vẻ đẹp của thành phố nghìn năm văn hiến, cũng như Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam", ông trả lời Tân Hoa Xã.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - cũng cho rằng, hợp tác du lịch là một nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngành du lịch có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, khi lượng khách Trung Quốc quay trở lại sẽ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế trong năm 2023.
Góp phần quan trọng nhưng khó chờ sự bùng nổ
Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế, không đạt mục tiêu đặt ra.
Nhiều nguyên nhân khiến du lịch Việt hụt hơi, trong đó có lý do nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống nhưng các thị trường này lại chưa mở cửa do tác động của đại dịch.
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón hơn 8 triệu lượt khách quốc tế. Với việc Trung Quốc cho phép Việt Nam đón khách đoàn, nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu hút khách quốc tế năm 2023 sẽ khả thi hơn. Một số quan điểm khác kém tích cực hơn cho rằng, dù có mở cửa, song cũng không thể quá trông chờ vào sự bùng nổ từ thị trường này.
“Khách Trung Quốc sẽ chưa thể đến Việt Nam ồ ạt trong thời gian tới. Các đơn vị lữ hành đều sẽ tỏ ra cẩn trọng trong việc đưa khách ra nước ngoài, nghe ngóng, thăm dò thông tin nhiều hơn”, ông Nguyễn Tường - Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Quảng Ninh - nói với Tiền phong.
Ông Tường e ngại, xu hướng thắt chặt chi tiêu sau đại dịch của du khách Trung có thể ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ quyết định du lịch của họ. Chưa kể, sau đại dịch, xu hướng điểm đến của du khách Trung Quốc đã thay đổi khá nhiều.
Trong bài viết “Không có sự phục hồi mạnh mẽ cho ngành du lịch Trung Quốc” vừa được đăng tải, tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định: Sự lạc quan về khả năng phục hồi của ngành du lịch Trung Quốc thời hậu COVID-19 có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Một số lý do được chỉ ra, trong đó có việc người tiêu dùng vẫn chưa có tâm trạng chi tiêu.
Jackey Yu - Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey nói trên SCMP: “Mùa hè, các hoạt động du lịch dự kiến chỉ phục hồi 40-50% so với mức của năm 2019. Sự phục hồi hoàn toàn sẽ không xảy ra cho đến năm sau”.
Trên toàn thế giới, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, thị trường đông dân nhất thế giới, đã làm tăng hy vọng về sự bùng nổ kinh doanh du lịch. Song Franco Feng - Giám đốc điều hành của công ty du lịch ở Thượng Hải - lại cho rằng: Một số nhà phân tích đã quá lạc quan. Rất nhiều khách du lịch đang “chờ xem thế nào”.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu du lịch nước ngoài của Trung Quốc, sẽ có khoảng 110 triệu lượt người qua biên giới từ Trung Quốc vào năm 2023, chỉ bằng 2/3 so với năm 2019. Trước đại dịch, Trung Quốc là nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới với 170 triệu chuyến đi và đóng góp 253 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2019.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã tích trữ khoản tiết kiệm 869,2 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch, tăng gấp ba lần so với mức được báo cáo vào năm 2019. Hàng nghìn doanh nghiệp, từ nhà hàng, quán trà đến công viên giải trí và khách sạn kỳ vọng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ vung tiền để “chi tiêu trả thù” trong thời kỳ hậu đại dịch. Tuy nhiên, Yin Ran - một nhà đầu tư thiên thần ở Thượng Hải trả lời trên SCMP: “Mọi người sẽ không sớm chi tiêu mạnh tay cho các mặt hàng tiêu dùng hoặc dịch vụ giải trí. Nhiều người còn không tự tin về triển vọng việc làm và thu nhập của họ”.