Khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng đột biến, nhưng vẫn chỉ tương đương 1/4 lượng du khách từ một nước khác
Tháng 4 vừa qua, Việt Nam đón gần 112.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 61,5% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, tính tổng 4 tháng đầu năm, số lượt khách Trung Quốc mới đạt hơn 252.000, trong khi một quốc gia khác đã vượt 1 triệu lượt khách đến Việt Nam.
Trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường khách hàng đầu của Việt Nam, với hơn 5,8 triệu du khách đến trong năm 2019. Quốc gia láng giềng này thường xuyên nằm trong top đầu, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Do đó, việc Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại sau 3 năm duy trì chiến lược zero-covid đã thắp lên hy vọng lớn đối với ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách quốc tế năm ngoái chỉ đạt khoảng 70% mục tiêu đề ra.
Như mong đợi, thị trường Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng chính trong tháng 4/2023, sau khi nước này mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, Việt Nam đón 111.903 lượt khách Trung Quốc trong tháng 4, tăng 61,5% so với tháng 3 (tương đương khoảng 42.500 lượt khách). Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong các thị trường quốc tế. Tổng cộng 4 tháng đầu năm, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 252.136 lượt.
Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng, thị trường khách Trung Quốc chưa thể lấy lại vị thế dẫn đầu như trước đại dịch, trong bối cảnh Việt Nam dường như ngày càng hấp dẫn trong mắt những du khách đến từ một quốc gia Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc.
Tháng 4/2023, lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 259.357 lượt, cao nhất trong tất cả các thị trường quốc tế và hơn gấp đôi Trung Quốc. Tính tổng 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón 1.070.295 lượt khách Hàn Quốc, gấp khoảng 4 lần so với Mỹ và Trung Quốc – hai thị trường đứng lần lượt thứ 2 và thứ 3.
Kết quả chung sau 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón 3,7 triệu lượt khách quốc tế, gấp 19 lần so với cùng kỳ năm 2022, thậm chí vượt số lượt khách quốc tế trong cả năm ngoái (3,6 triệu lượt).
Tổng cục Du lịch cho biết dù đang trong mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, lượng khách đến Việt Nam tháng 4 vẫn tăng, thậm chí đạt cao nhất trong 4 tháng đầu năm. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, với việc đã đạt gần 50% mục tiêu kế hoạch năm 2023, ngành du lịch có khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế.
Tổng cục Du lịch còn nêu ra những Nghị quyết về chính sách mới liên quan đến thị thực, xuất nhập cảnh, bao gồm:
- Nâng thời hạn visa điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần
- Cấp visa điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ
- Nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày.
Đây được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Tại tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" do Báo Đầu Tư tổ chức hồi tháng 3, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng cho rằng về ngắn hạn, phải làm sao để du khách dễ dàng đến Việt Nam hơn.
“Anh Trịnh Ngọc Thành (Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines) từng có ý kiến rất hay. Nếu mở cửa chính sách visa tốt hơn kèm theo những đường bay thẳng, trong vòng 3 năm số du khách quốc tế có thể tăng gấp đôi. Đây là con số lớn, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có thể đạt được”, ông Chính chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu để hiểu khách hàng và thị trường, bởi trước và sau Covid-19 du khách đã thay đổi nhiều. Họ đang có xu hướng đi theo nhóm nhỏ thay vì theo đoàn, chọn một quốc gia rồi ở lại lâu hơn thay vì du lịch kết hợp nhiều nước. Ngoài ra còn xu hướng du lịch xanh, trở về với thiên nhiên để hồi phục sức khỏe.