Khách sạn luôn cháy phòng: Quảng Ninh lo 'vỡ trận'

22/07/2019 08:40 AM | Kinh doanh

Mặc dù được đầu tư bài bản, hàng trăm khách sạn, nhà nghỉ chất lượng từ bình dân đến thượng hạng tại TP Hạ Long luôn cháy phòng dịp cuối tuần. Dịch vụ quá tải, du khách chen nhau tắm biển, chờ hàng tiếng đồng hồ để được lên tàu thăm vịnh Hạ Long...

Thiếu chiến lược

Hạ Long trở thành tâm điểm du lịch của miền Bắc vào mùa hè khi đưa vào sử dụng đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đấu nối với cao tốc lên Hà Nội, cùng hệ thống sân bay Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Tất cả đã tạo nên một cú hích mạnh cho sự phát triển du lịch.

Việc tìm phòng ở Hạ Long vào cuối tuần luôn “bất khả thi”. Giá thành dịch vụ bị đẩy lên cao, tạo tiền lệ xấu cho du lịch Hạ Long khi thành phố này mới bước đầu dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh (từ khai thác than sang phát triển dịch vụ du lịch).

Trái ngược với một Hạ Long đông đúc, các huyện thị khác của Quảng Ninh vẫn vắng bóng khách du lịch. Đơn cử như huyện Bình Liêu, được ví như một Tây Bắc thu nhỏ, với hàng loạt sản vật nổi tiếng cùng cảnh đẹp mê hồn trên cung đường tuần tra biên giới, sống lưng khủng long…nhưng mỗi năm cũng chỉ đón vài nghìn khách (chủ yếu là các nhóm phượt tự phát). Ba Chẽ, Hải Hà, Móng Cái, thậm chí Cẩm Phả hay Đông Triều đều chưa có đột phá gì về phát triển du lịch.

Khi Quảng Ninh đưa ra ý tưởng xây dựng Vân Đồn thành đặc khu kinh tế, hàng loạt các dự án phát triển du lịch khủng được lên danh sách: Nào là casino, resort, kèm theo những công trình "vĩ đại" như tòa nhà cao nhất Việt Nam, con đường di sản… nhưng đến nay, các siêu dự án này vẫn nằm trên giấy chờ thời.

"Phát triển du lịch cần có một lộ trình rõ ràng và chiến lược lâu dài. Đối với một tỉnh giàu tiềm năng du lịch như Quảng Ninh, trước hết nên tập trung phát triển đồng đều ở các địa phương. Không nên dồn lực một chỗ sẽ tạo ra sự ùn ứ và rất dễ vỡ trận như Hạ Long hiện nay" - ông Phạm Ngọc Thực, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa - xã hội của Quảng Ninh nói.

Khó dẹp tour không đồng

Nhìn tổng quan, Hạ Long đang phát triển vượt bậc với nhiều đột phá, nhiều công trình mang tầm chiến lược trong du lịch đưa vào sử dụng. Hàng loạt thay đổi trong cung cách quản lý nhà nước cũng được áp dụng, đem lại hiệu quả cao. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập cần được giải quyết dứt điểm.

Vừa qua, nhiều cuộc họp bàn về nạn “tour 0 đồng” được TP Hạ Long và cả tỉnh Quảng Ninh tổ chức để tìm ra giải pháp. Nhiều chiến dịch dẹp loạn cũng đã được triển khai một cách quyết liệt. Sau 3 năm, “tour 0 đồng” vẫn là vấn đề nhức nhối và đang ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt du lịch của tỉnh này.

Khách sạn luôn cháy phòng: Quảng Ninh lo vỡ trận - Ảnh 1.
Cơ quan chức năng đột kích 2 “thủ phủ” mua sắm “tour 0 đồng” với tổng giá trị niêm yết gần 100 tỷ đồng tại Móng Cái

Những mánh khóe, thủ đoạn vẫn được các doanh nghiệp móc nối sử dụng để lách luật mặc cho các cơ quan chức năng thường xuyên giám sát. Trung bình mỗi ngày, lượng khách Trung Quốc đến với Hạ Long lên đến con số hàng nghìn. Thậm chí vào ngày cao điểm, lượng “khách 0 đồng” này được Hải quan Móng Cái thống kê hơn 25 nghìn người/ngày.

Lượng khách này bị các doanh nghiệp “chăn dắt”, sử dụng các dịch vụ kém chất lượng như phòng nghỉ, ăn uống… nhưng phải trả một cái giá cực cao cho các sản phẩm “hàng rởm” bán trong các khu mua sắm bí mật. Nguồn tiền này thường được chuyển ra nước ngoài không thông qua bất kỳ một sự kiểm soát nào của chính quyền sở tại.

Mới đây, ngày 11/7, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp Cục An ninh kinh tế, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Bộ tư lệnh biên phòng và Công an tỉnh Quảng Ninh bất ngờ kiểm tra 2 trung tâm mua sắm tại TP Móng Cái, phát hiện lượng lớn sản phẩm túi xách, ví da, thắt lưng, đồng hồ đeo tay là hàng giả, hàng nhái dán tem nhãn những thương hiệu như Gucci, Louis Vuiton, Hermes, Prada, đồng hồ Rolex... với tổng trị giá niêm yết lên đến gần 100 tỷ đồng.

Đặc biệt, các trung tâm này đều là thủ phủ mua sắm của dịch vụ "tour 0 đồng". Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các công ty này có hành vi đầu tư núp bóng người nước ngoài; không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa; thực hiện thanh toán qua các thiết bị POS, WECHAT, ALIPAY không qua kiểm soát của ngân hàng Việt Nam; sử dụng lao động người nước ngoài không có giấy phép lao động.

Hoàng Dương

Theo Hoàng Dương

Cùng chuyên mục
XEM