Khách sạn 5 sao ế ẩm chưa từng có, giá phòng khách sạn Metropole xuống thấp kỷ lục chỉ còn hơn 1 triệu đồng/ngày
Phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi,... rơi vào khủng hoảng trầm trọng do không có khách quốc tế. Có khách sạn công suất chỉ đạt 7%, hầu như rất ít sáng đèn.
Báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, ngoài tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngày Quốc khánh 2/9 năm nay được nghỉ 1 ngày nên lượng khách du lịch đến Hà Nội không nhiều. Các cơ sở lưu trú du lịch khá vắng khách, mặc dù giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú giảm tới 40-60%.
Tiêu biểu như khách sạn Pan Pacific ưu đãi hơn 40% còn 1.9 triệu đồng/1 đêm phòng Deluxe, tặng 500 nghìn đồng cho dịch vụ ẩm thực, ưu đãi 30% ăn uống tại nhà hàng và bar; InterContinental Hanoi Landmark 72 giá 4 triệu đồng/đêm với ưu đãi: Buffet sáng, trưa hoặc bữa tối cho 2 người, miễn phí nâng hạng phòng, ưu đãi 20% tại nhà hàng, quán bar, giảm 30% khi đặt phòng thứ 2; miễn phí dịch vụ trong KS.
Đặc biệt, khách sạn Metropole giá 1,160 triệu đồng/ngày bao gồm phòng ngủ thuộc khu vực Opera Wing, sử dụng hồ bơi, phòng gym và một số đồ uống không cồn tại bar...
Mặc dù giảm giá mạnh, nhưng công suất bình quân sử dụng buồng phòng khá thấp, uớc tính khối khách sạn 1-5 sao đạt 10.6%, giảm 53.4 % so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: Khách sạn Lotte đạt 30%, Khách sạn Metropole 25%, Crown Plaza Hà Nội 18%; Deawoo 7%...
Nguyên nhân phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi,... rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách quốc tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, hiện nay lượng khách quốc tế sang Việt Nam rất ít.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách, mặc dù các cơ sở đồng loạt đưa ra các gói giảm giá dịch vụ từ 40-50% tuy nhiên lượng khách vẫn rất vắng. Tại các khách sạn, nhà hàng và các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí... lượt khách và sức mua rất hạn chế, ước tính doanh thu giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Đánh giá về triển vọng khách sạn, ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam, "Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn".
Quan sát trên thị trường hiện nay cho thấy hiện nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư bắt đầu vào cuộc săn đón những tài sản bị áp lực nợ (distressed assets) với mức định giá thấp. Tuy nhiên, thị trường khách sạn 4-5 sao hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản rơi vào tình thế này. Việc tài sản bị định giá thấp chủ yếu tập trung ở những khách sạn thuộc phân khúc bình dân trở xuống. Song song đó nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn cũng đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.
Mặc dù Covid-19 sẽ để lại nhiều thiệt hại và tác động sâu rộng đến thị trường du lịch và khách sạn, theo ông Thức, diễn biến phòng chống dịch Covid-19 tích cực là một điểm cộng lớn. Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch. Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, giúp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8 đạt 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng trước. Con số tăng này chủ yếu là các chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc làm việc tại các dự án; lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ; lưu học sinh Lào, Campuchia quay trở lại Việt Nam học tập.
Tổng lượng khách quốc tế vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước.