Khách hàng gửi tiết kiệm lưu ý: Cẩn thận với loạt rủi ro "bay tiền"

30/10/2024 19:15 PM | Công nghệ

Gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những hình thức tích lũy tiền an toàn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế, tài khoản tiết kiệm vẫn có thể "bay sạch" nếu vướng vào một số rủi ro.

Thông thường, một số kẻ gian có thể gọi điện thoại cho người dùng nhằm lợi dụng lấy các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, số CMND/CCCD, mã OTP gửi về máy… Các cuộc gọi này có thể kèm theo video quay mặt và giọng nói của bạn hoặc những người thân thuộc, hoặc sử dụng công nghệ AI để giả dạng công an/cán bộ điều tra nhằm lừa gạt bạn thực hiện các hành vi chuyển tiền hay cung cấp thông tin đăng nhập…

Theo khuyến cáo của một số ngân hàng, người dùng có thể phát hiện hành vi lừa đảo thông qua một số dấu hiệu như: Cuộc gọi video call thường rất ngắn chỉ khoảng vài giây; cử động khuôn miệng khi nói khá cứng nhắc nếu nhìn kỹ; nội dung cuộc gọi luôn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc mượn tiền...

Khi nhận được các cuộc gọi yêu cầu mượn tiền, chuyển tiền từ người thân, bạn bè hay bất kỳ nhân vật nào từ các tổ chức khác, người dùng cần xác nhận lại trực tiếp với các đối tượng liên quan để tránh bị lừa đảo. Khách hàng bị lộ thông tin cá nhân có thể bị kẻ gian lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của bản thân và những người thân thuộc.

Các thông tin này chỉ có thể bị lộ thông qua việc người dùng chia sẻ thông tin đăng nhập cho người khác, đăng nhập trên nhiều thiết bị, tải các ứng dụng có chứa mã ngầm về điện thoại, nhấp vào các đường link lạ…

Khách hàng được khuyến cáo tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản cho bất cứ ai, đặc biệt là qua Internet, không cài đặt ghi nhớ đăng nhập trên điện thoại, đăng xuất tài khoản ngay sau khi sử dụng, không nhấp vào các link lạ và các ứng dụng độc hại...

Khách hàng nên đổi mật khẩu ngân hàng định kỳ 3 tháng/lần và chọn loại mật khẩu phức tạp bao gồm đầy đủ chữ, số và các ký tự đặc biệt để gia tăng khả năng bảo mật, tránh kẻ gian có thể đoán được và đăng nhập trong trường hợp bạn rơi mất điện thoại.

Tại điều 155 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 quy định, một ngân hàng sẽ tuyên bố phá sản khi mất khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng dưới quyết định của Tòa án. Khi đó, người gửi tiền sẽ được chi trả tiền bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 điều 25, dựa trên hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa được Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, tình huống ngân hàng phá sản rất khó xảy ra bởi nếu hoạt động không hiệu quả, nhà nước sẽ có nhiều phương án hỗ trợ để ngân hàng không phá sản như: Phục hồi, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, giải thể, chuyển giao bắt buộc...

Bên cạnh hệ thống bảo mật của ngân hàng, khách hàng cũng cần lưu ý một số kinh nghiệm sau đây để gửi tiền tiết kiệm được an toàn.

Đầu tiên, khách hàng cần tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân cho người khác, kể cả người thân, bạn bè, đặc biệt là không chia sẻ qua đường truyền Internet, các trang mạng xã hội… để ngăn chặn khả năng rò rỉ thông tin tài khoản qua trung gian.

Khách hàng nên đọc kỹ giấy tờ, chứng từ trước khi ký kết để đảm bảo đúng thông tin cá nhân và thông tin về sản phẩm tiết kiệm.

Khách hàng cần thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản để kịp thời phát hiện giao dịch bất thường, cần liên hệ ngay với ngân hàng để khóa tài khoản và xử lý kịp thời.

Khách hàng ký một chữ ký cố định cho các giấy tờ quan trọng để có cơ sở pháp lý khi xảy ra tình huống bị giả chữ ký, ngân hàng sẽ dựa vào bút tích để giúp bạn xử lý vấn đề.

Khách hàng nên lựa chọn ngân hàng uy tín để được hưởng các dịch vụ chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn và các chính sách minh bạch, bảo vệ khách hàng toàn diện.

Theo Đức Anh (t/h)

Cùng chuyên mục
XEM