Khả năng kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc còn hạn chế dù chính phủ đã chi rất nhiều tiền?

14/07/2020 08:22 AM | Xã hội

Mưa lớn dai dẳng gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc, cướp đi sinh mạng của hơn 100 người, buộc 1,7 triệu người phải chuyển chỗ ở và gây ra thiệt hại tài chính ước tính 61,8 tỷ nhân dân tệ.

Theo Bloomberg, tại nhiều thành phố dọc sông Dương Tử của Trung Quốc, nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm, xe ô tô trôi trong nước và nhiều cây cầu bị lũ đánh sập.

Việc chống lụt tại Trung Quốc đã diễn ra suốt bao đời nay. Trong lịch sử Trung Quốc đã có rất nhiều câu chuyện con người chiến thắng thiên nhiên. Ông Mao Trạch Đông trước đây từng có câu nói nổi tiếng: “Làm cho núi phải cúi đầu, làm cho sông phải đổi dòng”.

Đã nhiều năm nay, Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát lũ lụt bằng cách phát triển nhiều dự án ví như dự án xây đập và đê. Gần 34.000 km đê đã được xây dựng dọc sông Dương Tử. Dự án đập Tam Hiệp với tổng số vốn đầu tư ước khoảng 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 24 tỷ USD ở thời điểm phê duyệt dự án, được khởi động với mục đích chính là kiểm soát lũ lụt.

Dự án này tuy nhiên gây ra nhiều tranh cãi. Dự án được hoàn thành vào năm 2006, khi đó, 1,4 triệu người đã bị buộc phải chuyển chỗ ở. Giới chức và các chuyên gia Trung Quốc hy vọng rằng đập Tam Hiệp sẽ có thể chống chịu được các đợt lũ lớn tồi tệ nhất, vốn thường chỉ xảy ra theo chu kỳ 10.000 năm.

Tuy nhiên, niềm tin vào dự án đập Tam Hiệp đã giảm đi rất nhiều. Khu vực sông Dương Tử thường xuyên có lũ lớn, con sông này luôn là nơi tập trung nhiều cơn lũ gây ra thiệt hại nhân mạng nhiều nhất tại Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc thay đổi chiến lược ứng phó với thiên nhiên. Trong chương trình biến đổi khí hậu quốc gia được công bố bởi Quốc vụ viện Trung Quốc năm 2007, Trung Quốc thừa nhận thách thức của biến đổi khí hậu và khẳng định rằng Trung Quốc cần theo đuổi chiến lược phát triển bền vững. Các biện pháp kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc đang hướng nhiều đến giải pháp dựa vào thiên nhiên.

Trung Quốc đã tăng cường công tác thủy văn trong những năm gần đây, ví như Trung Quốc sẽ theo dõi số liệu về dòng chảy đồng thời đánh giá lượng nước trên sông. Những nỗ lực này đã giúp Trung Quốc ứng phó tốt hơn với thảm họa và giảm đi thiệt hại.

Trung Quốc đồng thời chi ra nhiều tiền để khôi phục hàng trăm kilomet khu vực bãi sông cũng như trồng thêm nhiều cây, đồng thời hạn chế đáng kể hoạt động canh tác gây hại tại nhiều khu vực vùng núi. Năm 2015, Trung Quốc đưa ra sáng kiến điều chỉnh dòng chảy và khu vực chịu lũ, theo đó cả cả khu vực đô thị cũng có thể tiếp nhận và điều chỉnh được nước lũ.

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia tại Tổ chức Hòa Bình Xanh khu vực châu Á, ông Liu Junyan, dù rằng chính phủ Trung Quốc đã coi biến đổi khí hậu như một mối lo ngại lớn, đồng thời đã tính đến các biện pháp ứng phó, việc áp dụng các biện pháp trên trong thực tế như thế nào vẫn là thách thức.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM