Khả năng chống chịu và ứng phó của Việt Nam nên thế nào trước các rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu?

28/10/2020 14:19 PM | Xã hội

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các khu vực tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả...

LTS: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo "Rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu - sức chống chịu của Việt Nam và kiến nghị". Báo cáo tập trung vào 3 nội dung chính: (i) một số dấu hiệu rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu, (ii) đánh giá khả năng chống chịu, ứng phó của Việt Nam, và (iii) một số kiến nghị đối với Việt Nam.

Trong kỳ 1 đăng ngày 27/10, chúng tôi đã đăng tải nội dung về  RỦI RO BẤT ỔN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU  và kỳ cuối đăng ngày 28/10 là những đánh giá của Nhóm tác giả về khả năng chống chịu và ứng phó của Việt Nam trước các rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu.

KỲ CUỐIĐánh giá khả năng chống chịu và ứng phó của Việt Nam trước các rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu

Khác với giai đoạn 2008-2009 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm trầm trọng hơn các bất ổn kinh tế-tài chính nội tại của Việt Nam, giai đoạn hiện nay, với quy mô thị trường tài chính Việt Nam (gồm cả 3 khu vực: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) tương đương 314% GDP (tính đến 30/6/2020), tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không nhỏ trong khi các rủi ro không loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tác động vào nhiều lĩnh vực và có tính lan truyền. Tuy nhiên, khả năng ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực từ nguy cơ bất ổn tài chính được khẳng định bởi nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính khá vững chắc và ổn định trong 5 năm qua. Cùng với đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên; là một trong số ít quốc gia giữ vững xếp hạng tín nhiệm ở mức Ổn định (theo đánh giá của Fitch, S&P và Moody’s cập nhật tháng 6/2020). Dựa theo 6 tiêu chí nêu trên, Nhóm chuyên gia đánh giá thị trường tài chính Việt Nam ở mức độ rủi ro và sức chịu đựng Trung bình - khá (Bảng 2).

Thứ nhất, rủi ro nợ công và thâm hụt ngân sách tăng nhanh, song thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và trong tầm kiểm soát 

So với các nước mới nổi và đang phát triển khác, trong bối cảnh rủi ro nợ công và thâm hụt ngân sách tăng nhanh, các chỉ số này của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát: (i) theo The Economist (4/5/2020), Việt Nam xếp thứ 12/66 trong nhóm các nước mới nổi an toàn sau dịch Covid-19 nhờ 4 chỉ số đo lường sức mạnh tài chính đều ở mức mạnh và ổn định: nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối; (ii) Việt Nam có xu hướng đi ngược "làn sóng nợ" toàn cầu với việc kiểm soát nợ công, nợ chính phủ trong 3 năm 2016-2019, trong đó nợ công/GDP và nợ chính phủ/GDP năm 2019 giảm xuống còn 55% và 49,2%, giảm lần lượt 9 điểm % và 4 điểm % so với năm 2016; (ii) Thâm hụt NSNN giảm mạnh từ mức 5,52%GDP năm 2016 xuống còn 3,4% GDP năm 2019, tạo dư địa nới lỏng tài khóa năm 2020-2021 để phòng chống dịch và khôi phục nền kinh tế; và (iii) Khả năng bù đắp thu ngân sách từ các nguồn thu khác mang tính bền vững hơn như thương mại điện tử, thanh toán, giao dịch điện tử, thuế BĐS … là khả quan (Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao trong khu vực ASEAN, dự báo đạt tốc độ 25-30% trong giai đoạn 2020-2025).

Nhờ các yếu tố tích cực trên cũng như sự nới lỏng tài khóa một cách thận trọng, theo dự báo của Viện ĐT&NC BIDV, thâm hụt NSNN năm 2020 của Việt nam có thể ở mức 5-5,2%GDP, thấp hơn mức bình quân giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2010 là 5,7%GDP và thấp hơn các thị trường mới nổi (11,4%GDP). Nợ công năm 2020 ước khoảng 56-58%GDP, thấp hơn nhiều so với các thị trường mới nổi Châu Á (62,2%) và toàn cầu (98,7%) và còn khá xa ngưỡng 65% của Quốc Hội.

Tuy nhiên, nợ công Việt Nam còn cao so với mức nợ công bền vững của các nước đang phát triển là khoảng 45-50%GDP (theo khuyến cáo của IMF); đồng thời, áp lực trả nợ tăng cao trong điều kiện tăng trưởng GDP và các nguồn thu NSNN sụt giảm (nghĩa vụ trả nợ so với thu NSNN dự kiến năm 2020 là 23%, nhưng năm 2021 có thể vượt ngưỡng 25% của Quốc Hội). Theo đó, cần có lộ trình và giải pháp kiểm soát các chỉ số này (nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ) tăng trong khả năng cho phép và sẽ giảm dần sau khi kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế (nhất là từ năm 2022 trở đi).

 Thứ hai, xu hướng giảm sút dòng vốn ngoại có thể còn tiếp diễn, song mức độ rủi ro của Việt Nam thấp hơn so với các thị trường mới nổi khác 

Theo Bloomberg, tổng giá trị vốn đầu tư gián tiếp rút ra từ TTCK Việt Nam trong tính đến 15/10/2020 khoảng 344 triệu USD. Đây là mức thấp nhất so với nhiều thị trường mới nổi Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Châu Phi (mức rút ra từ 2-30 tỷ USD).

Dự báo khả năng giảm sút dòng vốn ngoại có thể còn tiếp diễn trên TTCK Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020, song mức độ sẽ không lớn như giai đoạn 2008-2009 và 2011-2013. Hơn nữa, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư so với các nước mới nổi và đang phát triển nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và triển vọng tích cực của nền kinh tế, tài chính: (i) Dự báo năm 2020, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 2,5-2,7% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5-3,8%; đà phục hồi mạnh có thể trở lại vào năm 2021 với mức tăng trưởng khoảng 6,5-7%; giai đoạn 2021-2025 dự báo đạt mức 6,5-6,7% (theo dự báo của ADB, WB, IMF và Viện ĐT&NC BIDV qua các tháng 9-10/2020) - là mức tăng cao nhất khu vực; (ii) Chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) Việt Nam chỉ bằng 50% so với mức cao của giai đoạn 2008-2009 và 2011-2013; (iii) TTCK Việt Nam tiếp tục khẳng định là một trong thị trường hấp dẫn khi chỉ số giá so với lợi nhuận (P/E) đến ngày 15/10/2020 ở mức 15,5 lần (VNIndex) và 10,2 lần (HNIndex), thấp hơn hầu hết các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc;

(iv) Theo đánh giá của Nomura Group (2019), tỷ lệ doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam để đầu tư sau khi rời khỏi Trung Quốc đạt 50% - mức cao nhất trong khu vực ASEAN. Dự báo, với khả năng thu hút vốn FDI trở lại, giá trị mua ròng trên TTCK năm 2020 có khả năng sẽ đạt mức như năm 2019, khoảng 2.600 tỷ đồng (115 triệu USD); vốn FDI đăng ký năm 2020 dự kiến đạt khoảng 32-33 tỷ USD (dù giảm khoảng 10% so với năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức giảm khoảng 25-30% của nhiều khu vực trên thế giới (theo WB, UNCTAD). Tuy nhiên, để phát huy được những lợi thế, Việt Nam cần chú trọng khắc phục hạn chế về môi trường đầu tư kinh doanh (nhất là về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ và hệ thống tài chính quốc gia....v.v).

Thứ ba, chu kỳ điều chỉnh của TTCK và BĐS Việt Nam có thể kéo dài hơn dự kiến, nhưng sẽ phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn trong trung – dài hạn

Tương tự các TTCK toàn cầu, TTCK Việt Nam cũng chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh (hết 15/10/2020, VNINdex giảm 1,9% so với đầu năm) (Hình 4). Cùng với đó, thị trường BĐS cũng giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế của DN BĐS niêm yết giảm 30% trong 9 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp BĐS tạm ngừng hoạt động 9 tháng năm 2020 tăng 136% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm của TTCK và BĐS sẽ không lớn như giai đoạn 2008-2009 (giảm mạnh 60-70%), song nhịp điều chỉnh của TTCK và BĐS Việt Nam có thể kéo dài hơn dự kiến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những khó khăn của nền kinh tế, đồng thời, khả năng hồi phục phụ thuộc rất lớn vào thành công trong kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu. Với những bước tiến về thể chế, công nghệ, quy mô thị trường, mức độ chuyên nghiệp, năng lực hệ thống quản lý - giám sát, và nhất là triển vọng phục hồi kinh tế năm 2021, khả năng bứt phá giai đoạn 2022-2025; TTCK và BĐS Việt Nam có triển vọng phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn trong trung - dài hạn và hội nhập sâu rộng hơn (khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng giai đoạn 2022-2023 là khá cao).

Thứ tư, áp lực giảm giá VND không lớn như nhiều thị trường mới nổi

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 8/2020, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 92 tỷ USD và ước đạt 100 tỷ USD cuối năm 2020, tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu. Cùng với đó, các biện pháp điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt, hạn chế đô la hóa, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định trong thời gian dài (mức giảm giá của VND so với USD không quá 2% trong giai đoạn 2016-2020). Tính đến 15/10/2020, VND chỉ giảm nhẹ 0,02% so với USD trong khi nhiều đồng tiền khu vực và thế giới giảm giá khá mạnh so với USD (Hình 5). Tính đến nguy cơ giảm sút của một số nguồn cung ngoại tệ (kiều hối, đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp, xuất khẩu, du lịch...) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực giảm giá VND sẽ vẫn là vấn đề cần lưu tâm, song cũng không đáng lo ngại như nhiều thị trường mới nổi Châu Mỹ la tinh, Trung Đông, Châu Phi và Châu Á (Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc...). Dự báo, mức giảm giá VND so với USD sẽ không quá 1% cả năm 2020 và khoảng 1-2% năm 2021 và rủi ro sẽ không lớn như những năm 2008, 2011 (mức mất giá gần 10%). Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại hối và chú ý ảnh hưởng của các rủi ro tài chính, chiến tranh thương mại – công nghệ Mỹ-Trung và rủi ro bị gắn mác ‘thao túng tiền tệ’ trong điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối của Việt Nam.

Thứ năm, áp lực nợ xấu và giảm lợi nhuận là những thách thức khá lớn, tuy nhiên sức chống chịu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn nhiều

Tăng trưởng GDP dự báo ở mức 2,5-2,7% cả năm 2020; số DN tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2020 tăng 81,8%; 11/19 ngành kinh tế giảm mạnh 20-35% lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2020 với cùng kỳ năm 2019, và sẽ tiếp tục còn khó khăn do diễn biến khó lường của dịch bệnh, khiến nguy cơ nợ xấu và suy giảm lợi nhuận của hệ thống các NHTM ngày càng hiện hữu. Theo dự báo của Viện ĐT&NC, nếu hạch toán đầy đủ các khoản giảm thu từ lãi và các khoản hỗ trợ do cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi Thông tư 01 hết hiệu lực, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể đến 3% cuối năm 2020 và lên đến 3,5-4% (gấp 2 lần mức 1,89% cuối năm 2019) và nợ xấu gộp khoảng 5-5,5% (gấp 1,3 lần so với cuối năm 2019); thu nhập của NHTM năm 2020 có thể bị giảm 20-25% (30-34 ngàn tỷ đồng) so với kế hoạch. Tuy nhiên, với nền tảng về tài chính, quản trị rủi ro được tăng cường theo Basel II (đến hết năm 2019, đã có 20 NHTM đạt chuẩn Basel II), nợ xấu tăng song vẫn thấp hơn nhiều (nợ xấu nội bảng hiện nay khoảng 1,9%) so với mức rất cao của năm 2012 (17,2%); rủi ro của lĩnh vực ngân hàng Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình (cấp độ 4-Bảng 2). Mặc dù vậy, mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tăng và sức chịu đựng có thể suy giảm nếu được kích hoạt bởi sự tăng nhanh của nợ xấu trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) còn thấp so với khu vực và các nước mới nổi. Hệ số CAR trung bình của các TCTD đến hết năm 2019 chỉ khoảng 11% (nếu theo Thông tư 41/NHNN thì chỉ khoảng 9-9,5%, thấp hơn nhiều so với hệ số CAR trung bình của các nước ASEAN và thị trường mới nổi là 13-15%). Vì vậy, các TCTD cần chú trọng tiếp tục tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu, năng lực quản trị rủi ro, đẩy nhanh tiến trình số hóa gắn với chiến lược kinh doanh mới phù hợp, an toàn và hiệu quả.

 Khả năng chống chịu và ứng phó của Việt Nam nên thế nào trước các rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu?  - Ảnh 1.

Thứ sáu, những bước tiến về thể chế góp phần nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế và hệ thống tài chính Việt Nam:

Hệ thống thể chế đối với thị trường tài chính đã và đang ngày càng hoàn thiện, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của nền kinh tế và bản thân hệ thống tài chính. Nổi bật là hệ thống luật chuyên ngành chi phối lĩnh vực tài chính-ngân hàng đang được chuẩn hóa, hoàn thiện theo thông lệ quốc tế; hình thành được mạng lưới an toàn hệ thống tài chính-tiền tệ (financial safety net); năng lực quản lý tài chính – tiền tệ, năng lực phòng chống rủi ro có nhiều cải thiện theo hướng chủ động, linh hoạt; phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ đã có nhiều bước tiến quan trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô…v.v.

Nhờ những bước tiến về thể chế, thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và chuẩn mực, tiến dần theo thông lệ quốc tế. Tính đến 30/6/2020, quy mô thị trường tài chính Việt Nam đạt 314% GDP; vốn hóa TTCK đạt 104% GDP, tăng trung bình 30%/năm, các định chế tài chính tăng trưởng bình quân 10-15%/năm về quy mô; doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 20%/năm trong 5 năm qua. Cùng với đó, thị trường tài chính Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng; cũng đã có những cam kết, thỏa thuận về phối hợp xử lý bất ổn tài chính khu vực (nếu có). Tuy nhiên, vấn đề thể chế, sự ổn định vĩ mô trong trung - dài hạn; năng lực quản lý rủi ro hệ thống tài chính; tính minh bạch, chuyên nghiệp của môi trường đầu tư vẫn là thách thức khá lớn trong bối cảnh kinh tế số, tài chính – tiền tệ số đang phát triển nhanh.

 Khả năng chống chịu và ứng phó của Việt Nam nên thế nào trước các rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu?  - Ảnh 2.

Theo nhóm chuyên gia, mức độ rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể tăng và sức chịu đựng có thể suy giảm nếu được kích hoạt bởi sự tăng nhanh của nợ xấu trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) còn thấp so với khu vực và các nước mới nổi.

Một số kiến nghị đối với Việt Nam

Những đánh giá ở trên và ma trận rủi ro đối với Việt Nam theo từng cấu phần và tổng thể của thị trường tài chính được tóm lược trong Bảng 2 cho thấy Việt Nam đang ở mức Trung bình – Khá để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực, ứng phó với các cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, cần lưu ý, rủi ro luôn đan xen, lan truyền; các khu vực tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và khôi phục nền kinh tế, Nhóm chuyên gia có 5 kiến nghị sau đây.

Một là, đảm bảo hiệu quả các gói hỗ trợ, đồng thời đảm bảo an toàn tài khóa và nợ công: (i) Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhanh, đúng, trúng và hiệu quả các gói hỗ trợ người dân và DN chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 (tổng giá trị hỗ trợ 2 đợt khoảng 5-5,5%GDP giai đoạn 2020-2021) góp phần ngăn chặn phá sản của DN, giảm nghèo đói, bất bình đẳng và giữ vững định hướng phát triển bền vững, bao trùm (theo dự báo IMF, sẽ có khoảng 80-90 triệu người trên thế giới rơi vào ngưỡng nghèo đói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19); chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ tăng, song đảm bảo trong ngưỡng an toàn, hiệu quả và dần đưa về mức an toàn trước dịch; (ii) Luật hóa cơ chế phối hợp và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa CSTK, CSTT và các chính sách vĩ mô khác); (iii) Xây dựng kế hoạch ngân sách trung - dài hạn và lạm phát mục tiêu; xây dựng và thực thi khung lập trình tài chính quốc gia (financial programming framework) hướng tới bền vững tài chính quốc gia

Hai là, thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài: (i) Sớm xây dựng và truyền thông về chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nêu rõ lĩnh vực, địa phương ưu tiên (gắn với quy hoạch quốc gia và tỉnh, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương), cùng với các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ về phát triển CSHT, nguồn nhân lực, hạ tầng và dịch vụ khu công nghiệp…; (ii) Chú trọng theo dõi, phân tích, dự báo dòng vốn gián tiếp để có giải pháp ứng phó kịp thời; (iii) Triển khai hiệu quả Nghị quyết 50/NQ-TW (2019) của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút vốn FDI đến năm 2030.

Ba là, hoàn thiện thể chế, phát triển đồng bộ, cân bằng hệ thống tài chính, nâng cao khả năng chống chịu và tăng cường hội nhập quốc tế: (i) Hoàn thiện thể chế hệ thống tài chính trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và tài chính số phát triển nhanh, tách biệt thực chất và hiệu quả chức năng sở hữu và quản lý, chức năng tín dụng chính sách và tín dụng thương mại (tiến tới sửa đổi Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi; hướng dẫn triển khai Luật Chứng khoán sửa đổi 2019, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi 2019…); (ii) Tái cấu trúc TTCK toàn diện và đồng bộ, chú trọng cấu phần số hóa; nâng hạng thành công TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi (2022-2023); (iii) Phát triển thị trường TPDN theo hướng lành mạnh, an toàn, góp phần giảm lệ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng; (iv) Phát triển TTCK phái sinh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kênh đầu tư và công cụ quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất, giá hàng hóa…; (v) Nâng cao năng lực, đa dạng hóa loại hình trung gian tài chính (thành lập quỹ hưu trí tự nguyện/tư nhân, quỹ tín thác đầu tư hạ tầng/BĐS…); (vi) Chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ, theo đó, các cơ quan quản lý, giám sát (UBCKNN, Cơ quan Thanh tra-giám sát ngân hàng, Cục Quản lý-giám sát bảo hiểm…) cần độc lập và được trao quyền nhiều hơn; nâng cao vai trò của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, cơ chế xử lý khủng hoảng tài chính; (vii) Chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu tài chính – tiền tệ quốc gia theo hướng công khai, minh bạch, cập nhật và kết nối hơn; (viii) Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh, khôi phục kinh tế và kiểm soát rủi ro bất ổn tài chính …v.v.

Bốn là, tiếp tục nâng cao năng lực của khu vực ngân hàng, hướng tới chuẩn mực quốc tế và phát triển bền vững: (i) Tập trung tái cấu trúc một cách toàn diện, nhất là các TCTD yếu kém, nâng cao năng lực quản trị-tài chính (nhất là hệ số an toàn vốn) và quản trị rủi ro theo Basel II, đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc Hội (cần thiết luật hóa xử lý nợ xấu); từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng chống chịu rủi ro của các TCTD; (ii) Thực hiện thành công Quyết định 986/QĐ-TTg (ngày 8/8/2018) về chiến lược ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; trong đó có lành mạnh hóa hệ thống NHTM và TCTD phi ngân hàng, góp phần tăng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và DN; (iii) Thúc đẩy "tài chính xanh, ngân hàng xanh" – xu thế toàn cầu, tập trung cho các lĩnh vực xanh như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, dự án thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, dịch bệnh…v.v.

Năm là, phát triển kinh tế số và các mô hình kinh doanh số, nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế và thị trường tài chính trong trung-dài hạn: (i) Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh số (tài chính số, ngân hàng số, tiền kỹ thuật số, Fintech, Mobile money, xác thực điện tử E-KYC, thanh toán không dùng tiền mặt...); (ii) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia và khung pháp lý cho phép chia sẻ thông tin, dữ liệu; (iiii) Chú trọng vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu khi phát triển kinh tế số và thanh toán điện tử, thanh toán phi tiếp xúc, các giao dịch xuyên biên giới…; (iv) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ chuyên gia quản lý rủi ro hệ thống tài chính, chuyên gia tài chính – ngân hàng số, an ninh mạng, tiền kỹ thuật số…v.v. vừa bắt kịp xu thế, vừa kiểm soát rủi ro.

Lời kết: Với xu hướng vay nợ nhiều do lãi suất thấp thời gian qua cộng với suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến Chính phủ các nước phải bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế, rủi ro tài chính toàn cầu (nhất là bong bóng nợ và bong bóng tài sản) đang tăng lên. Chính phủ các nước đã nhận diện, nhưng vẫn phải tiếp tục cung cấp các gói hỗ trợ, chấp nhận rủi ro thâm hụt ngân sách, nợ công và nợ xấu tăng. Mặc dù vậy, các tổ chức quốc tế (IMF, WB, FSB…) đã và đang cảnh báo rủi ro, kêu gọi đánh giá, theo dõi và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch, khôi phục kinh tế và kiểm soát rủi ro tài chính toàn cầu.

Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh và xu hướng trên. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể cho thấy mức độ rủi ro hệ thống tài chính Việt Nam và khả năng chống chịu các cú sốc, bất ổn tài chính bên ngoài của Việt Nam ở mức Trung bình – khá. Dù vậy, Việt Nam cần theo dõi, đánh giá, lượng hóa các tác động tiêu cực đối với ổn định hệ thống tài chính và có giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, cần có chiến lược, giải pháp để hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực của cơ quan quản lý và các định chế tài chính (nhất là năng lực phân tích, dự báo, kiểm soát rủi ro hệ thống), phát triển đồng bộ thị trường tài chính cùng với nguồn nhân lực, CNTT, hạ tầng tài chính – ngân hàng và đa dạng hóa sản phẩm – dịch vụ, công cụ điều tiết vừa tăng sức đề kháng, vừa đảm bảo phát triển bền vững.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV


H. Kim (ghi theo báo cáo của Nhóm tác giả)

Cùng chuyên mục
XEM