Kết thúc tháng 7 người mua vàng nhẫn lãi đậm, nắm vàng miếng SJC thì lỗ, có nên đầu tư tiếp vào vàng trong các tháng cuối năm?
Cả thị trường trong nước và thế giới đều ghi nhận giá vàng tăng mạnh trở lại sau nhịp điều chỉnh hồi tháng 6 năm nay.
Cập nhật chiều ngày ngày 31/07/2023, vàng miếng SJC được mua vào với giá 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 67,2 triệu đồng/lượng. Nếu mua vàng từ đầu năm, nhà đầu tư đang lỗ 100 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, sau đợt giảm sâu hồi tháng 6, giá vàng nhẫn tròn trơn 24K đã phục hồi và tiến sát đến vùng đỉnh cả năm. Tính đến 31/07/2023, giá mua vào của loại vàng này là 56,05 triệu đồng/lượng và bán ra là 57,05 triệu đồng/lượng, cách không quá xa mức giá cao nhất 56,55 - 57,65 triệu đồng/lượng đạt được hồi giữa tháng 5. Nếu mua vàng nhẫn từ đầu năm, nhà đầu tư đang lãi 2,15 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý này đang được giao dịch ở mức gần 1.959,2 USD/Ounce, tăng gần 136 USD/Ounce (~7%) so với đầu năm.
Theo ông Adrian Day - Chủ tịch Adrian Day Asset Management, những tuyên bố gần đây của Fed và lạm phát vẫn còn dai dẳng là những yếu tố hỗ trợ cho vàng tăng giá.
"Chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang sắp kết thúc, trong khi tỷ lệ lạm phát có thể đảo ngược và tăng trở lại sau vài tháng do giá dầu tăng lên ảnh hưởng đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến giao thông vận tải và hầu hết hàng hóa trong các cửa hàng. Việc Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt trước khi lạm phát bị dập tắt sẽ thổi bùng xu hướng tăng giá vàng", ông Adrian Day nhận định.
Về diễn biến thị trường vàng trong nước, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc Điều hành công ty Tư vấn tài chính và quản lý gia sản FIDT, đánh giá, khẩu vị đầu tư của thế hệ người trung lưu trẻ ở Việt Nam đã thay đổi nhiều so với thế hệ trước, nên sức hút của vàng đã giảm đi đáng kể. Hiện đối tượng nắm giữ vàng với mục đích tích lũy và bảo vệ giá trị tài sản chủ yếu là các nhà đầu tư tuổi trung niên trở lên; hoặc người trẻ khi chưa tích lũy đủ tài chính cho đầu tư bất động sản và không có khẩu vị với kênh đầu tư chứng khoán, song lại có mong muốn phân bổ một loại tài sản khác bên cạnh tiền gửi có kỳ hạn; còn lại đa số nhà đầu tư đang xem vàng như trang sức hơn là tài sản.
Việc nắm giữ vàng vật chất còn khiến nhà đầu tư còn phải tốn nhiều công lưu trữ. Điều này còn có thể tạo ra nhiều rủi ro hơn là lợi ích phòng vệ tài sản mà kim loại quý này mang lại. Do đó, thời gian tới dòng tiền vẫn sẽ tìm đến vàng, song với mục đích đa dạng đầu tư và bảo vệ giá trị tài sản nhiều hơn là đầu tư tăng trưởng cao.
Về diễn biến giá của kim loại quý này trong thời gian tới, Giám đốc Điều hành FIDT cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, sự suy giảm kinh tế và các cuộc xung đột địa chính trị vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2023, vàng vẫn có một sự đảm bảo về tăng trưởng trong nửa còn lại của năm. Về dài hạn, vàng vẫn sẽ tăng giá, nhưng với suất sinh lời sẽ không quá lớn so với bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khả năng có một số đột biến do yếu tố mùa vụ.
“Tôi cho rằng, có thể sẽ có một số yếu tố mùa vụ như các dịp vía thần tài, mùa cưới hỏi sẽ làm giá vàng biến động, nhưng sẽ không đáng kể. Thị trường nhìn chung vẫn sẽ bình ổn. Hiện cũng đang đến rất gần mùa cưới từ tháng 8 đến tháng 2 âm lịch. Do đó nhu cầu về kim loại quý này có thể sẽ tăng lên trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt là với vàng nhẫn. Dù có khả năng giá vàng sẽ tăng, nhưng các khách hàng của chúng tôi cũng được khuyến nghị không nắm giữ vàng quá 10% tổng tài sản”, ông Ngô Thành Huấn đánh giá.