Kết hợp NFT, blockchain và mô hình play-to-earn, các tựa game đang trở thành những nền kinh tế metaverse như thế nào
Từ thành công của Axie Infinity, giờ đây các tựa game NFT không chỉ giúp người chơi giải trí mà còn trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho họ.
Mới chỉ vài tháng trước, cụm từ play-to-earn (chơi để kiếm tiền) vẫn còn xa lạ với đại đa số mọi người, nhưng giờ đây, gần như toàn bộ ngành game đang nói về xu hướng này. Với loại hình này, người chơi không chỉ nhận được phần thưởng trong game mà còn có thể kiếm được tiền thật khi chơi trò chơi.
Xu hướng này bắt đầu bùng nổ với thành công của tựa game Axie Infinity do hãng Sky Mavis của Việt Nam phát hành. Trên thực tế, trước đây các game thủ vẫn thường bán lại các vật phẩm mà họ kiếm được trong mỗi tựa game. Tuy nhiên, do các vấn đề về đặc tính dễ sao chép của vật phẩm kỹ thuật số cũng như khả năng thanh toán, quá trình này thường rất khó khăn và hầu hết không mang lại thu nhập như mong muốn cho người chơi.
Trong khi đó, NFT sử dụng đặc tính minh bạch và bảo mật trong sổ cái kỹ thuật số trên chuỗi blockchain, do vậy nó có thể xác thực tính độc bản cho các vật phẩm trong game. Đây cũng là cách thức Axie Infinity giúp người chơi có thể bán lại các vật phẩm hiếm mà họ thu thập được trong game một cách dễ dàng hơn.
Mô hình này gây được tiếng vang lớn trong thời gian qua khi nó mang lại thu nhập cho một lượng đáng kể người dân Philippines, giúp họ trang trải cuộc sống trong thời gian thất nghiệp do đại dịch. Thậm chí theo Jeff Zirlin, đồng sáng lập của Sky Mavis, Axie Infinity đã mang lại hàng trăm nghìn việc làm cho người dân Philippines – đến mức chính phủ nước này đang đề xuất thuế đánh vào người chơi.
Trong khi đó, Axie Infinity chỉ thu 4,25% phí cho sàn giao dịch, mỗi khi người chơi bán nhân vật của mình cho người khác. Vì vậy, phần lớn lợi nhuận vẫn được chuyển tới người chơi và họ sẽ lặp lại quá trình này bằng cách tăng level cho nhân vật và tiếp tục đem bán chúng.
Không chỉ những người chơi trực tiếp, mô hình này còn đem lại lợi ích cho những thành phần khác của trò chơi. Sự hấp dẫn của mô hình play-to-earn còn thúc đẩy Gabby Dizon lập nên hãng Yield Guild Games, một công ty quản lý các hội nhóm người chơi, nhiều người trong số đó đến từ Axie Infinity.
Công ty sẽ cung cấp "kiến thức" cho người chơi, trả phí gia nhập để người chơi bắt đầu kiếm tiền và chia sẻ thu nhập mà họ kiếm được. Bên cạnh đó, YGG cũng đầu tư vào những vật phẩm để đảm bảo người chơi có thể kiếm được tiền.
"Chúng tôi đầu tư vào các tài sản ảo trong những tựa game này, điển hình là các NFT được tạo ra một số loại tài sản dưới dạng token tương tự như với Axie Infinity." Ông Dizon cho biết. "Chúng tôi cho cộng đồng người chơi của mình mượn những tài sản này, để họ chơi trò chơi và mang về thu nhập."
Mô hình play-to-earn giúp nhiều người dân Philippines có được thu nhập trong thời gian đóng cửa do dịch Covid-19
Chưa hết, mô hình này còn mang lại những giá trị khác cho người tham gia trò chơi. "Thực tế của việc mọi người có thể tạo ra những thứ giá trị trong game và sau đó bán chúng cho người khác, đang tạo ra các công việc mới của tương lai, nơi mọi người có sẵn sàng làm ra nhiều điều khác bên trong các tựa game và thế giới ảo này." Ông Dizon cho biết.
"Nó sẽ dẫn tới các loại hình sáng tạo mới trong nền kinh tế này, từ người chơi – những người đang làm công việc thực tế. Còn những người khác, ví dụ có thể trở thành người môi giới đất hoặc chơi thể thao điện tử và streaming."
Nói cách khác, những gì Axie Infinity và các tựa game play-to-earn mang lại không chỉ là một nơi để mọi người có thể giải trí, mà còn là xây dựng nên một nền kinh tế xung quanh hệ sinh thái kỹ thuật số đó – một loại nền kinh tế metaverse mới – theo lời ông Dizon. Đó chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của những tựa game này, thay vì các yếu tố về đồ họa và lối chơi như trước đây.
Thành công của Axie Infinity đã tạo nên một hiệu ứng toàn cầu, thúc đẩy cả ngành công nghiệp chuyển hướng theo mô hình này. Tất nhiên phần thưởng luôn giành tặng cho người đi đầu. Axie Infinity đã giúp Sky Mavis huy động được 153 triệu USD từ các nhà đầu tư với mức định giá lên đến 3 tỷ USD.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.