Kéo dài thời gian đổi trả hàng, Shopee bị nghi 'ôm' vốn của người bán
Chính sách mới của Shopee cho phép người mua đổi, trả sản phẩm trong 15 ngày, đồng thời tiền hàng của người bán bị giữ lâu hơn, điều này gây nhiều ý kiến trái chiều.
Những ngày qua, "làn sóng" phản đối chính sách mới của sàn thương mại điện tử Shopee được dấy lên mạnh mẽ bởi các nhà bán hàng trên sàn này.
Bức xúc vì vốn bị 'chôn'
Anh N.T.Tùng (Hà Nội), chủ cơ sở kinh doanh sản phẩm thời trang trên sàn thương mại điện tử Shopee cho biết, kể từ đầu tháng đến nay tổng doanh thu bán hàng trên sàn này của anh đã đạt hơn 47 triệu đồng. Nhưng hơn 20 ngày trôi qua, số tiền anh nhận về mới chỉ có 700.000 đồng, việc này khiến hoạt động kinh doanh của anh Tùng bị gián đoạn, đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng.
“Hàng đã bán hết, muốn nhập hàng mới thì tôi lại không có tiền. Trong khi tiền bán hàng vẫn đang bị Shopee giữ chưa chuyển. Hoạt động kinh doanh mà gián đoạn như thế này thì thiệt hại không hề nhỏ đối với người bán hàng như chúng tô i”, anh Tùng nói.
Theo anh Tùng, nguyên nhân xuất phát từ chính sách mới của Shopee. Cụ thể, kể từ 26/2, Shopee cho phép người mua trả hàng/hoàn tiền trong vòng 15 ngày kể từ khi giao hàng thành công, bất kể loại cửa hàng.
Chính sách này cho phép người mua hàng trên Shopee có thể trả lại các sản phẩm đã mua có gắn nhãn "đổi ý miễn phí 15 ngày" kể từ ngày giao hàng, kéo dài hơn ba ngày so với trước đây và miễn 100% phí vận chuyển hoàn về.
Thậm chí, người mua có thể yêu cầu trả hàng hoặc hoàn tiền với lý do "không còn nhu cầu hoặc hàng có vấn đề".
“Như vậy, mặc dù đã giao hàng thành công cho khách, shop vẫn phải đợi 15 ngày để xem khách có ý định hoàn trả hàng hay không. Sau 15 ngày, nếu khách không có ý định trả hàng thì mới tiếp tục được Shopee chuyển tiền hàng. Tuy nhiên thực tế, nhiều người đã hơn 20 ngày vẫn chưa nhận được tiền bán hàng” , anh Tùng nói thêm.
Không chỉ riêng anh Tùng, trên các hội nhóm mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh trên sàn Shopee, rất nhiều người cũng đăng tải, bình luận các bài viết phản ánh bức xúc của người bán hàng với Shopee.
“Làm gì có khách hàng nào có ý định mua hàng để sử dụng thật sự lại giữ hàng của shop tới 15 ngày mới trả lại. Như vậy là làm khó người bán hàng, giúp nhiều khách lợi dụng để trải nghiệm chán chê các sản phẩm rồi mới trả hàng” , tài khoản Thùy Trang viết.
Một người bán hàng trên Shopee bức xúc kể chuyện chị phải ấm ức nhận lại sản phẩm quần áo bị trả về sau khi khách đã mặc, trong khi đồ thời trang mà đã bị sử dụng thường rất khó bán.
" Đơn trả với lý do rất vô lý, quần áo mặc rồi Shopee vẫn cho trả và bắt người bán phải chứng minh mùi cơ thể là không thể chấp nhận được. Như thế này thì sản phẩm đã dùng rồi và bị trả lại, chúng tôi làm sao có thể tiêu thụ được? Chưa kể đó là hàng đặt về theo đơn đặt hàng của khách ", chị đặt câu hỏi.
Một tài khoản ẩn danh nêu quan điểm: “Khủng hoảng kinh tế đã phải cố gắng cầm cự để kinh doanh. Giờ Shopee lại giữ tiền hàng tới 15-20 ngày thì đúng là cú kết liễu cuối cùng của shop”.
“Tức quá mà không làm gì được. Kinh doanh ai cũng cần tiền để xoay vòng, vậy mà Shopee giữ tiền tới 15-16 ngày thì tiền đâu để nhập hàng. Chắc phải đăng ký tạm nghỉ bán, có đơn cũng sợ không dám giao hàng vì không có tiền để duy trì, lại gặp khách sử dụng sản phẩm chán chê rồi gửi trả thì chỉ có chết”, tài khoản Thu Hà bình luận.
Hầu hết nhiều người bán hàng đều cho là Shopee đang bỏ rơi người bán, không coi họ là đối tác và chỉ bảo vệ, đứng về phía người mua. Đây cũng là lý do khiến nhà bán hàng không còn mặn mà trong việc đưa ra nhiều ưu đãi riêng cho khách hàng như trước.
" Tôi nghĩ Shopee cần coi nhà bán hàng như những đối tác sòng phẳng và cũng phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Điều này sẽ khiến các nhà bán hàng chăm sóc, hỗ trợ khách hàng nhiều hơn, góp phần tạo uy tín trở lại cho Shopee. Không nhất thiết phải áp dụng chính sách "làm khó" người bán như thế mới bảo vệ được người mua", chị Minh Hằng nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với Shopee vì cho rằng chính sách mới đang giúp phần bảo vệ người mua, tăng sự tin tưởng của người mua và kích thích nhu cầu mua sắm của khách.
“Chính sách giúp người mua tăng thời gian trải nghiệm sản phẩm, giúp đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn. Từ đó, giảm thiểu rủi ro mua hàng online, đặc biệt với sản phẩm cần kiểm tra kỹ. Bên cạnh đó, khi người mua an tâm hơn, dẫn đến tăng khả năng mua hàng. tăng doanh thu cho Shopee và các nhà bán hàng ”, tài khoản Phương Nga nhận định.
Tài khoản Anh Đức viết: “ Sự thật là mình ủng hộ Shopee, chính sách càng khắc nghiệt cho người bán hàng càng giúp loại bỏ được những người bán phá giá thị trường. Những kẻ mạnh, vốn dày, am hiểu thị trường và sản phẩm còn trụ lại sẽ là những người thắng.
Còn về vụ trả hàng miễn phí sau 15 ngày mình cũng ủng hộ luôn. Thử tưởng tượng bạn là người đi mua bạn có muốn mình bỏ tiền ra mua được một sản phẩm kém không? Chính sách này sẽ khiến sản phẩm của nhà bán hàng phải tốt lên, như thế càng dễ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người mua”.
Phân tích kỹ hơn về chính sách mới của Shopee, chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội), cho biết, thực tế để chính sách này hoạt động và phát huy lợi ích cần sự phối hợp giữa người mua và người bán.
Nếu người bán khi nhận hàng, chấp nhận mua hàng thì có thể ấn vào nút “Đã thanh toán”. Khi đó, người bán hàng sẽ không phải đợi hết thời hạn 15 ngày mới có thể nhận lại tiền.
“Thực tế, những ngày qua, shop mình may mắn khi tiền vẫn được về đều. Chỉ một số ít cửa hàng mà người mua không xác nhận sẽ mua thì sẽ phải chờ đợi. Vậy nên, trước khi mua người mua nên đọc kỹ mô tả sản phẩm, tránh làm mất thời gian và gây thiệt hại cho cả hai bên.
Nhà bán cũng nên tự thích nghi, bảo vệ bản thân đối với chính sách mới bằng cách đóng gói sản phẩm cẩn thận và cung cấp thông tin rõ ràng, có thể quay video để đảm bảo tính xác thực khi cần”, chị Hà Nói.
Shopee cho nhà bán hàng vay lại tiền của chính mình?
Bên cạnh việc bị giữ tiền bán hàng tới hàng chục ngày, nhiều người bán hàng đặt câu hỏi về chính sách cho người bán hàng vay tiền với lãi suất hơn 20%/năm của Shopee.
Nhiều người băn khoăn, liệu, Shopee có dùng chính số tiền giữ của người bán hàng để xoay vòng cho vay lấy lãi?
Cụ thể, thông tin trên website Shopee.vn cho biết từ ngày 26/2, sàn này đã có thông báo về dịch vụ SEasy cho vay người bán. Theo đó, người bán có thể vay tối đa 200 triệu đồng, tối thiểu 10 triệu đồng cho hai khoảng thời gian 3 tháng và 6 tháng. Thẩm định hồ sơ nhanh, lãi suất chỉ từ 1,74%, tính ra khoảng hơn 20%/năm.
“Liệu đây có phải là cách mà Shopee kiếm tiền của người bán hàng từ chính những đồng tiền của họ chưa được chi trả. Tất cả các chính sách của Shopee đều hướng mũi tấn công vào người bán hàng. Nếu đúng như thế, tôi cho rằng Shoppe đang tự ý sử dụng vốn của người bán hàng để chuộc lợi”, tài khoản Đỗ Huyền đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, dịch vụ này được cung cấp bởi đối tác của sàn là các tổ chức tín dụng được cấp phép, thông qua sàn thương mại điện tử Shopee. Do đó, Shopee không phải là đơn vị đứng ra cho vay. Các khoản cấp tín dụng sẽ được thực hiện bởi tổ chức tín dụng nhằm giúp người bán đảm bảo dòng vốn không bị đứt đoạn.
Trước đó, giới thiệu về chính sách kéo dài thời gian đổi/trả hàng tròng vòng 15 ngày, thay vì 3 ngày như trước, đại diện Shopee Việt Nam chia sẻ, người tiêu dùng trực tuyến là động lực phát triển chính, yếu tố quan trọng nhất tạo ra tăng trưởng cho thương mại điện tử. Để đạt được sự tăng trưởng thì niềm tin của người tiêu dùng vô cùng quan trọng. Vì thế cần nhiều biện pháp bảo vệ quyền lợi, vì lợi ích của người mua theo tiêu chí tiêu dùng hài lòng, an toàn.
Mặc dù vậy, chính sách này chỉ áp dụng với những sản phẩm vẫn giữ được sự nguyên vẹn, nguyên tem, nguyên hộp sản xuất, đầy đủ phụ kiện, giấy tờ để người bán có thể tiếp tục sử dụng cho những đơn hàng tiếp theo.