Kênh dài nhất TP.HCM sẽ có 'hình hài' thế nào sau khi được đầu tư 8.200 tỷ đồng cải tạo?

24/02/2023 09:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Ngày 23/2, TP.HCM đã tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với tổng vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng.

Con kênh dài nhất TP.HCM sẽ có công viên, cây xanh và 12 bến thuyền

Sáng 23/2, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đã tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045.

“Việc triển khai thi công, hoàn thành dự án chắc chắn sẽ tạo lên bước đột phá cho hạ tầng đô thị TP, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực nói riêng và TP nói chung, hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua 7 quận, huyện, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Kênh dài nhất TP.HCM sẽ có 'hình hài' thế nào sau khi được đầu tư 8.200 tỷ đồng cải tạo? - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tham quan thực tế một đoạn kênh sẽ triển khai Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: Trang TTĐT Đảng bộ TP.HCM

Với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (trong đó vốn Ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 4.200 tỷ đồng), dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Dự án là trục tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích 14.900 ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan; đồng thời dự án cũng góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo Tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V.

Sau khi hoàn thành Dự án này, toàn tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên với chiều dài 31,46km sẽ được nạo vét; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11 km. Cùng với đó là xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41 km. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền tạo nên hình hài lung linh, đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau khi cải tạo. Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM

Dự án được mong đợi suốt 21 năm

Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP.HCM. Giai đoạn một của Dự án đã triển khai từ 21 năm trước với việc giải phóng mặt bằng và nạo vét, đắp bờ đất hai bên, xây dựng cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh xung quanh.

Tuy nhiên sau đó, Dự án tạm ngưng do khó khăn trong việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư. Năm 2011, Dự án được khởi động lại và TP chấp thuận cho sử dụng nguồn vốn ngân sách để thi công giai đoạn 2.

Việc tiếp tục thực hiện Dự án cải tạo Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khiến nhiều người dân sống xung quanh đây rất phấn khởi. Do hiện nay, nguồn nước ở nhiều đoạn trên tuyến kênh, rạch này rất ô nhiễm, rác thải bủa vây.

Rất nhiều người dân đã có mặt tại buổi lễ khởi công từ sáng sớm để tận mắt chứng kiến con kênh dài nhất thành phố được hồi sinh sau 21 năm chờ đợi. Trước kia nước ở kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khá trong sạch, người dân có thể mang chiếu, đồ đạc ra kênh để giặt nhưng rồi theo thời gian dòng nước dần bị ô nhiễm và bốc mùi hôi rất khó chịu, không ai dám đến gần nữa. Ngoài ra, đường sá mỗi khi trời mưa thì lầy lội, nước tràn lên rất bẩn.

Người dân còn kỳ vọng Dự án sẽ giúp môi trường sạch sẽ, giao thông hai bên bờ thuận lợi, tạo nơi vui chơi, giải trí cho mọi người mỗi lúc thảnh thơi và đặc biệt tạo kế sinh sống làm ăn cho người dân dọc hai bên bờ.

Trước khi tiến hành Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, TP.HCM từng thực hiện thành công Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Đây là con kênh được người dân đánh giá cao nhất trong hàng loạt Dự án quy hoạch kênh rạch tại TP.HCM trong nhiều năm qua.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, bên bờ nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thơ mộng, xóa hẳn ký ức về "xóm nước đen". Ảnh: Phùng Tiên - Hoàng Thuấn

Từ năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Mười năm sau, dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng khởi công.

Khi dự án cải tạo triển khai, hàng nghìn căn nhà lụp xụp được giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân. Con kênh được nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, lắp đặt gần 16 km bờ kè, thi công 9 km tuyến cống bao, gia cố cầu, đặt máy bơm công suất lớn, làm đường hai bên...

Chính quyền cũng đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa, sửa chữa, xây mới 16 cây cầu dọc tuyến kênh, tạo cảnh quan trên tuyến kênh trở thành hai tuyến đường đẹp của thành phố.

Theo T.Hà

Cùng chuyên mục
XEM