Jony Ive thực ra đã nghỉ việc từ vài năm trước và đó chính là lý do tại sao Apple dậm chân tại chỗ về thiết kế

30/06/2019 08:40 AM | Công nghệ

Chỉ là vì tầm ảnh hưởng của Ive quá lớn nên cho tới tận bây giờ, thông báo nghỉ việc của ông mới chính thức được đưa ra.

Jony Ive thực sự đã rời khỏi Apple từ vài năm trước. Và khi điều này chính thức được thông báo vào hôm thứ 5 (27/6), nhiều nghi vấn về tương lai của Apple đã được đặt ra.

Trong 30 năm gắn bó với Apple, Ive đã lãnh đạo một nhóm nhà thiết kế ổn định, gắn bó, những người đã tạo ra những phần cứng và phần mềm bóng bẩy, tuyệt vời cả về hình thức lẫn trải nghiệm. Ít nhất 6 thành viên của nhóm này đã rời Apple trong 3 năm qua.

Jony Ive thực ra đã nghỉ việc từ vài năm trước và đó chính là lý do tại sao Apple dậm chân tại chỗ về thiết kế - Ảnh 1.

Những sự ra đi này báo hiệu một kỷ nguyên mới đang đến với Apple. Cứ mỗi năm, danh tiếng nhà sáng tạo, hãng có thể tung ra một dòng thiết bị hoàn toàn mới và những thiết kế đột phá... của Apple lại suy yếu thêm một chút. Gần đây, "Táo khuyết" đã tập trung nhiều vào việc lặp lại thiết kế, chỉ nâng cấp phần cứng cho các dòng sản phẩm hiện có của mình. Apple cần một cú hích khác nhưng điều này cần sự đổi mới về công nghệ cơ bản chứ không chỉ cần sự xuất chúng về mặt thiết kế của Ive và nhóm của ông.

Tóm tắt tình hình rối ren tại Apple thời điểm này, một nguồn tin nội bộ giấu tên chia sẻ: "Những người đã từng gắn bó từ rất lâu với Apple không muốn tiếp tục cập nhật các sản phẩm hiện tại".

Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ 5, cổ phiếu Apple chỉ giảm chưa đến 1%. Nhưng từ đầu tháng 10 năm ngoái đến nay giá cổ phiếu "Táo khuyết" đã giảm hơn 10% do lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu iPhone và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. "Thông tin này bổ sung thêm sự nhiễu loạn về tình hình của Appletrong thời gian gần đây", nhà phân tích Dan Ives của hãng Wedbush Securities chia sẻ.

Ive là người chịu trách nhiệm thiết kế iPhone, iPad, Apple Watch, máy tính Mac và iPod. Những thiết kế của ông đã đưa Apple từ một công ty đang trong tình trạng chuẩn bị phá sản vào cuối năm 1990 trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ USD.

Ive quản lý một nhóm gồm khoảng hai chục nhà thiết kế, bao gồm các nghệ sĩ đam mê phát triển ván lướt sóng, độ xe và thậm chí cả nghề DJ vào cuối tuần. Nhiều trong số họ có người yêu, vợ/chồng cũng làm nhà thiết kế.

Nhưng sau khi Apple Watch ra mắt vào năm 2015, Ive bắt đầu cắt giảm dần những mảng mà ông chịu trách nhiệm. Theo một nguồn tin giấu tên nắm rõ vấn đề, mặc dù chịu trách nhiệm giám sát hàng ngày nhóm thiết kế của Apple nhưng mỗi tuần Ive chỉ tới trụ sở có 2 lần.

Jony Ive thực ra đã nghỉ việc từ vài năm trước và đó chính là lý do tại sao Apple dậm chân tại chỗ về thiết kế - Ảnh 2.

iPod trong sự kiện ra mắt năm 2002


Trong khoảng thời gian đó, Ive chia sẻ với New Yorker rằng ông vô cùng mệt mỏi. Ông cho biết rằng năm trước khi Apple Watch ra mắt là năm khó khăn nhất kể từ khi ông làm việc tại Apple. Vợ Steve Jobs và cũng là bạn của Ive, bà Laurene Powell Jobs, cho rằng Apple nên có một cấu trúc hơi khác biệt, bền vững hơn trong khi giữ chân Ive ở lại.

Khoảng 3 tháng sau, Ive được bổ nhiệm làm Giám đốc Thiết kế của Apple. Sau khi tiếp nhận vị trí mới, trách nhiệm giám sát hàng ngày các nhóm thiết kế phần cứng và phần mềm của Ive sẽ được chuyển sang cho 2 giám đốc khác là Alan Dye và Richard Howarth. Khoảng 2 năm sau, cuối năm 2017, Apple cho biết Ive đã quay lại phụ trách một số công việc quản lý mà trước đây ông từng từ bỏ.

Ive vẫn chỉ tới văn phòng vài ngày một tuần khi mà nhiều cuộc họp được chuyển địa điểm tới San Francisco. Điều này giúp ông tránh được quãng đường dài từ nhà ở quận Pacific Heights tới trụ sở mới của Apple ở Cupertino, California. Đôi khi Ive gặp nhóm của mình tại nhà của một trong số các nhân viên, tại khách sạn hoặc các địa điểm khác. Vị giám đốc thiết kế của Apple thậm chí còn dựng một văn phòng và một studio ở San Francisco để làm việc.

Jony Ive thực ra đã nghỉ việc từ vài năm trước và đó chính là lý do tại sao Apple dậm chân tại chỗ về thiết kế - Ảnh 3.

Steve Jobs cầm trên tay chiếc iPhone đầu tiên


Ive cũng thường xuyên tới London, gần nơi ông lớn lên. Thỉnh thoảng, ông bỏ lỡ các sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple, một sự vắng mặt khó chấp nhận được trong vài năm trước.

"Để cho nghỉ việc một nhân sự như Jony Ive cần có một quá trình dài", một nguồn tin nội bộ giấu tên nói. "Ông ấy đã gắn bó với Apple hơn 25 năm và đó là một công việc thực sự vất vả. 25 năm tại Apple là quãng thời gian đầy căng thẳng, mệt mỏi với ông ấy nên cần có thời gian để mọi người sống chậm lại".

Ban đầu, sẽ không có nhiều thay đổi bởi trong một vài năm qua Apple đã hoạt động với rất ít sự đóng góp từ phía Ive, một người thân thuộc với tình hình của nhóm thiết kế chia sẻ.

Nhưng các thách thức đang dần hiển hiện và một số người nắm rõ Apple bắt đầu tỏ ra lo lắng về lãnh đạo mới trong mảng thiết kế. Với việc Ive chính thức tuyên bố sẽ rời khỏi Apple, quản lý studio lâu năm Evans Hankey sẽ chuyển sang điều hành nhóm thiết kế phần cứng. Hankey là một người quản lý nhóm tuyệt vời nhưng Apple đang thiếu một bộ não thực sự về mặt thiết kế trong đội ngũ quản lý cao cấp của mình và đó là một điều đáng lo ngại.

Hankey và Dye sẽ báo cáo trực tiếp công việc cho Jeff Williams, giám đốc vận hành của Apple. Bởi vì Williams là một giám đốc vận hành tài năng nên những người nắm rõ vấn đề cho rằng Apple đang trở thành một công ty thiên về vận hành chứ không tập trung sáng tạo nữa. Apple từ chối bình luận về nhận định này.

"Nhóm thiết kế được tạo nên từ những người sáng tạo nhất nhưng bây giờ rào cản hoạt động, thứ trước đây không hề có, đang ngăn cản họ sáng tạo", một cựu giám đốc của Apple chia sẻ. "Mọi người trong nhóm đều đang sợ đổi mới".

Jony Ive thực ra đã nghỉ việc từ vài năm trước và đó chính là lý do tại sao Apple dậm chân tại chỗ về thiết kế - Ảnh 4.

Jony Ive (phải) chia sẻ về thiết kế của Mac Pro 2019 trước CEO Tim Cook và truyền thông tại sự kiện ngày 3/6

Ive trước đây phải báo cáo trực tiếp công việc cho CEO Apple Tim Cook. Nhà thiết kế này cũng báo cáo trực tiếp với Steve Jobs khi sáng lập kiêm CEO huyền thoại vẫn còn sống. Thậm chí, Ive cùng với Steve Jobs thường xuyên ăn trưa cùng nhau và/hoặc đi dạo cùng với nhau quanh trụ sở để bàn vừa đưa ra những quyết định về thiết kế.

"Hầu hết những cuộc tranh luận nảy lửa nhất tại Apple xảy ra giữa Ive và Steve Jobs khi hai người họ đi dạo cùng nhau", Matt Rogers, đồng sáng lập Nest Labsm người từng tham gia phát triển phần mềm cho iPhone và iPods từ năm 2007 đến 2010, chia sẻ. "Trong thập kỷ vừa qua, Jony là một trong số những giám đốc sản phẩm tuyệt vời nhất trong ban giám đốc Apple. Ai sẽ là người thay thế và kế tục vị trí của ông ấy?".

Thời điểm Ive ra đi trùng hợp với việc Apple bổ nhiệm Sabih Khan vào vai trò phó chủ tịch điều hành cấp cap. Đây là một phần của việc Apple tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển sản phẩm trong giai đoạn đầu.

Sản phẩm lớn, đột phá tiếp theo của Apple có thể là kính tăng cường thực tại (AR). Nhóm thiết kế của Apple đang cố gắng biến công nghệ còn non trẻ này thành thứ thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người, theo cách mà iPod đã làm với âm nhạc và iPhone đã làm với điện thoại di động. Mặc dù sản phẩm này vẫn chưa thành hình nhưng đội ngũ vận hành của Apple đã tham gia vào quá trình phát triển, tìm kiếm nhà cung cấp và phương thức sản xuất.

Một sản phẩm mới như thế cần một bước nhảy vọt về công nghệ cơ bản trong khi Ive chuyên sâu hơn về việc hoàn thiện các công nghệ hiện có cho đại chúng, Rogers nói. Trước khi iPhone ra mắt, một số mẫu smartphone đã có màn hình cảm ứng nhưng nhóm của Ive đã khiến tính năng này trở nên hữu ích và thú vị hơn với người dùng.

"Rất khó để có những cải tiến đột phá về phần cứng hàng năm. Điều ấy chỉ có thể xảy ra trong khoảng 5 hoặc 10 năm", Rogers chia sẻ.

Nhóm thiết kế đang thực hiện thử thách ấy mà không có sự tham gia của những thành viên kỳ cựu. Christopher Stringer và Daniele De Iuliis, hai cánh tay đắc lực của Ive, đã nghỉ việc từ vài năm trước trong khi Daniel Coster nhảy sang làm việc cho GoPro từ năm 2016. Trong 6 tháng qua, nhóm thiết kế tiếp tục mất thêm 3 thành viên nữa là Julian Hoenig, Rico Zorkendorgfer và Miklu Silvanto.

Mặc dù mỗi nhà thiết kế Apple có chuyên môn về một dòng sản phẩm cụ thể nhưng tất cả họ đều đóng góp cho các sản phẩm và kế hoạch của nhau. Điều đó có nghĩa là mỗi nhà thiết kế đều có vai trò rất lớn tại Apple, một cựu giám đốc của Apple chia sẻ. "Xưởng thiết kế không tồn tại bất cứ bí mật nào", ông này nói. "Tất cả điều biết những người khác đang làm gì".

Thời gian vừa qua, Apple đã thuê các nhà thiết kế trẻ hơn và tăng quy mô nhóm thiết kế. Joe Tan, sáng lập một công ty có tên Morless, đã gia nhập Apple vào cuối năm 2015. "Những nhân viên mới có nhiều năng lượng hơn", một nguồn tin nội bộ nhận định.

Dẫu vậy, những sự ra đi gần đây của các nhà thiết kế kỳ cựu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Apple.

Jony Ive từng bông đùa về chuyện nghỉ việc tại Apple như thế này: "Có hai cách để rời Apple, cách tốt nhất là bạn biến mất mà không xuất hiện rùm beng trên báo chí. Cách thứ 2, tệ hơn, sự ra đi của bạn được đưa lên khắp các mặt báo. Nếu bạn rời khỏi Apple và sau đó xây dựng lên Taj Mahal (ám chỉ một sản phẩm đột phá), chúng tôi sẽ chặt tay bạn".

Theo Bloomberg

Theo Chíp

Cùng chuyên mục
XEM