Jack Ma và Lưu Bang: Tự cổ chí kim, người thành công đều “mặt dày”

31/03/2020 14:16 PM | Sống

Ở một trường nghĩa khác, “mặt dày” chính là sự dũng cảm, táo tợn, dám nghĩ dám làm, và tự cổ chí kim, những người nên nghiệp lớn đều là những người “mặt dày”.

Trong văn hóa phương Đông, mặt dày mày dạn là một thuật ngữ mang nghĩa tiêu cực, ý muốn nói người này không biết xấu hổ. Đối với những người như vậy, mọi người ai cũng muốn tránh càng xa càng tốt.

Tuy nhiên, ở một trường nghĩa khác, "mặt dày" chính là sự dũng cảm, táo tợn, dám nghĩ dám làm, và tự cổ chí kim, những người nên nghiệp lớn đều là những người "mặt dày". Đang thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, là lúc những người "mặt dày" có cơ hội phơi bày tài năng, biến nghịch cảnh thành cơ hội để phát triển đường công danh, sự nghiệp của chính mình. 

01

Jack Ma là một doanh nhân vô cùng thành đạt, tuy nhiên, con đường học tập "mặt dày mày dạn" của ông cũng được biết đến vô cùng rộng rãi.

Khi còn nhỏ, vì không có môi trường học tập, ba mẹ đến cả ABC cũng không biết. Vì muốn luyện khẩu ngữ tiếng Anh mà Jack Ma đã chủ động đi tìm người nước ngoài để nói chuyện.

Ông thường xuyên đi tới Tây Hồ, nơi có nhiều khách nước ngoài, trông thấy ai liền chủ động chạy tới hỏi chuyện.

Thỉnh thoảng còn đi chiếc xe đạp tồi tàn của mình đến trước cửa khách sạn đợi khách du lịch tới, rồi chủ động nói muốn làm hướng dẫn viên miễn phí cho họ. Mặc dù không thu phí, nhưng bản thân Jack Ma cũng thu hoạch được rất nhiều.

Phải nói rằng, ban đầu chỉ bập bẹ vài từ tiếng Anh cũng dám chủ động tới nói chuyện với người nước ngoài, không sợ ánh mắt coi thường hay chế giễu của người khác, sự "mặt dày", "táo tợn" của Jack Ma là không thể xem thường.

Jack Ma và Lưu Bang: Tự cổ chí kim, người thành công đều “mặt dày” - Ảnh 1.

Còn nữa, con đường thi vào đại học của Jack Ma cũng khiến người ta bàn luận rất nhiều.

Lần đầu tiên thi đại học, điểm toán học của ông chỉ được 1 điểm, mọi người đều rất sốc. Nhưng Jack Ma lại thấy bình thường, "vạn sự khởi đầu nan" mà, ôn lại rồi thi lại là được.

Lần thứ hai thi, điểm toán là 19 điểm, dù có tiến bộ hơn lần trước, nhưng cách thành tích đạt vẫn còn rất xa. Thấy vậy, mọi người đều khuyên ông không thi nữa, thi hai lần rồi mà vẫn không đỗ, mất mặt lắm, đi tìm một công việc nào đó làm đi cho xong.

Jack Ma vẫn tiếp tục kiên trì, ông mặt dày xin mọi người cho mình thi thêm lần nữa.

Lần thứ ba, điểm toán học của ông đạt 79 điểm, cuối cùng ông cũng đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn.

Rất nhiều người nói ngưỡng mộ tinh thần, sự ham học hỏi, sự kiên trì của ông, nhưng thực ra, tất cả đều tới từ sự "mặt dày" của ông.

Nếu mặt ông không dày, ông đã không dám chủ động tìm người nước ngoài nói chuyện, nếu mặt ông không dày, ông đã không thể bỏ qua tất cả ý kiến, sự dè bỉu của mọi người xung quanh, kiên trì thi lại. Giống như ông từng nói: "Muốn học, vậy thì đừng để ý tới những việc xung quanh."

Jack Ma và Lưu Bang: Tự cổ chí kim, người thành công đều “mặt dày” - Ảnh 2.

Thể diện của một người, đôi khi không cần thiết, trưởng thành mới là quan trọng nhất.

Cũng chính nhờ mặt dày tự đi tìm người nước ngoài nói chuyện nên tiếng Anh của ông mới lưu loát như vậy, mới có thể vào đại học, mới đặt được nền tảng vững chắc cho thành công trong tương lai, thành toàn một đời người.

"Mặt dày" đôi khi là một kĩ năng sinh tồn khá cần thiết, với nó, ta có thể học hỏi được những kiến thức vô tận, có thể tạo ra và nắm bắt được nhiều cơ hội, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ trong xã hội cạnh tranh khốc liệt này.

02

Thời cổ đại, không thiếu những vị vua "mặt dày", và cấp độ dày cao nhất không thể không nhắc tới Lưu Bang.

Lưu Bang ngay từ khi còn nhỏ đã là một tên lưu manh ở Từ Thủy, Sơn Đông. Trong một bữa tiệc của Lữ Công, một người bạn tốt của huyện lệnh, quy định những người mừng lễ dưới một vạn thì chỉ được phép ngồi ghế dưới.

Lưu Bang chẳng thèm để ý tới những điều này, lớn tiếng báo lễ "Lễ vật 1 vạn", khiến mọi người mắt cho O mồm chữ A, trong khi thực tế một phân tiền cũng không có, rồi lại ngồi ở ghế đầu, chủ động bàn chuyện nhân sinh với mọi người xung quanh, quả thực mặt vô cùng dày.

Sau này, Lữ Công nhìn trúng Lưu Bang, muốn gả con gái cho ông, cũng chính là Lữ Hậu sau này, Lưu Bang không hề từ chối, vui vẻ chấp nhận. Cũng chính nhờ sự giúp đỡ hào phóng của Lữ Công mà vận mệnh của Lưu Bang mới thay đổi.

Trong mắt của mọi người, không có tiền lễ mà vẫn ngồi ghế đầu ăn uống nói chuyện như không, há chẳng phải vô cùng mặt dày, phải người bình thường, họ sớm đã biết xấu hổ.

Còn một lần nữa, Hạng Vũ bắt cha của Lưu Bang, với mục đích buộc Lưu Bang đầu hàng, nói: "Nếu ngươi không đầu hàng, ta sẽ ném cha ngươi vào vạc nấu chín."

Không ngờ, Lưu Bang nói: " Ta và ngươi là huynh đệ, cha ta cũng là cha ngươi, nếu thực sự đem nấu, đừng quên chia cho ta một bát."

Đối mặt với một người "mặt dày" như vậy, Hạng Vũ cũng bất lực.

Cần phải biết, thời xưa, chữ "hiếu" luôn được đặt lên hàng đầu, Lưu Bang không hề nghĩ tới an nguy cho cha mình, nói ra những lời đó nhẹ như lông hồng, quả thực là mặt dày.

Jack Ma và Lưu Bang: Tự cổ chí kim, người thành công đều “mặt dày” - Ảnh 3.

Thực ra, chính sự mặt dày, không biết xấu hổ của Lưu Bang đã thành toàn nên sự nghiệp vĩ đại của ông. Ông dám thể hiện bản thân trước mặt người lạ, xử lý mọi việc khôn khéo, gặp việc lớn vẫn luôn lạc quan, không câu nệ tiểu tiết, biết tiến biết lui.

Nếu da mặt mỏng, làm việc cứ sợ nọ sợ kia, vậy thì làm sao mà nổi bật lên được, làm sao thu hút được sự chú ý của Lữ Công, làm sao khiến đôi thủ phải bất lực trước mình, để rồi cuối cùng trở thành một bậc đế vương.

Dân gian có câu: "mặt dày, ăn đủ, mặt mỏng, mất ăn". Đôi khi, "mặt dày" quả thực là một lối sống đúng đắn. Có nó đồng hành trong cuộc sống, ta sẽ trở nên tích cực, lạc quan, phong phú; gặp người, xử sự khôn khéo, không câu nệ tiểu tiết; gặp việc, khoan dung độ lượng, cầm lên được cũng buông xuống được. Đây mới là trí tuệ đời người.

Rất nhiều người cảm thán cho Hạng Vũ. Ông vốn dĩ là một mãnh tướng, dũng cảm, luôn đích thân ra trận giết địch, phần lớn tướng quân Tần đều là ông dẫn quân đánh bại, còn được gọi là "Tây sở bá vương". Nhưng cuối cùng lại trở thành bại tướng dưới tay Lưu Bang.

Thực ra, kết quả trông có vẻ tàn nhẫn này lại là lẽ đương nhiên. Bởi lẽ, Lưu Bang thuộc chủ nghĩa thực dụng, còn Hạng Vũ lại thuộc chủ nghĩa anh hùng.

Giống như Lưu Bang, sau khi thất bại, ông sẽ tạm thời thu mình lại, tích lũy sức mạnh, đợi thời cơ để trỗi dậy. Bị Hạng Vũ chê cười, chế giễu vẫn mặt dày, tươi cười tỏ ra kính trọng.

Còn Hạng Vũ, mặc dù có sức mạnh vô song, nhưng lại không có nội tâm mạnh mẽ. Trải qua một lần thất bại là ý chí chùn xuống, tự cảm thấy không còn mặt mũi nào đối diện với phụ lão Giang Đông.

Suy cho cùng, Hạng Vũ bại vì thể diện.

Jack Ma và Lưu Bang: Tự cổ chí kim, người thành công đều “mặt dày” - Ảnh 4.

03

Che Guevara nói: "Khi bạn biết rằng sĩ diện không phải thứ quan trọng nhất, là khi đó bạn đã thực sự trưởng thành."

Đúng vậy, sĩ diện, chẳng qua chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, còn "mặt dày" lại cho thấy nội tâm mạnh mẽ của một người, họ cầm lên được thì cũng bỏ xuống được, nó là một phẩm chất hiếm có được tôi luyện qua khó khăn và thất bại.

Nếu năm xưa bạn mặt dày một chút, dám thể hiện bản thân trước mặt lãnh đạo, đồng nghiệp, không sợ mất mặt, có thể lương tháng của bạn đã không chỉ cứ ở mức 7 con số.

Nếu năm xưa bạn mặt dày một chút, dám theo đuổi, dám bày tỏ với người đó, không sợ bị từ chối, có lẽ giờ người ấy đã là người bạn đời của bạn.

Nếu năm xưa, bạn mặt dày một chút, chủ động giao tiếp với nhiều bạn bè ở nhiều tầng lớp trong những buổi họp mặt liên hoan, có lẽ giờ vòng tròn bạn bè, quan hệ xã giao của bạn đã lớn hơn bây giờ gấp chục lần.

Những người "mặt dày" đôi khi quả thực nắm bắt được những cơ hội quý báu hơn những người khác, sẽ gặp được những may mắn bất ngờ, có được một cuộc sống khác biệt. Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, rất nhiều người đều thiếu đi "phẩm chất" này.

Chúng ta, nếu không ngại, hãy rèn luyện cho mình "phẩm chất" đặc biệt này.

Jack Ma và Lưu Bang: Tự cổ chí kim, người thành công đều “mặt dày” - Ảnh 5.

A Độ

Cùng chuyên mục
XEM