Ít ai biết đến nhưng đây lại là người phụ nữ quyền lực nhất ở Washington ở thời điểm hiện tại
Bà đang nắm trong tay thứ quyền lực độc nhất vô nhị: quyết định khi nào sẽ kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.
Có thể bạn chưa từng nghe thấy cái tên Emily Murphy. Và thực ra thì nhân vật này cũng không thích sự nổi tiếng.
Nhưng đây lại là người mà tờ Politico miêu tả là "người phụ nữ quyền lực nhất Washington", tạm thời là như vậy. Nguyên nhân là do bà đang nắm trong tay thứ quyền lực độc nhất vô nhị: quyết định khi nào sẽ kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.
Trong 1 năm bầu cử bình thường, điều này không quá quan trọng. Tuy nhiên, vì tình thế đặc biệt của năm nay, bà Murphy lại đang đứng ở trung tâm của cuộc bầu cử.
Trên cương vị giám đốc Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) của chính phủ Mỹ, bà sẽ phải đưa ra lời khẳng định rằng ông Joe Biden - người mà đồng loạt các hãng tin lớn đã gọi là Tổng thống đắc cử - đã có 1 "chiến thắng rõ ràng". Chỉ sau tuyên bố của bà Murphy thì đội ngũ chuyển giao mới có thể liên hệ với các cơ quan liên bang cũng như tiếp cận với hàng triệu USD đã được dành riêng cho quá trình chuyển giao quyền lực.
Mặc dù AP và phần lớn các hãng tin đã khẳng định ông Biden chiến thắng, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa nhượng bộ và quá trình kiểm phiếu vẫn đang được tiếp tục. Trong thông báo phát đi hôm nay, ông Trump kiên quyết khẳng định: "Sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc. Các lá phiếu hợp pháp sẽ quyết định ai là Tổng thống chứ không phải truyền thông".
Điều này khiến bà Murphy rơi vào 1 tình thế kỳ quặc.
Theo luật, GSA luôn tránh mắc phải bất cứ hành động nào mang tính chất đảng phái. Kể cả khi truyền thông đã tuyên bố ông Biden chiến thắng, GSA chỉ đưa ra thông báo "sẽ chưa đưa ra lời xác nhận". GSA sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp.
Mỗi ngày trôi qua thì tình thế càng trở nên khó xử. Hơn nữa luật quy định về hoàn cảnh hiện nay rất mơ hồ, dẫn đến bà Murphy sẽ là người quyết định khi nào ông Biden chính thức trở thành Tổng thống đắc cử.
Bà Murphy có thể chọn giải pháp an toàn và đợi đến ngày 14/12, khi Đại cử tri đoàn bỏ phiếu bầu Tổng thống. Nhưng điều đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực chuyển giao của ông Biden và nước Mỹ càng rơi vào hỗn loạn giữa bối cảnh cùng lúc phải chịu khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế.
Từ nay đến lúc đó, đội ngũ của ông Biden vẫn có thể tiếp tục chuẩn bị cho quá trình chuyển giao, trong đó có dùng FBI để kiểm tra lý lịch của các ứng viên dự định sẽ được bổ nhiệm vào nội các. Hiện họ vẫn chưa thể làm việc với Cơ quan đạo đức chính phủ Hoa Kỳ, mặc dù đó chỉ là bước thứ cấp.
Tuy nhiên lời xác nhận từ GSA là quan trọng nhất bởi vì nó sẽ "bật đèn xanh" để nhóm của ông Biden tiếp cận với các cơ quan liên bang nhằm thu thập thông tin cần thiết để chuẩn bị cho chính quyền mới.
Trong cuộc bầu cử năm 2000, ngày bầu cử là ngày 7-11-2000 nhưng mãi đến ngày 12-12 mới ngã ngũ, sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ. Khi đó GSA cũng đã phải đối mặt với áp lực kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực cho ứng viên Đảng Cộng hòa là George W. Bush. Tuy nhiên, cơ quan này đã không làm như vậy cho đến khi có phán quyết của Tòa án Tối cao.