iPhone sẽ có giá bao nhiêu nếu không được gia công ở Trung Quốc: "Dao động từ 700 triệu đến 2.2 tỷ đồng...và đây không phải lỗi 'thằng đánh máy' đâu nhé"
"Điều mỉa mai là thậm chí 2.2 tỷ/ 1 chiếc iPhone vẫn còn là một cái giá quá hời." Hãy thử tưởng tượng CEO Tim Cook buộc phải sản xuất iPhone hoàn toàn tại Mỹ? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản này nhưng lại dạy cho chúng ta rất nhiều điều về bài học kinh doanh trên thị trường toàn cầu.
Khi được hỏi trên Quora về việc: "Liệu một chiếc iPhone sẽ có giá bao nhiêu nếu Apple bị buộc phải sản xuất nó tại Mỹ?", câu trả lời của nhà đầu tư Glenn Luk khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên.
Với gần nửa triệu lượt xem và gần 6,000 lượt đánh giá tích cực, anh đã cung cấp một bài học vô cùng thú vị về chuỗi cung ứng trong kinh doanh, trong trường hợp của chiếc iPhone. Dưới đây là phần trích lược câu trả lời của anh.
"Trong khoảng từ 30,000 đô đến 100,000 đô...và đây không phải lỗi đánh máy.
Trực thực tế, nếu Apple bị buộc sản xuất iPhone hoàn toàn ở Mỹ, khả năng là iPhone cũng chẳng được sản xuất nữa. Nếu Apple có vượt qua giai đoạn sản xuất thành công, sản lượng cũng sẽ chỉ giới hạn ở vài triệu chiếc một năm.
Vấn đề ở đây không thực sự nằm ở chi phí lao động. Nó liên quan nhiều hơn đến chuỗi cung ứng và chủ yếu là do những khác biệt trong trình độ cần thiết để sản xuất hàng trăm triệu chiếc Iphone với chất lượng gia công cao để thỏa mãn nhu cầu hiện tại của thị trường
Như CEO Apple Tim Cook chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nước Mỹ đang thiếu trầm trọng một số kỹ năng quan trọng, vô cùng cần thiết trong chuỗi cung ứng sản xuất. Một trong những kỹ năng đó là sự gia công chính xác và đặc biệt là các kỹ sư gia công. Đây là những lời Tim Cook nói:
"Có một sự nhầm lẫn về Trung Quốc...người ta vẫn tưởng rằng các công ty đến Trung Quốc bởi vì chi phí lao động thấp. Tôi không biết họ đến tỉnh nào của Trung Quốc nhưng sự thật là Trung Quốc đã không còn là một quốc gia lao động rẻ rất nhiều năm về trước và đó không phải lý do để người ta tìm đến đến Trung Quốc từ góc độ cung ứng...
CEO Apple Tim Cook trả lời tại Fortune Global Forum
Những sản phẩm Apple đòi hỏi yêu cầu khả năng gia công cấp cao. Và sự chính xác mà bạn phải có khi gia công và làm việc với những nguyên vật liệu đòi hỏi kỹ năng ở mức tiên tiến nhất. Kỹ năng gia công ở đây cực kì sâu.
Tại Mỹ bạn có thể các tập trung các kỹ sư gia công vào một phòng họp và tôi không chắc chúng ta có thể ngồi hết không. Tại Trung Quốc, họ có thể lấp đầy vài sân bóng đá.
Chính sự lành nghề là điểm rất mạnh tại đây. Và tôi cho rằng hệ thống giáo dục có công rất lớn trong việc thúc đẩy dạy nghề trong khi các quốc gia khác lại không coi trọng chúng. Bây giờ, tôi nghĩ rằng rất nhiều nước đang tỉnh dậy và nói rằng dạy nghề là thứ cốt yếu và chúng ta đang sửa sai nhưng Trung Quốc biết điều này ngay từ đầu."
Sự khan hiếm tương đối các kỹ sư gia công chất lượng chỉ là một trong số nhiều lý do tại sao rất khó để nâng quy mô sản xuất iPhone tại Mỹ. Công ty Foxconn trả lương cho hàng triệu công nhân kể cả khi nó có đầu tự mạnh vào mảng tự động hóa.
Các chuỗi cung ứng hàng điện tử cũng được chuyển tới châu Á cách đây 30-40 năm và việc thu mua linh kiện nhanh chóng cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí, thời gian tung sản phẩm ra thị trường và khả năng nhân rộng.
Hậu cần và cơ sở hạ tầng cũng là chìa khóa đối với một sản phẩm được phân phối khắp thế giới - 7/10 cảng lớn nhất thế giới thuộc về Trung Quốc.
Tim Cook là chuyên gia hàng đầu về sản xuất các hàng tiêu dùng điện tử. Trước khi trở thành hàng CEO của Apple sau Steve Jobs, ông đã dành cả sự nghiệp của mình trong mảng vận hành, bao gồm 25 năm làm việc chặt chẽ với những nhà sản xuất Trung Quốc.
Nhờ công lao của ông mà Apple mới có thể nhân rộng quy mô và sản xuất hàng tỷ các thiết bị tiêu dụng tối tân trong lịch sử hiện đại. Tim biết mình đang nói những gì."
Về mặt lý thuyết, nhà đầu tư Glenn Luk cho rằng có một vài lý do khiến việc sản xuất một chiếc Iphone của nước Mỹ có thể lên tới 30,000 đô tới 100,000 đô.
Thứ nhất, nước Mỹ sẽ mất rất nhiều năm để đào tạo lại lực lượng công nhân có tay nghề. Không giống như đào tạo kiến thức, đào tạo nghề đòi hỏi nhiều năm chỉ bảo trực tiếp trong môi trường nhà máy, và phải thử sai rất nhiều để tinh chỉnh các thiết bị và dây chuyền sản xuất.
Chính Tesla của Elon Musk cũng đang đối mặt với những vấn đề này khi họ cố gắng sản xuất hàng loạt mẫu xe điện Model 3s của mình mà không làm giảm chất lượng.
Thứ hai, nước Mỹ sẽ cần phải thiết kế lại cả hệ thống giáo dục công như nước Đức để thuyết phục các học sinh chọn con đường học nghề khi học cấp 3. Kể cả nếu họ có làm ngay từ bây giờ, Mỹ vẫn sẽ mất cả một thế hệ để có thể thực sự quy mô hóa, như điều mà Trung Quốc đã làm cách đây nhiều năm.
Hình ảnh tại nhà máy Foxconn
Thứ 3, gia công chính xác chỉ là một phần rất nhỏ của miếng bánh. Chúng ta sẽ phải xem xét những yếu tố khác khi nhân rộng như xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện, cải thiện hạ tầng hậu cần và đi tìm hàng trăm nghìn công nhân sẵn sàng làm việc trong dây chuyền (thậm chí với robot va tự động hóa).
Vì vậy, khi ép Apple sản xuất chỉ ở nước Mỹ thì trong viễn cảnh tươi sáng nhất, chúng ta sẽ có thể phải chuyển từ việc sản xuất hàng trăm triệu chiếc Iphone mỗi năm sang vài triệu mỗi năm. Sự khác biệt lên tới hàng trăm lần."
Bài học vỡ lòng từ môn kinh tế học vĩ mô sẽ cho bạn biết rằng: một khi cầu quá cao, mà cung lại thấp, giá sản phẩm sẽ đẩy lên mức rất cao. Như tác giả Glenn Luk nói tiếp:
"Theo lý thuyết, khi chỉ 1% dân số có thể sở hữu Iphone (và giả sử những phương án thay thế khác chưa tồn tại bây giờ), giá Iphone sẽ tăng phi mã.
Không chỉ giới 1% chỉ phải mua với giá cao hơn rất nhiều, Iphone cũng sẽ trở thành một mặt hàng siêu sang và chỉ nhìn vào sự khác biệt khổng lồ về giá giữa một chiếc túi đồ chợ và một chiếc túi hàng hiệu - sự khác biệt về giá sẽ vào khoảng từ 30-100x lần. Vì vậy, Iphone có thể leo lên một mức giá mới, dao động từ 30,000 đô đến 100,000 đô.
Nói cách khác, giá tăng được điều khiển gần như hoàn toàn bởi nguồn cung giới hạn trong khi nguồn cầu lại quá cao, chứ không phải do chi phí sản xuất trên một chiếc Iphones gia tăng."