iPhone 15 khơi gợi 1 nỗi đau thất bại đáng xấu hổ của Apple, tìm mọi cách, chi hàng tỷ USD vẫn chưa thành công

21/09/2023 10:13 AM | Kinh doanh

Apple vẫn ấp ủ 1 mục tiêu trong suốt nhiều năm nhưng hãng vẫn chưa thể thành công.

iPhone 15 khơi gợi 1 nỗi đau thất bại đáng xấu hổ của Apple, tìm mọi cách, chi hàng tỷ USD vẫn chưa thành công - Ảnh 1.

Mẫu iPhone mới ra mắt vào tuần trước đang thiếu một loại chip độc quyền mà Apple mất rất nhiều năm cùng hàng tỷ USD để phát triển, theo WSJ.

Trước đây, Giám đốc điều hành Tim Cook muốn thiết kế và xây dựng một con chip modem—bộ phận kết nối iPhone với các nhà cung cấp dịch vụ không dây. Mục tiêu là giảm sự phụ thuộc miễn cưỡng của Apple vào Qualcomm - công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ chuyên thiết kế và tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ viễn thông không dây.

Apple đã lên kế hoạch lắp đặt con chip modem vào mẫu iPhone mới, song các thử nghiệm hồi cuối năm ngoái cho thấy chúng quá chậm và dễ bị quá tải nhiệt. Bảng mạch cũng lớn đến mức chiếm cả nửa chiếc iPhone.

Ban đầu, giới đầu tư kỳ vọng dự án mới sẽ giúp Apple bù đắp tình trạng sụt giảm nhu cầu trên thị trường điện thoại thông minh. Apple, dù chưa công khai thừa nhận dự án modem của mình, song ước tính đã chi ra hơn 7,2 tỷ USD cho Qualcomm vào năm ngoái để mua chip.

Được biết, nhóm kỹ sư đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức về kỹ thuật. Họ bị chia thành các nhóm riêng biệt trên khắp nước Mỹ và một số khu vực khác, song không có người đứng đầu. Một số quản lý còn giấu nhẹm tiến độ thực của dự án, từ đó khiến mục tiêu chung trở nên phi thực tế và không thể hoàn thành.

“Thật nực cười khi Apple nghĩ rằng mình cũng có thể chế tạo được modem”, Jaydeep Ranade, cựu giám đốc Apple, nói.

Động lực cho dự án tham vọng này đến từ 2 nguyên do: Thứ nhất, Apple tin rằng họ có thể tái tạo thành công của chip vi xử lý. Việc ứng dụng chúng sẽ giúp tăng tỷ suất lợi nhuận và cải thiện hiệu suất cho hàng tỷ thiết bị. Thứ hai, Apple muốn cắt đứt quan hệ với Qualcomm, công ty từng bị kiện hồi năm 2017 với các cáo buộc xoay quanh việc tính phí bản quyền quá cao.

Vào tuần trước, Apple tuyên bố sẽ tiếp tục mua chip modem của Qualcomm cho đến năm 2026. Con chip tương đương dự kiến sẽ không được sản xuất từ nay cho đến 2025. Chậm trễ là vậy song Apple vẫn tin rằng dự án này có thể thành công.

Dẫu vậy, theo Serge Willenegger, cựu giám đốc điều hành lâu năm của Qualcomm, “gián đoạn này cho thấy Apple không lường trước được sự phức tạp của việc phát triển một con chip modem mới”.

Việc Apple thúc đẩy sản xuất nhiều chất bán dẫn khác nhau kéo dài trong hơn một thập kỷ. Năm 2010, công ty bắt đầu sử dụng chip xử lý của riêng mình trên iPhone và iPad. Chúng giúp Apple vượt trội hơn nhiều đối thủ Android vốn dựa vào chip của Qualcomm.

Vào năm 2020, công ty bắt đầu thay thế chip xử lý của Intel vốn được sử dụng trong máy tính Mac bằng một con chip độc quyền cho phép thiết bị chạy nhanh hơn, tạo ít nhiệt năng hơn. Điều này đã giúp Apple tiết kiệm khoảng 75 đến 150 USD trên mỗi máy tính.

“Sau khi xuất xưởng chiếc iPhone đầu tiên, chúng tôi tin rằng cách tốt nhất để mang lại những trải nghiệm tốt cho khách hàng là phát triển và thiết kế một con chip riêng”, Johny Srouji, lãnh đạo chip của công ty, nói.

Khi đó, mối quan hệ của Apple với Qualcomm đã trở nên xấu đi. Các công ty tranh cãi và cáo buộc nhau về việc đánh cắp bản quyền. Rubén Caballero, người đứng đầu mảng không dây lâu năm của Apple, ủng hộ quan hệ đối tác chip Intel vào thời điểm đó, trong khi Srouji, phó chủ tịch cấp cao về công nghệ phần cứng, ủng hộ việc theo đuổi chip do chính Apple chế tạo. Ông Caballero đã rời Apple vào năm 2019.

Apple ngay sau đó nhanh chóng hiện thực hóa dự án. Công ty công bố một trung tâm kỹ thuật mới ở San Diego - quê hương của Qualcomm và có kế hoạch bổ sung khoảng 1.200 việc làm tại địa phương. Mùa hè năm đó, Apple còn mua lại nhóm không dây của Intel và một danh mục các bằng sáng chế không dây. Ông Srouji cho rằng dự án sẽ trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi, đồng thời giúp người dùng dễ dàng phân biệt các thiết bị của Apple.

Tuy nhiên, chip modem rất khó chế tạo vì phải hoạt động liền mạch với mạng không dây 5G. Cựu kỹ sư dự án cho biết các giám đốc điều hành đã đặt ra rất nhiều các mốc thời gian không thực tế. Nhóm phải xây dựng các phiên bản nguyên mẫu của chip và nhận ra rằng cần rất nhiều thời gian để chúng có thể hoạt động với nhiều nhà mạng không dây.

Các cuộc thử nghiệm đều thu về kết quả không tốt. Về cơ bản, những con chip này chậm hơn so với chip modem tốt nhất của Qualcomm. Việc sử dụng chúng theo đó có nguy cơ khiến iPhone sớm bị các đối thủ cạnh tranh vượt mặt.

Apple hiện đã hủy bỏ kế hoạch ứng dụng chip modem trên các mẫu máy năm 2023 và chuyển kế hoạch triển khai sang năm 2024. Các giám đốc điều hành cuối cùng cũng nhận ra rằng công ty sẽ khó có thể đạt được mục tiêu này.

Thay vào đó, Apple tiếp tục hợp tác với Qualcomm để mua chip modem. Thỏa thuận sẽ hết hạn vào tháng 4/2025.

Tuy nhiên, theo những người tham gia dự án, Apple có tiền và vẫn mong muốn tiếp tục theo đuổi tham vọng của mình. “Apple sẽ không từ bỏ đâu”, Edward Snyder, giám đốc điều hành của Charter Equity Research, nhận định.

Theo: WSJ, Bloomberg

Vũ Anh

Từ khóa:  apple , iphone15
Cùng chuyên mục
XEM