Instagram và TikTok đang "ảnh hưởng tiêu cực" cuộc sống của GenZ?
Theo khảo sát mới đây của Bankrate, có đến một nửa số người dùng là GenZ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các nội dung trên mạng xã hội.
Cụ thể, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và trí tuệ của người dùng, mục tiêu tiếp theo của các mạng xã hội được xác định chính vấn đề tài chính cá nhân của mỗi chúng ta.
Mạng xã hội ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực đến đời sống tinh thần của người dùng trên nhiều khía cạnh
Theo một khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu tài chính tiêu dùng Bankrate, cứ 3 người Mỹ trưởng thành thì sẽ có 1 người cảm thấy "xấu hổ" về tiềm lực tài chính của bản thân khi "lướt" mạng xã hội. Trong đó các cảm xúc chủ đạo sẽ bao gồm: ghen tị, lo lắng, xấu hổ và tức giận.
Đáng chú ý, mạng xã hội chính là nguyên nhân khiến người ta cảm thấy tiêu cực về túi tiền của bản thân nhiều hơn bất kỳ khía cạnh nào khác trong cuộc sống.
Xét trên độ tuổi thì GenZ và các thế hệ kế cận lại là nhóm bị mạng xã hội "dồn nén" nhiều nhất khi nhắc đến vấn đề tiền bạc. Trong đó có 47% người khảo sát ở thế hệ GenZ và 46% cá nhân thuộc thế hệ Millennials cho biết bản thân cảm thấy tự ti về mặt tài chính khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội.
Mạng xã hội, có thực sự đang kéo mọi người lại gần nhau hơn?
Ted Rossman, nhà phân tích cao cấp tại Bankrate cho biết: "Mạng xã hội bóp méo nhận thức của con người ta đến mức họ phải cố gắng hết sức để xây dựng một phiên bản phi thực tế của chính họ trên đó. Sẽ có ai đó đang gánh trên lưng một khoản nợ tín dụng khổng lồ chỉ để có được một kỳ nghỉ sang chảnh. Mục tiêu cuối cùng là để cạnh tranh với những hình ảnh hào nhoáng của bạn bè trên không gian ảo".
Mạng xã hội bóp méo nhận thức của con người ta đến mức họ phải cố gắng hết sức để xây dựng một phiên bản phi thực tế của chính mình.
Ted Rossman
Không những ảnh hưởng đến người dùng về mặt tinh thần khi khiến người ta tự ti về khả năng tài chính của bản thân, các mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok còn trực tiếp hủy hoại túi tiền của người dùng thông qua các bài đăng quảng cáo.
Theo khảo sát của Bankrate, có đến hơn 50% số người tham gia trả lời phỏng vấn cho biết có ít nhất một lần bấm vào mua hàng thông qua link đính kèm trên Instagram hay TikTok, thay vì tìm hiểu sơ về thông tin sản phẩm trước khi xuống tiền và cũng có đến 64% số người từng mua hàng thông qua các mạng xã hội hối hận về quyết định xuống tiền mua sắm.
Lý do cho sự vội vàng "chốt đơn" này phần lớn đến từ sự tiện lợi trong lựa chọn và thanh toán. Tất nhiên là còn có sự giúp sức của các KOL khi đính kèm đường link mua hàng vào bài đăng của mình nữa.
Mạng xã hội đang trở thành địa điểm "yêu thích" của các tín đồ mua sắm vì chốt đơn vừa nhanh vừa dễ
Tác giả của bài viết, Sarah Foster viết: "Những hình ảnh sản phẩm được đính kèm với link mua hàng thường gây tác hại trực tiếp đến khả năng tài chính của chúng ta thay vì mang trong mình những thông điệp tốt đẹp, như cái cách mà chúng xuất hiện trên các trang mạng xã hội".
Thật vậy, có đến 73% người dùng thuộc thế hệ Z muốn xuất hiện "thật hoành tráng" trên các phương tiện truyền thông xã hội như TikTok hay Instagram, mục đích chỉ là để thể hiện mình là con người thành công. Tỉ lệ này ở thế hệ X và Millenials lần lượt là 71 và 70%.
Mạng xã hội đang hủy hoại cuộc sống của chúng ta về mọi mặt
Kết lại bài khảo sát, Foster nhận định: "Mạng xã hội trên thực tế chỉ là một cuốn lưu bút mà trong đó lưu trữ những hình ảnh đẹp nhất của chúng ta và nó vô tình ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người khác". Bên cạnh đó, chuyên gia này còn ví các phương tiện truyền thông xã hội với các banner quảng cáo khổng lồ trên đường, tuy nhiên nó lại hoàn thành nhiệm vụ lôi kéo khách hàng một cách "hiệu quả" hơn rất nhiều.
Theo: Fortune/Bankrate