INFOGRAPHIC: TP.HCM dự kiến mở lại các hoạt động cho người có thẻ xanh, thẻ vàng COVID như thế nào?
TP.HCM dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, thí điểm thẻ xanh COVID, thẻ vàng COVID theo 3 giai đoạn.
Chiều 10/9, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM sau ngày 15/9.
Hội nghị với sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và có sự tham gia của các sở ban ngành.
Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP.HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9/2021 - 31/10/2021), cá nhân, lao động có Thẻ xanh COVID có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Cá nhân, lao động có Thẻ vàng COVID, có xét nghiệm âm tính với COVD-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.
Riêng tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có Thẻ xanh COVID hoặc Thẻ vàng COVID tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022), TP sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có Thẻ xanh gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TP lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh.
Ngoài các lộ trình dự kiến, TP cũng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.