In tiền làm kỷ niệm, Ngân hàng Nhà nước tốn kém bao nhiêu?

06/04/2016 08:48 AM | Kinh tế vĩ mô

Sẽ có 4 công ty hàng đầu thế giới trong kỹ thuật, công nghệ in ấn tiền hỗ trợ NHNN trong việc in ấn tờ tiền này. Tuy nhiên Phó Thống đốc không tiết lộ số tiền các công ty tài trợ là bao nhiêu. Còn "chi phí NHNN bỏ ra để in tờ 100 đồng là rất nhỏ”.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kế hoạch phát hành đồng tiền mệnh giá 100 đồng nhân kỉ niệm 65 năm ngày thành lập ngành ngân hàng. Dù không có giá trị lưu thông mà chỉ phát hành làm lưu niệm, nhưng đồng tiền này được in với kỹ thuật, công nghệ bảo mật hiện đại nhất thế giới được sử dụng để in đồng Euro, Dollar…

“Kỹ thuật bảo an chính của tờ tiền gồm hình bóng chìm, khi soi trước nguồn sáng sẽ thấy hình hoa sen và số 65. Hình định vị khi soi trước nguồn sáng hình ảnh trên hai mặt khớp khít tạo hình ảnh chính, mực đổi màu chuyển động. Đây cũng là phát minh mới nhất, tiên tiến nhất trên thế giới và lần đầu tiên được sử dụng trên đồng tiền lưu niệm 100 đồng của NHNN” – ông Nguyễn Chí Thành – Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ (NHNN) cho biết.

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao phải áp dụng công nghệ in ấn bảo mật tối tân nhất cho tờ tiền chỉ mang tính lưu niệm, chứ không có giá trị lưu thông? Thêm nữa, việc áp dụng công nghệ in bảo mật tiên tiến nhất, chắc hẳn số tiền dành cho việc in tờ 100 đồng làm lưu niệm cũng tốn không ít?

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 5/4 xoay quanh chuyện NHNN phát hành tờ 100 đồng làm kỷ niệm, ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) – nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, việc các ngân hàng in đồng tiền làm lưu niệm nhân các mốc lịch sử của ngành là bình thường. Ông Kiêm nhớ lại, năm 1990 thời ông còn là Thống đốc NHNN, cơ quan này cũng phát hành đồng tiền trị giá 1 đồng bằng kim loại làm lưu niệm.

“Lúc đó là nhân kỷ niệm 30 năm ngày Ngân hàng Việt Nam và kỷ niệm mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Cu Ba, chúng ta đã phát hành tờ 1 đồng bằng kim loại để làm lưu niệm và tặng phía bạn” – ông Kiêm kể.

Về chuyện ứng dụng công nghệ in ấn, bảo mật hiện đại nhất vào tờ tiền lưu niệm 100 đồng, nguyên Thống đốc NHNN cho là cần thiết và hợp lý để bảo vệ đồng tiền lưu niệm này.

“Tờ tiền này mệnh giá nhỏ, nhưng giá trị mà nó mang lại khi phát hành có thể tăng nhiều lần, tuỳ thuộc vào đối tượng tiêu dùng. Vì thế, dù không có giá trị lưu thông, nhưng việc sử dụng kỹ thuật in, công nghệ bảo mật hiện đại nhất thế giới vào in tờ 100 đồng này là hợp lý, cần thiết” – ông Kiêm bình luận.

Tuy nhiên, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) băn khoăn là trong bối cảnh hiện tại, người dân còn nghèo với thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp nên không chỉ riêng NHNN mà các ngành, các cấp, mọi tổ chức cá nhân phải quán triệt nguyên tắc tối thượng đó là triệt để tiết kiệm. Bất cứ đồng tiền nào của dân đóng góp cũng phải quản lý sử dụng một cách minh bạch và đặc biệt phải có hiệu quả. Và phải cân nhắc đến tính cấp bách của vấn đề, mức độ hiệu quả đến đâu.

“Việc in đồng tiền mệnh giá 100 đồng cotton là việc làm cần thiết của ngành ngân hàng, nhưng phải lưu ý rằng việc làm này cấp bách đến đâu và hiệu quả đến đâu. Trong chừng mực và chi phí không lớn thì việc in đồng tiền này như một đồng tiền mẫu, có tính chất biểu tượng lưu niệm thì tôi cho đó là việc làm không lấy gì làm tốn kém. Nhưng nếu in quá nhiều nhưng lại không có giá trị lưu thông vì tờ tiền có mệnh giá quá nhỏ thì cần phải tính toán xem số lượng in đến đâu cho nó phù hợp trên tinh thần triệt để tiết kiệm và đàm bảo hiệu quả”, ĐB Thụ bày tỏ.

Ở góc nhìn của mình ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) băn khoăn, không rõ khoản tiền NHNN dành để in tờ tiền 100 đồng làm lưu niệm lần này là bao nhiêu, nhưng dù là phát hành làm kỷ niệm cũng phải cân nhắc và tính toán dựa trên tiêu chí “tiết kiệm triệt để”.

“Mỗi ngành riêng đều có sự kiện, lịch sử riêng nhưng phải gắn với quốc gia thì hãy nên làm. Hiện giờ chúng ta đang hạn chế và tiết kiệm tối đa. Nhà nghèo phải tính toán chi tiêu như nào cho hợp lý, còn nếu đã dư giả rồi thì phải xem có cần thiết hay không” – ĐB Bùi Thị An bình luận.

Trước lo lắng của dư luận và băn khoăn của các ĐBQH, trả lời Infonet chiều 5/4 Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, “chi phí NHNN bỏ ra để in tờ 100 đồng là rất nhỏ”. Ông Tú cho biết, có tới 4 công ty hàng đầu thế giới trong kỹ thuật, công nghệ in ấn tiền “góp sức”, đồng hành cùng NHNN trong việc in ấn tờ tiền này.

Tuy nhiên ông không tiết lộ số tiền các công ty tài trợ cụ thể là bao nhiêu.

“Họ tài trợ hoàn toàn kinh phí từ giấy, mực, kỹ thuật in, thiết bị bảo an của đồng tiền… Nói chung, mọi vật tư nguyên liệu để in tờ 100 đồng này đã được các công ty trên tài trợ hết. NHNN chỉ bỏ chi phí nhân công in ấn và chi phí này rất ít” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Nói thêm về ý nghĩa của việc NHNN in tờ 100 đồng nhân kỷ niệm 65 năm ngày Ngân hàng Việt Nam, ông Tú chia sẻ thêm, việc in tờ tiền 100 đồng không phải để “chơi”, làm kỷ niệm bình thường, mà còn mang ý nghĩa rất lớn.

“Việc in tờ tiền 100 đồng nhân kỷ niệm 65 năm ngày Ngân hàng Việt Nam thể hiện quyết tâm của ngành ngân hàng tiếp tục giữ vững và phát huy những thành tích đạt được, không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ mới” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tờ tiền 100 đồng sẽ được bán công khai

Trong một thông cáo được NHNN gửi tới báo chí vào tối muộn hôm qua (5/4), cơ quan này cho biết, tiền lưu niệm 100 đồng được cơ quan này bán công khai rộng rãi đến các tổ chức và cá nhân có nhu cầu.

“Hoạt động bán tiền lưu niệm là phù hợp với quy định của pháp luật (Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 02/5/2012, Quyết định số 40/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012) và thông lệ quốc tế. Do đó, NHNN được phép cấp, tặng, bán đồng tiền lưu niệm cho các tổ chức, cá nhân và không nhằm mục đích thu lợi nhuận” – thông cáo của NHNN khẳng định.

Ngoài ra, kinh phí thu được từ việc bán tiền lưu niệm dùng để bù đắp một số chi phí vận chuyển, bảo quản và phát hành tiền. Số còn lại được hạch toán vào thu nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước và cuối năm được quyết toán nộp ngân sách Nhà nước”- thông cáo của NHNN khẳng định. Giá bán loại tiền lưu niệm tờ rời là 20.000 đồng/tờ; loại folder là 25.000 đồng/tờ.

Theo Nguyễn Hoài

Cùng chuyên mục
XEM