IMF: Một số quốc gia châu Á cần nhanh tăng lãi suất để đối phó lạm phát

29/07/2022 21:03 PM | Kinh doanh

Tốc độ tăng giá cả hàng hóa tại một số quốc gia châu Á đã vượt qua mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Một vài ngân hàng trung ương châu Á cần phải tăng nhanh lãi suất trong bối cảnh áp lực lạm phát liên tục đi lên sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, khiến cho giá cả hàng hóa và thực phẩm tăng phi mã, theo ông Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF.

“Tuy áp lực lạm phát tại châu Á không quá nghiêm trọng như nhiều khu vực khác, đà tăng giá tại một số quốc gia hiện đã vượt qua ngưỡng mục tiêu của các ngân hàng trung ương”,  ông Srinivasan chia sẻ trong một bài viết đăng tải trong ngày 28/7.

“Một vài nền kinh tế trong khu vực này cần tăng nhanh lãi suất trong bối cảnh lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm) đang trong xu hướng cao hơn, nhằm ngăn cản đà đi lên của kỳ vọng lạm phát và chi phí lao động. Nếu chậm trễ, các quốc gia này có thể phải tiến hành các bước tăng lãi suất lớn trong tương lai”, ông nói.

IMF: Một số quốc gia châu Á cần nhanh tăng lãi suất để đối phó lạm phát - Ảnh 1.

23 tỷ USD "chảy" khỏi Ấn Độ sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Ảnh: Reuters. 

Tình trạng “chảy máu” vốn xảy ra tại hầu hết các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á với mức độ tương tự so với năm 2013, thời điểm thị trường trái phiếu toàn cầu rơi vào hỗn loạn sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu họ có thể dừng chương trình thu mua trái phiếu sớm hơn dự kiến, ông Srinivasan, chia sẻ.

Dòng vốn chảy ra mạnh nhất khỏi Ấn Độ với hơn 23 tỷ USD kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, ông viết. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại một số quốc gia khác, trong đó có Hàn Quốc.

Điều kiện tài chính đang ngày một siết chặt trên quy mô toàn cầu hoàn toàn không có lợi đối với tình hình tài chính của nhiều quốc gia châu Á, làm hạn chế dư địa chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch thông qua chi tiêu tài khóa.

Tỷ lệ nợ công tại khu vực châu Á tăng từ 25% lên 38% tổng nợ công toàn cầu trong giai đoạn hậu đại dịch, làm gia tăng mức độ “nhạy cảm” của khu vực này trước những thay đổi điều kiện tài chính toàn cầu, theo ông Srinivasan.

Một vài quốc gia trong khu vực nên thực hiện một số giải pháp như can thiệp tỷ giá và kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” dòng tiền, ông bổ sung.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM