Huyền thoại của Tập đoàn Daewoo trở lại Việt Nam ở tuổi 81 với câu chuyện về quản lý thời gian

09/01/2017 08:22 AM | Kinh doanh

“Cha tôi là người rất quý trọng thời gian. Thời gian ông dành ra để ăn cơm rất ngắn và ít. Thói quen đó giữ đến bây giờ, chúng tôi chỉ tường ăn 1 bữa chỉ trong 5 -7 phút”, Kim Sun Young - con trai của cựu Chủ tịch Daewoo chia sẻ.

Cuối tuần trước, Kim Woo Choong - người sáng lập Tập đoàn Daewoo trở lại thăm Việt Nam ở tuổi 81. Sức khoẻ của ông lúc này không được tốt. Vài ngày trước đó, ông Kim Woo Choong đang điều trị tại bệnh viện Seoul. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng đến Việt Nam.

“Kể cả phải khiêng bằng cáng, con cũng phải đưa cha đến gặp gỡ các bạn trẻ Việt Nam”, ông Kim Woo Choong nói với con trai.

Người con trai, anh Kim Sun Young, đã giúp cha mình trong buổi gặp mặt, giao tiếp với khán giả. Ông Kim ngồi ngay ngắn và im lặng bên cạnh, dây thanh quản của ông đã bị tê liệt.

“Điều gì khiến ông nhớ nhất ở cha mình?”.

“Thời gian. Cha tôi là người là người rất quý trọng thời gian. Điều mà tôi nhớ nhất là những bữa cơm của ông, chỉ trong 5 -7 phút. Nó đã trở thành thói quen của chúng tôi sau này”, con trai cựu chủ tịch Daewoo cho biết.

Trên thực tế, ông Kim Woo Choong dưới ngòi bút của nhiều phóng viên Hàn Quốc và quốc tế hiện ra là một người “tiết kiệm thời gian” và “tham công tiếc việc”.

Nhớ lại chuyến tháp tùng ông Kim năm 1992 đến 3 châu lục cùng một lúc, tiểu thuyết gia Lee Moon Yul chia sẻ: “Để tiết kiệm thời giờ, ông Kim đã dồn nén lịch trình bay. Chúng tôi ngủ ở châu Á, thức dậy ở châu Âu. Rồi lại ngủ ở châu Âu, thức dậy ở châu Phi”.

Nỗi ám ảnh về thời gian cũng được ông Kim ghi lại trong hồi ký của mình. Bởi ông cho rằng thời gian là thứ quý giá nhất, không thể lấy lại được.

“Đôi khi tôi cạo râu và lau mặt trên xe hơi, trên đường đi làm. Thỉnh thoảng tôi còn ăn điểm tâm trong xe. Tôi đặc biệt chú ý đến việc chuyển máy bay trong khi đi du lịch vì tôi rất ghét phí phạm thời gian và nếu đổi chuyến bay sai sẽ có nghĩa là mất trọn một ngày hay hai ngày. Và mỗi khi có thể được thì tôi bay chuyến khác để đỡ phải phí phạm thời gian.

Tôi ngủ trên máy bay và thức dậy khi máy bay tới vào sáng mai, tỉnh táo và sẵn sàng giữ đúng những buổi hẹn làm việc. Đôi khi tôi đọc, nhận xét và xem xét báo cáo từ các văn phòng chi nhánh chuyển kế hoạch trên máy bay. Nhật ở gần nên tôi có thể đi qua đi lại bằng máy bay mỗi khi phải giải quyết công việc ở đó.

Điều tệ là có một số người đi ra nước ngoài mà không có mục đích cụ thể nào và rồi du lịch lòng vòng tốn phí tiền của nhưng làm cho họ mãi hao phí ngày giờ thì thực là quá sức tưởng tượng của tôi.

Ở Daewoo chúng tôi có truyền thống là không có hội họp trong giờ làm việc. Chúng tôi tổ chức họp trước hoặc sau khi làm việc. Làm như vậy tôi có thể dễ dàng gặp được các trưởng phòng vào khoảng 7 giờ. Tôi nghe công nhân ám chỉ khôi hài những buổi họp đó là "Lễ cầu kinh bình minh".

Điều này làm cho bạn hiểu được phần nào tôi và nhân viên Daewoo coi trọng thời gian là tài sản vô giá như thế nào”, trích hồi ký của ông Kim Woo Choong

Ông Kim Woo Choong cũng khẳng định phần lớn động lực để Tập đoàn Daewoo phát triển rực rỡ là bởi họ đã biết tôn trọng và tận dụng thời gian dù đã bắt đầu trễ so với những tập đoàn kinh tế khác.

“Chúng tôi thực sự làm việc gấp hai thời gian của những công ty khác, thay vì làm việc bình thường là từ 9 giờ tới 5 giờ thì chúng tôi làm từ 5 giờ cho tới tận 9 giờ. Tôi vẫn còn nhớ những ngay đầu ở Daewoo khi có lệnh giới nghiêm toàn quốc nửa đêm tới 4 giờ sáng, vì chúng tôi thường họp sau giờ làm việc kéo dài tới tận khuya nên thường chúng tôi cuộn mình nằm ở những quán đâu đó. Chúng tôi làm việc hăng hái và làm gấp đôi những người khác vì vậy theo nghĩa đó thì chúng tôi hoàn tất trong 22 năm bằng công ty khác phải làm xong mất 44 năm”, ông Kim viết.

Tuy nhiên, tham vọng, vội vã muốn thúc đẩy công việc nhanh gấp đôi, gấp ba người khác cũng là một phần nguyên nhân khiến Daewoo sụp đổ.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, 2 năm sau Daewoo phá sản với khoản nợ lên đến 75 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng này ập đến giữa lúc chiến lược sản xuất ô tô của ông Kim phải mất một thời gian dài nữa mới thu được lợi nhuận từ những nhà máy mới xây dựng. Ông cũng bị cáo buộc là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Daewoo vì đã thổi phồng tài sản công ty lên đến 41 tỷ USD để vay những khoản vốn đầu tư lớn cho việc sản xuất này.

Lần trả lời riêng cho tờ Fortune sau khi phá sản, ông Kim Woo Choong thổ lộ: “Tôi cố làm trong 5 năm những gì người khác phải mất 10 đến 15 năm. Đó là sai lầm của tôi. Tôi đã đầu tư mà không cần biết đến thị trường và chỉ chăm chăm cho mục tiêu duy nhất".

Sau khủng hoảng tại Daewoo, ông Kim Woo Choong đã chọn cách “biến mất” trong 6 năm, sống lưu vong ở nhiều quốc gia khác nhau. Đến năm 2005, ông quyết định trở về Hàn Quốc dù biết có những hình phạt đang chờ mình. Ông bị kết án 8 năm rưỡi tù vào năm 2006 và được ân xá một năm rưỡi sau đó.

Ở tuổi 81, ông Kim Woo Choong vẫn được nhiều nhà phân tích đánh giá là một hình tượng với hai mặt. Ước mơ, khát vọng, động lực làm việc của ông đến nay vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ doanh nhân không chỉ ở Hàn Quốc. Nhưng đồng thời, những sai lầm, vấp ngã của ông, thậm chí là sự trốn chạy trong suốt 6 năm kể từ ngày Daewoo bị phá sản cũng là mảng tối của người đàn ông được từng được xem là huyền thoại kinh doanh.

Theo N.D

Cùng chuyên mục
XEM