Hướng ngoại sôi nổi, hướng nội bình tĩnh: Sống nội tâm chưa chắc đã là điểm trừ, nhân viên khác biệt nên được đánh giá cao

14/07/2019 08:14 AM | Sống

Người hướng nội thường bị đánh giá sai là người nhút nhát hoặc quay lưng với xã hội. Nhưng đây là cách bạn có thể chứng minh với sếp rằng người hướng nội không phải là kẻ vô dụng trong các doanh nghiệp.

"Tại nơi làm việc, tại các cuộc họp dài, tôi cảm thấy bản thân mình cạn kiệt năng lượng. Tôi không thể đứng dậy gọi điện thoại hay trả lời một ai đó một cách thoải mái khi ở trong văn phòng đông người. Thậm chí việc vượt qua một dãy người đang cặm cụi vào màn hình máy tính kia để đi đến cánh cửa WC cũng là một nhiệm vụ khó khăn mà tôi phải vượt qua mỗi ngày."

Khi nghe đến những điều này, liệu bạn có thấy bản thân mình trong đó? Nếu như vậy thì kết luận rằng bạn thuộc tuýp người hướng nội mà nhiều doanh nghiệp vẫn thường hay có ý "bài trừ".

Thế nhưng, bạn có thể chứng minh được cho mọi người thấy rằng bản thân mình không nhút nhát hay có ý chống đối với xã hội mà hoàn toàn ngược lại.

Người hướng nội khi ở nơi làm việc

Khi nói đến các kiểu tính cách, chúng không rõ ràng như việc chỉ ra đâu là màu đen hay màu trắng giữa một bảng đầy màu sắc. Tất cả chúng ta đều thể hiện một loạt các đặc điểm và hành vi tùy thuộc vào môi trường, tâm trạng và các yếu tố khác xung quanh. Nhưng hầu hết, chúng ta có xu hướng nghiêng về hướng nội hay hướng ngoại phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng nguồn năng lượng của bản thân như thế nào và nơi chúng ta nhận được sự chú ý ra sao.

Trong khi các hoạt động tiếp xúc nhiều với bên ngoài sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người hướng ngoại thì ngược lại, những người hướng nội lại cần thời gian để phản ánh và nạp lại năng lượng cho bản thân. Họ có xu hướng bình tĩnh, biết lắng nghe và suy nghĩ kỹ trước khi nói.

Thế nhưng, thật không may là nhiều nơi làm việc thường không nhận ra và tán thưởng những đặc điểm đó. Thay vào đó, những nhân viên năng động, sôi nổi thường là những người được đề cử lên các vị trí cao hơn. Trên thực tế, mặc dù người hướng nội chiếm khoảng một nửa dân số nói chung, nhưng họ lại chỉ chiếm 2% các giám đốc điều hành cấp cao.

Nhưng đừng lo lắng, chỉ vì bạn là người hướng nội không có nghĩa là bạn sẽ bị bỏ qua hoặc bị đánh giá thấp trong công việc. Thay vì cố gắng khắc phục, hãy tập trung vào điểm mạnh của bản thân để chứng minh cho người khác thấy rằng người hướng nội vẫn có thể làm tốt công việc mà đôi khi người hướng ngoại chưa chắc đã có thể.

Hướng ngoại sôi nổi, hướng nội bình tĩnh: Sống nội tâm chưa chắc đã là điểm trừ, nhân viên khác biệt nên được đánh giá cao - Ảnh 1.

1. Chọn đúng vai trò của mình

Khi nói đến vai trò, không có ngành nghề hay công việc cụ thể nào phù hợp nhất với người hướng nội. Một số người có thể thích một ngành phân tích số liệu như kế toán, trong khi những người khác có thể nổi trội hơn trong lĩnh vực sáng tạo như viết lách, vẽ hoặc sáng tác nghệ thuật... 

Điều quan trọng là phải khẳng định được vai trò của bạn bằng cách phát huy tối đa các kỹ năng hàng đầu của bản thân. Điều quan trọng chính là xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình, sau đó so sánh chúng với công việc hiện tại xem liệu rằng bạn có thích hợp với chúng hay không? Nếu câu trả lời là không thì có lẽ tốt nhất bạn nên nói thẳng với sếp để được điều chỉnh vị trí thích hợp hơn, từ đó mới giảm được gánh nặng về mặt tâm lý để có thể giải thoát được các kỹ năng đột phá từ chính bản thân bạn.

2. Phát huy sở trường của bạn trong các cuộc họp

Người hướng nội thường sẽ cảm thấy thoải mái khi giao tiếp bằng văn bản hơn là bằng lời nói. Soạn một email sẽ cho phép bạn có thời gian để suy nghĩ về những gì bạn muốn nói và vạch ra một đường lối cụ thể để bày tỏ một vấn đề sao cho hoàn hảo nhất.

Thế nhưng nếu bạn đang ở trong một phòng hội thảo, một phòng họp toàn là những người hướng ngoại, những người không ngại bày tỏ bản thân trước đám đông thì chắc chắn rằng việc đưa ra ý tưởng của bạn sẽ là một thách thức không hề nhỏ.

Có thể bạn sẽ cảm thấy mình đang ở trong thế bị động và bất lợi, nhưng không, trong những trường hợp này bạn có thể phát huy thế mạnh của mình bằng cách lắng nghe.

Đa số những người hướng nội thường sẽ thích nghe hơn là đóng góp vào lời nói vào những cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, họ có một khả năng vượt trội hơn đó chính là lắng nghe, ghi chú và giải quyết các vấn đề trong đầu mình. Bằng cách im lặng và chăm chú lắng nghe để thu thập tất cả các thông tin được trình bày trong cuộc họp, sau đó làm việc một cách độc lập để hoàn thiện ý tưởng của bản thân, cuối cùng là trình bày ý kiến đó một cách ngắn gọn, đầy đủ và súc tích.

Một cách đơn giản khác để giúp người hướng nội vượt qua các cuộc họp hoặc trong những tình huống buộc phải giao tiếp trực tiếp đó là bạn có thể phát thảo trước ý kiến của bản thân lên giấy sau đó lắng nghe đối phương trình bày trước rồi từ từ hoàn thiện quan điểm của mình trước khi trình bày trước đám đông.

Hướng ngoại sôi nổi, hướng nội bình tĩnh: Sống nội tâm chưa chắc đã là điểm trừ, nhân viên khác biệt nên được đánh giá cao - Ảnh 2.

3. Nỗ lực làm quen với đồng nghiệp

Phát triển mối quan hệ với đồng nghiệp là điều rất quan trọng trong mọi môi trường làm việc. Bạn sẽ có những đồng minh sẵn sàng lắng nghe bạn, tìm kiếm ý tưởng và sẵn sàng hỗ trợ bạn trong các cuộc họp.

Nhưng thật không may, những người hướng nội lại thường có xu hướng bị xem là người không thân thiện vì họ không thích tham gia vào các cuộc trò chuyện và chỉ thích làm việc độc lập một mình. Thế nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, thực ra những người hướng nội vẫn thích dành thời gian cho người khác nhưng là theo cách của họ chứ không hẳn phải là "túm năm tụm bảy" mỗi ngày để bàn chuyện phiếm. Tất nhiên việc thể hiện theo cách riêng đó không có nghĩa những người hướng nội là những kẻ lạnh lùng, không thân thiện.

Vì vậy, trong khi một người hướng ngoại có thể tỏa sáng vào những lúc công ty đi dã ngoại, tiệc tùng hay các dịp quy tụ nhiều người thì người hướng nội lại thích hợp hơn trong vấn đề tạo dựng các mối quan hệ cá nhân.

Một lời khuyên đưa ra dành cho những người hướng nội đó là bạn có thể hẹn đồng nghiệp đi ăn hoặc uống cà phê... nhưng nên nhớ rằng bạn có thể xây dựng các mối quan hệ riêng lẻ với từng người chứ không cần thiết là thiết lập theo từng nhóm.

4. Bước ra khỏi vùng an toàn

Người hướng nội có xu hướng tránh trở thành trung tâm của sự chú ý, vì vậy nên tất yếu việc né tránh trình bày quan điểm trước công chúng hoặc các tình huống tương tự là điều khó tránh khỏi.

Thế nhưng thực tế cho thấy rằng, bất cứ điều gì bản thân bạn chống đối nhiều nhất thì là những thứ bạn nhất định phải làm. Nếu bạn muốn tiến bộ hơn trong sự nghiệp, bạn cần phải thuyết trình, phải nói chuyện với sếp và phải giải thích lý do tại sao bạn xứng đáng được thăng chức... Tất cả phải được trình bày một cách chuyên nghiệp, logic và tự tin chứ không phải là ấp a ấp úng một cách ngượng ngùng.

Với những người hướng nội thì điều này nghe có vẻ đáng sợ, và cũng không dễ gì có thể thực hiện được. Một lời khuyên nho nhỏ đưa ra là bạn có thể bắt đầu bằng những bài thuyết trình trước lớp, trước câu lạc bộ hoặc đơn giản là tự tin trình bày quan điểm của bản thân trước nhóm bạn của mình. Sau đó hãy thử mở rộng phạm vi đám đông lên dần để tránh cho bản thân cảm thấy sợ hãi và áp lực.

Bạn có thể không bao giờ cảm thấy thoải mái 100% khi thuyết trình hoặc phát biểu tại một hội nghị nhưng việc thực hành từ ngày này qua ngày khác sẽ giúp quá trình này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, rồi dần dần bạn sẽ nhận ra bản thân mình thực chất không sợ đám đông như bạn vẫn nghĩ.

Hướng ngoại sôi nổi, hướng nội bình tĩnh: Sống nội tâm chưa chắc đã là điểm trừ, nhân viên khác biệt nên được đánh giá cao - Ảnh 3.

Đối với người hướng nội, bước ra thế giới đầy đám đông chính là một thách thức không hề nhỏ đối với mình, thế nhưng bạn không thể cứ mãi lảng tránh thế giới ngoài kia và khép mình trong thế giới của riêng bạn được. Hãy tự tin vì mình là một mảnh ghép khác biệt trong xã hội đầy những mảng màu khác nhau, tự tin vào kỹ năng, kiến thức của mình sẽ là một bước đệm tốt nhất giúp bạn vươn ra xa hơn trong sự nghiệp của bản thân.

Bảo Trân

Cùng chuyên mục
XEM