Hướng dẫn viên du lịch đổi nghề dạy tiếng Trung ngay khi Covid ập tới: "1 tỷ đồng có thể tiêu hết nhưng ngoại ngữ là vốn dùng cả đời không hết!"

20/11/2021 08:29 AM | Kinh doanh

Nhớ cú chuyển mình nhanh nhạy khi Covid vừa tới, anh Hoàng không những không thất nghiệp mà còn tạo ra bước ngoặt mới trong sự nghiệp.

Anh Hoàng China có hơn 10 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Theo học Đại Học Ngoại Ngữ rồi nhận bằng thạc sĩ IMBA của Trung Quốc, có chứng chỉ HSK6 - mức cao nhất dành cho người học tiếng Trung, anh sử dụng thành thạo Tiếng Trung không thua kém người bản ngữ.

Nhờ giỏi ngoại ngữ, anh Hoàng làm rất nhiều việc cùng một lúc, từ biên dịch, phiên dịch đến dịch phim, MC song ngữ. Tình cờ trong một lần làm phiên dịch cho đoàn công tác, vì đoàn thiếu hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Trung nên anh kiêm nhiệm luôn.

"Sau đó tự thấy năng khiếu của bản thân phù hợp với nghề, công ty du lịch cũng thấy mình có khiếu ăn nói, có kiến thức, lại biết cách làm cho mọi người vui vẻ nên cứ thế mà bén duyên dần dần", anh Hoàng kể.

Khi Covid-19 chưa xuất hiện, lịch trình của anh Hoàng gần như kín không có ngày nghỉ. Anh thường làm phiên dịch và dẫn tour từ thứ Tư đến Chủ Nhật, những ngày còn lại ở nhà dạy thêm tiếng Trung.

"Mỗi tháng tôi đi 4-6 chuyến. Đặc biệt từ năm 2017, những tour đi Trung Quốc phát triển mạnh vì giá khá rẻ, phù hợp với kinh tế của nhiều người Việt Nam. Nói chung gần như không có ngày nghỉ, một tháng 30 ngày thì 21-24 ngày dẫn tour. Dạy tiếng Trung chỉ là việc phụ, nghề tay trái thôi.

Nói chung khá bận nhưng mình còn trẻ, lại đam mê nên đi không biết mệt. Ngoài ra là vì kinh tế nữa, ai cũng muốn kiếm nhiều tiền mà, thấy có tiền thì cứ làm thôi, càng làm càng ham", anh Hoàng kể.

Với việc dẫn tour, thù lao trung bình anh Hoàng nhận được khoảng 500.000 đồng/ngày, ước tính khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thu nhập của những hướng dẫn viên như anh còn đến từ các khoản típ – vốn là văn hoá trong ngành.

Công việc thuận lợi, thu nhập ổn định, anh Hoàng góp vốn cùng một số anh em mở nhà hàng với 2 cơ sở tại Hà Nội, chủ yếu phục vụ khách du lịch theo đoàn.

Nhưng như bao đồng nghiệp trong ngành du lịch, công việc và cuộc sống của người đàn ông này cũng bị xáo trộn và ảnh hưởng vì Covid-19.

Cú chuyển mình "đi trước thời đại"

* Nhớ lại hồi cuối năm 2019, Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc. Đến sau Tết Nguyên đán, tại Việt Nam xuất hiện ca Covid-19 đầu tiên. Thời điểm đó, anh đón nhận thông tin này với tâm trạng thế nào?

Trước Tết Nguyên đán, hầu hết người Việt chưa biết thông tin và vẫn rất bình thản. Nhưng do tôi biết tiếng Trung và thường xuyên đọc báo nước bạn nên đã thấy họ đưa tin ầm ầm về con virus này rồi. Không phải một người mà rất nhiều bạn bè của tôi ở Trung Quốc đều bàn luận, rồi hàng nghìn ca nhiễm xuất hiện nên tôi đã sớm nhận ra sự nghiêm trọng của nó.

Tôi đoán rằng tình trạng này chắc còn tiếp diễn một thời gian dài, nên cứ tạm thời làm việc khác. Tôi chuyển sang dạy tiếng Trung toàn thời gian. Do đó mà ra Tết, khi mọi người bắt đầu hoảng loạn, các công ty bắt đầu cắt giảm nhân sự thì tôi đã hoàn thành 1 tháng thử việc tại trung tâm và ký hợp đồng dạy chính thức.

Nhiều đồng nghiệp của tôi lúc đó khá hoang mang vì sau Tết thường sẽ có các tour du xuân, họ không biết còn đi tour được không. Nhưng đương nhiên, hầu hết đều bị huỷ.

Hướng dẫn viên du lịch thành thầy giáo tiếng Trung của hàng trăm học sinh: 1 tỷ đồng có thể tiêu hết nhưng ngoại ngữ là vốn dùng cả đời không hết! - Ảnh 2.

* Vậy hiện tại công việc của anh như thế nào khi không còn là hướng dẫn viên du lịch?

Tôi dạy online từ thứ Hai đến thứ Sáu. Hiện tại tôi đang phụ trách dạy vài trăm em, học sinh nhỏ nhất mới chỉ 3 tuổi. Tôi xác định chỉ dạy 1:1, dạy học sinh nào là học sinh đó phải giỏi, chủ yếu hướng các em đến sự tự tin, nghe nói, thuyết trình và phản xạ hỏi đáp. Bên cạnh đó cũng cần sự đồng hành của cha mẹ. Một lộ trình thường kéo dài 1 năm nhưng chỉ sau 3-6 tuần là các bạn đã thuyết trình được rồi.

Còn Thứ Bảy và Chủ nhật, tôi nghỉ ngơi hoặc làm thêm các công việc phụ như biên dịch, phiên dịch, dịch phim. Thù lao của những việc này vào cuối tuần cao hơn nhiều so với ngày thường, mà tôi lại không phải lên văn phòng, chủ động về thời gian.

Vì cuộc sống mà, mình có cơ hội, có năng lực thì cứ làm. Bây giờ nhiều người muốn vất vả kiếm tiền mà còn không tìm được việc thì tại sao bản thân có cơ hội lại không làm. Vả lại, so với thời làm hướng dẫn viên du lịch thì bây giờ tôi vẫn được nghỉ ngơi nhiều hơn, cuộc sống cân bằng hơn. Trước kia tôi đi làm cả cuối tuần, khá mệt mỏi, đa phần về đến nhà cũng chỉ nghỉ một chút rồi ngủ thôi, nhiều lúc còn thiếu ngủ. Lúc đó muốn cân bằng nhưng không kịp, ham công việc quá.

* Thu nhập từ các công việc hiện tại của anh so với thời chưa Covid thì sao?

Thực ra cũng tương đương trước kia thôi. Dù hiện tại rất yêu thích việc dạy nhưng tôi vẫn đam mê làm hướng dẫn viên du lịch hơn, vẫn thích sự phóng khoáng, tìm hiểu văn hoá mới, địa phương mới để trải nghiệm.

Hướng dẫn viên chật vật: Bán hàng online, làm shipper

* Các đồng nghiệp của anh thì sao, họ làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Trong số những anh em đồng nghiệp tôi biết, chỉ có khoảng 30% đã chuyển đổi ổn định sang công việc khác, 70% vẫn đang vẫn đang chật vật, tạm thời bán hàng online, làm shipper hoặc bất động sản. Thực sự chật vật chứ không phải khó khăn bình thường.

Họ muốn bám trụ để chờ đợi ngày trở lại nhưng chờ mấy tháng hoặc một năm thì được, chứ sao chờ được 2 - 3 năm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng không dễ gì cho các hướng dẫn viên, bởi mọi người thường chỉ có bằng cao đẳng du lịch, đại học chuyên ngành du lịch. Bây giờ chuyển sang ngành dịch vụ khác liên quan như nhà hàng, khách sạn,… cũng đều khó khăn như vậy.

Hướng dẫn viên du lịch thành thầy giáo tiếng Trung của hàng trăm học sinh: 1 tỷ đồng có thể tiêu hết nhưng ngoại ngữ là vốn dùng cả đời không hết! - Ảnh 3.

* Hầu hết hướng dẫn viên làm việc cho công ty du lịch dưới hình thức cộng tác viên thay vì nhân viên chính thức. Vậy các anh có nhận được hỗ trợ gì không?

Nếu là nhân viên chính thức thì chúng tôi cũng sẽ được công ty đóng bảo hiểm cũng như hưởng nhiều chế độ khác. Nhưng dịch thế này, lại là cộng tác viên nên chúng tôi không có gì cả. Bảo hiểm cũng là mình tự đóng, như tôi thì tôi mua bảo hiểm nhân thọ.

Các doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Tính trung bình cứ 10 công ty thì phải đến 8 công ty dừng hẳn hoặc chuyển sang một hướng khác. Nhiều chủ doanh nghiệp không còn hào hứng với ngành du lịch nữa, bởi vì biết đâu hết đợt dịch này lại có đợt dịch khác.

* Vậy nếu được đề xuất với cơ quan nhà nước để hỗ trợ cho lao động trong ngành du lịch, anh muốn đề xuất gì?

Tôi nghĩ ai cũng muốn có một nơi làm việc, một chế độ xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Ngành du lịch đóng góp cho đất nước rất nhiều nhưng khi dịch bệnh, mọi người không được hỗ trợ kịp thời và xứng đáng. Chính phủ cũng có gói hỗ trợ nhưng rất khó khăn để tiếp cận.

Như tôi gần đây mới được nhận hỗ trợ, đó là gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho hướng dẫn viên, mỗi người được hơn 3 triệu đồng. Nhưng điều kiện, thủ tục khá lằng nhằng, yêu cầu có hợp đồng, bảo hiểm nhưng mọi người đa phần làm cộng tác viên nên không có.

Ví dụ, có yêu cầu thẻ hướng dẫn viên phải còn thời hạn nhưng vì dịch bệnh kéo dài, thẻ của họ hết hạn, chưa làm mới được. Rồi các công ty phá sản thì cũng đâu còn hợp đồng lao động cho mình nữa. Do đó nói là hỗ trợ nhưng không phải ai cũng nhận được.

Đối với tôi, tôi nghĩ nên có một chế độ dành cho các hướng dẫn viên khi gặp trường hợp bất khả kháng như thế này. Có thể giúp chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ công việc khác, hoặc thật nhanh chóng hỗ trợ cho những người gặp khó khăn ngay lập tức.

"Đừng nghĩ làm hướng dẫn viên thì không cần học nhiều"

* Trước kia chúng ta đều nghĩ ngành du lịch chỉ có đi lên, ngày một phát triển. Nhưng có lẽ sau cuộc khủng hoảng này, nhiều người sẽ nghĩ khác đi!

Ai cũng nghĩ như vậy nhưng tôi lại suy nghĩ khác một chút. Trong cuộc đời không ai nói trước được điều gì, rồi cũng phải có lúc này lúc kia, luôn phải có phương án dự phòng cho bản thân.

Vì thế mà trước kia, tôi đã xác định rằng mình phải có một vốn kiến thức thật, đặc biệt là ngoại ngữ, để sau này nếu xảy ra biến cố gì thì còn có "vốn" mà dùng. Tôi luôn quan niệm rằng ngoại ngữ là vốn cả đời dùng không hết và mang lại cho mình nhiều cơ hội. Chưa biết là mức lương có cao hơn không, thu nhập sẽ như thế nào nhưng chắc chắn cơ hội sẽ nhiều hơn người không biết ngoại ngữ.

Sau đợt dịch này, tôi nghĩ mọi người ai cũng rút ra được một bài học. Và có lẽ nhiều người sẽ có định hướng giống tôi, rằng làm gì thì làm cũng phải có năng lực thực tế và có phương án dự phòng.

Hướng dẫn viên du lịch thành thầy giáo tiếng Trung của hàng trăm học sinh: 1 tỷ đồng có thể tiêu hết nhưng ngoại ngữ là vốn dùng cả đời không hết! - Ảnh 4.

Đương nhiên làm 2-3 công việc cùng lúc thì không hề nhàn, chẳng có việc gì kiếm ra tiền mà không vất vả. Đi làm hướng dẫn viên rất mệt nhưng mình thấy vui vì đó là đam mê. Bây giờ làm giáo viên cũng là đam mê rồi. Phải tự tìm được niềm vui trong những công việc của mình.

Thêm nữa, luôn luôn phải chủ động trong mọi việc. Mình mà bị động thì trước hết thu nhập của mình sẽ thấp hơn. Chủ động để nhanh nhạy ứng biến trong bối cảnh xã hội luôn luôn thay đổi, đặc biệt là lúc mà cuộc sống đang rất bất ổn, biến động như hiện giờ.

Thỉnh thoảng có người nói sao tôi may mắn vậy nhưng tôi nghĩ may mắn là kết quả của sự chủ động và chuẩn bị dài hơi. Trước đó, khi mọi người đã đi kiếm nhiều tiền rồi thì tôi vẫn mài đũng quần trên giảng đường.

* Dịch Covid-19 khiến du lịch trở nên dễ tổn thương hơn bất cứ ngành nào. Anh có nghĩ điều này sẽ khiến nhân lực ngành du lịch ngần ngại quay trở lại với nghề?

Đúng vậy. Đến bây giờ mọi người cũng mất niềm tin chút ít rồi, vì nghĩ rằng nếu không còn Covid thì chắc lại có một con nào khác. Những người đang cố bám trụ thì cũng chỉ được 6 tháng đến 1 năm chứ sao chờ được 2-3 năm, họ còn phải lo chi phí sinh hoạt, gia đình, vợ con.

Tôi rất yêu nghề và cuồng chân lắm rồi nhưng nếu tình trạng này cứ kéo dài 2 năm nữa thì chắc tôi cũng ổn định với nghề dạy luôn.

Còn các bạn sinh viên – nguồn nhân lực tương lai, nên trau dồi kiến thức một cách thực chất. Đừng nghĩ làm hướng dẫn viên thì chỉ cần làm thực tế, không cần học nhiều. Đặc biệt, mỗi bạn đều nên chuẩn bị cho mình một ngoại ngữ, bất kể tiếng gì cũng được, không nhất thiết phải tiếng Anh hay tiếng Trung. 1 tỷ đồng có thể tiêu hết nhưng ngoại ngữ là vốn liếng dùng cả đời không hết.

Hướng dẫn viên du lịch thành thầy giáo tiếng Trung của hàng trăm học sinh: 1 tỷ đồng có thể tiêu hết nhưng ngoại ngữ là vốn dùng cả đời không hết! - Ảnh 5.

* Anh có dự định quay lại với nghề hướng dẫn viên không? Hay sẽ tập trung phát triển việc dạy học?

Đương nhiên rồi, nhưng tôi sẽ cân bằng hơn, có thể nhận ít tour hơn. Bên cạnh đó, tôi vẫn sẽ dạy tiếng Trung. Tôi muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn khi chạm ngưỡng 40-50, nên bây giờ phải chăm chỉ cày cuốc. Nếu hiện tại mình ham chơi thì 10-20 năm sau sẽ vất vả. Lúc ấy sức khoẻ không còn, thời gian không còn, cơ hội cũng không đến với mình nhiều như trước kia.

Hiện tại, tôi đang xây dựng cộng đồng tiếng Trung có tên Super Chinese 4.0 nơi các con, các bạn nhỏ đam mê tiếng Trung giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm chinh phục môn tiếng Trung - ngôn ngữ khó nhất thế giới. Với lộ trình phù hợp với thời kì dịch bệnh như này, bố mẹ ở nhà đồng hành cùng con, vừa năng cao kiến thức ngoại ngữ, vừa an toàn mùa dịch, lại còn có thể tăng thêm tình cảm gia đình.

Covid thực sự là bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi, nhưng tôi tin định hướng của mình là hoàn toàn đúng đắn.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ! Chúc anh sớm đạt được những dự định sắp tới!


Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM