Sẽ là thừa khi kể lại "bảng vàng" thành tích Thể dục dụng cụ (viết tắt: TDDC) của Phạm Phước Hưng với 2 lần giành vé dự Olympic 2012 và 2016, 2 HCV Cúp Thế giới, 7 HCV SEA Games, là tác giả của 2 động tác được Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) đưa vào hệ thống kỹ thuật thi đấu.
Tuy nhiên, đằng sau mỗi một anh hùng giành vinh quang về cho Tổ quốc, sẽ có rất nhiều mồ hôi, máu và nước mắt lặng lẽ rơi. Có những phút nản lòng, nhụt chí, có những khoảnh khắc đau quằn quại, chỉ có thể nằm trên giường… Kiên trì hay bước tiếp, đáp án chưa bao giờ là dễ dàng.
Được tuyển chọn sang Trung Quốc tập huấn từ năm lớp 1, khó khăn lớn nhất mà anh phải vượt qua trong suốt thời gian đó là gì?
Khó khăn lớn nhất tại thời điểm đó chính là tôi phải xa gia đình khi còn quá nhỏ. Cũng may lúc đó tôi mới 6 tuổi, chưa biết nhớ nhà là thế nào, thậm chí còn có chút háo hức, hiếu kỳ lạ lùng. Phải tới năm thứ hai thì tôi mới bắt đầu thấy nỗi nhớ người thân lớn dần lên. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết vùi mình tập luyện và học hành.
Thời gian tập luyện đã chiếm khoảng 80-90% của một ngày, bắt đầu từ 5h30 hoặc 6h sáng, rồi kết thúc lúc 6 hoặc 7 giờ tối. Sau đó tôi lại học văn hóa vào buổi tối. Đại đa số thời gian của một ngày đều dùng cho hai việc này, đôi lúc rảnh rỗi thì bạn bè rủ đi chơi. Do đó, không còn quá nhiều thời gian để suy nghĩ mông lung.
Những năm 1996-1997, khi mà tôi mới qua Trung Quốc, công nghệ thông tin còn chưa phát triển, chưa có Internet nên liên hệ về nhà cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi thường phải đi mấy cây số đến bưu điện để gọi điện. Bố mẹ ở quê cũng làm gì có máy bàn, muốn nghe điện thoại phải sang hỏi nhờ hàng xóm. Chi phí gọi từ nước ngoài về Việt Nam cũng vô cùng đắt đỏ, mười mấy nghìn/phút. Do đó, khoảng nửa năm tôi mới có thể gọi về nhà một lần.
Gia đình anh mất bao lâu để quyết định cho con nhỏ xa như thế?
Lúc ban đầu, khi được đề nghị cho con sang Trung Quốc tập huấn, bố mẹ tôi đã phân vân rất nhiều, thậm chí không muốn cho tôi đi. Các bác lãnh đạo đã phải đến tận nhà để nói chuyện và thuyết phục nhiều lần, trong đó có cả bác Hoàng Vĩnh Giang (Phó chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam – PV).
Tôi nhớ sâu sắc câu nói này của bác: "Để nuôi dạy được một người trưởng thành, tốt nghiệp đại học, bà bán rau cũng có thể làm được. Nhưng để đào tạo ra một VĐV đi thi quốc tế, đạt thành tích tại Sea Games, Asiad thì không mấy ai làm được cả. Nếu cháu nhà mình đã có năng khiếu như vậy, gia đình nên hỗ trợ cháu đi."
Quá trình chuẩn bị dài ngày trước khi có thể thi đấu chuyên nghiệp ấy có từng khiến anh nản lòng?
Trong khi các môn khác chỉ cần tập vài năm là có thể ra thi đấu chuyên nghiệp, nhưng đến ngày được thi đấu phải mất 8-10 năm, đặc biệt phải rèn luyện liên tục từ rất nhỏ. Chính vì thế, TDDC được xem là môn thể thao "khó nhằn" hàng đầu.
Thời gian dài như vậy, tất nhiên ai cũng có lúc nản thôi. Đặc biệt là khi trẻ con, tập mệt quá thì đôi khi sẽ không muốn theo nữa. Nhưng đó chỉ là những cảm giác nhất thời, thoáng qua một chút mà thôi. Đến khi được quay lại tập luyện, tôi lại quên ngay ấy mà. (cười)
Đồng hành với tôi vượt qua chặng đường này chính là những anh em trong đội TDDC. Một đội ban đầu có 5 người, sau đó 3 người lần lượt không trụ lại được. Cuối cùng, lứa tuyển chọn khi đó chỉ còn duy nhất tôi và anh Nguyễn Hà Thanh. Một thời gian sau, lại có những anh em mới được bù vào nhưng không thể tránh khỏi cảm giác "thèm" được như các bạn ở Việt Nam, được đồng hành cùng người thân, gia đình. Nhìn thấy chữ Trung Quốc ngoài đường nhiều quá mà tự dưng thấy ai viết hay nói tiếng Việt là mình hứng khởi lắm.
Dù xa nhà như vậy, nhưng chúng tôi được nhận môi trường tập luyện và điều kiện ăn ở tốt. Giai đoạn ở Trung Quốc, không ngoa khi nói là "ăn thùng uống vại" đâu vì thực sự mọi người bên đó ăn nhiều lắm. Tuy đến giờ sức ăn của mình vẫn không thể bằng người địa phương nhưng số lượng đã nhiều hơn thời ở nhà rất nhiều. May mắn là đồ ăn cũng hợp khẩu vị, ăn quen rồi còn thấy "nhớ".
Nhờ vậy, chỉ sau 1-2 năm đầu tiên, thể chất của tôi đã khá lên trông thấy. Từ một đứa trẻ gầy gò, lộ rõ cả xương sườn, tôi đã bắt đầu phát triển cơ bắp khá nhiều, thậm chí còn có "múi" nhé. (cười)
Trải qua 10 năm tập luyện ở Trung Quốc mới tới ngày thi đấu đầu tiên và liên tiếp được HCV, biến cố bất ngờ ập đến. Anh phát hiện bị lao xương, có nguy cơ giã từ thể thao. Lúc đó, cảm giác của anh thế nào?
Đó là cú sốc đầu đời của tôi. Thời điểm phát hiện căn bệnh, tôi mới 18 tuổi, vừa giành HCV Sea Games 2006. Đang hừng hực khí thế chuẩn bị Asiad thì tự dưng lại thấy đau lưng, phải giảm cường độ tập luyện trong suốt nửa năm.
Đến khi tham dự giải đại hội toàn quốc thì cơn đau mới "ghì" mình xuống. Tôi chỉ có thể giành được HCV môn xà kép, còn đến môn xà đơn thì đau quá, không chịu được nữa và đành bỏ cuộc.
Cuộc sống cũng chịu ảnh hưởng nhiều không kém. Tôi chỉ có thể nằm ở nhà mấy ngày vì đau, thậm chí còn không thể nằm thẳng, lúc nào cũng trong trạng thái cong lưng, co quắp.
Vừa thi đấu xong, mọi người đã kéo đi kiểm tra thì nhận được thông báo của bác sĩ rằng: Tôi đã bị ăn mòn tận 2 đốt sống do vi khuẩn lao. Đứng trước nguy cơ tàn phế suốt đời, khả năng hồi phục rất thấp, tôi không được phép tập thể thao nữa.
Giai đoạn đó là khi tôi đã đi Trung Quốc được 11 năm, đã quá quen thuộc với việc tập luyện và thi đấu. Tự dưng bị yêu cầu "nghỉ hưu sớm", mọi thứ không khác gì một cơn ác mộng. Tôi đã phải mất một thời gian để tin đó là sự thật và chấp nhận điều sẽ xảy đến.
Thời điểm khó khăn đó, có bao giờ anh nghĩ, mình sẽ từ bỏ môn TDDC hay không?
Có những thời điểm thế này, khi cơ thể tập trung đến một trạng thái nhất định, tôi hoàn toàn có thể kiên trì vượt qua cơn đau. Chính điều này đã trở thành khoảnh khắc mang tính quyết định, giúp tôi thêm tự tin để tiếp tục trên con đường TDDC.
Bởi vì ở thời điểm đau đớn nhất, khó khăn nhất, tôi vẫn thi đấu được và thậm chí giành huy chương. Như vậy, khi đã điều trị khỏi, chẳng có lý do gì để không lấy lại phong độ như trước.
Quá trình điều trị và phục hồi sau đó diễn ra như thế nào?
Thời điểm đó, tôi không biết phải làm gì cả. Bác sĩ bảo chỉ nên tĩnh dưỡng ở nhà, bớt vận động vì một chấn động nhẹ từ việc đi lại, ngồi xe máy qua đoạn sóc, ho một cái… cũng có thể khiến mình đau đớn.
Dành 10 năm thanh xuân cho việc tập luyện bên Trung Quốc, khi về Việt Nam, tôi gần như bơ vơ không có bạn bè nào nên cũng chỉ ở nhà suốt.
May mắn là Internet đã phát triển, trong nhà cũng có máy tính, tôi bắt đầu lên mạng tìm đọc các thông tin, xem clip vận động viên trong và ngoài nước thi đấu. Càng xem nhiều thì mình càng có tư duy tập luyện và thi đấu tốt hơn.
Người ta thường nói: "Biết địch biết ta thì trăm trận trăm thắng". Tôi cứ quan sát và học hỏi dần thì nắm được rất nhiều đặc điểm của đối thủ. Nghiên cứu càng sâu thì càng nắm được các thông số, kỹ năng của đối thủ.
Khoảng thời gian này cũng thực sự là bước ngoặt về mặt tâm lý đối với tôi. Trước đây, tôi chỉ tập theo kiểu "chống chế", thầy bảo gì thì tập nấy chứ không hẳn là mong muốn cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm bị bệnh, bó chân bó tay không được làm gì, tôi mới thực sự khao khát được quay trở lại với TDDC.
Dù bác sĩ bảo không được đi lại nhưng tôi vẫn hay chạy lên Cung thể thao Quần Ngựa để xem các em tập luyện. Xem cho đỡ nhớ thôi, chứ ở nhà mãi cũng chẳng biết làm gì, cảm giác cứ như người vô dụng (cười).
Sau 6 tháng, thấy cơ thể hết đau đớn, kết quả X-quang cũng cho thấy sự tiến triển tốt nên tôi bắt đầu tìm cách tập lại. Nghỉ lâu quá nên cơ thể cứng hơn, thể lực lại đi xuống nên tôi còn gặp nhiều khó khăn.
Thêm khoảng 4-5 tháng sau, không phải uống thuốc kháng sinh nữa thì tôi mới có thể tập nặng hơn.
Một thời gian ngắn sau đó, tôi được tuyển chọn toàn quốc để thi Sea Games, may mắn tiếp tục giành được HCV. Đây chính là lời khẳng định ý nghĩa nhất cho sự kiên trì mình đã bỏ ra.
Sau đó, anh tiếp tục bị lao phổi và điều trị thêm 1 năm, lần này tâm lý của anh có gì khác?
Khác lắm chứ. Lần bạo bệnh thứ 2 vào năm 2013, tôi đã 25 tuổi. Ở độ tuổi này, rất nhiều VĐV TDDC đã nghỉ thi đấu rồi. Điều đó thực sự khiến tôi phân vân, không biết mình có nên kiên trì nữa hay không. Đến cuối cùng, tôi vẫn quyết định đi tiếp trên con đường thể thao vì thực hiện ước mơ được tái hẹn với Olympic Rio 2016.
So với lao cột sống ảnh hưởng trực tiếp tới lưng, phải tuyệt đối hạn chế vận động thì lao phổi "dễ chịu" hơn một chút. Tôi chỉ bị ho nhiều, khi được dùng thuốc thì dần dần đỡ hơn. Tôi vẫn tập luyện và đi thi ngay trong quá trình điều trị. Mỗi lần đi thi lại mang theo cả đống thuốc kháng sinh, cứ từ từ mà dùng là được. (cười)
Tâm lý lần này của tôi đã vững hơn trước phần nào. Căn bệnh lao cột sống đau đớn, khó nhằn như thế còn có thể vượt qua, lần này mình càng có thêm tự tin vào bản thân. May mắn là tại Cúp thế giới lần đó, tôi đã giành HCB.
Qua lần đổ bệnh này, tôi bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe, chú ý hơn tới chế độ ăn uống. Khi trẻ khỏe, chúng ta dễ chủ quan, ăn uống "thả phanh" miễn sao ngon và vui là được. Tuy vậy, khi cơ thể xuất hiện vấn đề, mình không thể bỏ qua được nữa.
Ngoài 2 lần bạo bệnh kể trên, anh còn gặp những chấn thương nào khác trong sự nghiệp thi đấu?
Có đủ loại, cả chấn thương mãn tính lẫn cấp tính. Quá trình tập luyện thì làm sao thiếu những lần trật khớp tay, trật khớp vai, lưng, giãn dây chằng… Mỗi chấn thương có thể mất vài tuần, vài tháng để hồi phục. Còn nếu lỡ gặp phải chấn thương mãn tính thì cứ xác định là sống chung cả đời. "Trộm vía" là tôi không gặp phải những chất thương cần phải phẫu thuật cả.
Đối với những VĐV TDDC, nếu phải đụng tới dao mổ thì có thể coi là "chấm hết". Hầu như khả năng quay trở lại thi đấu rất rất thấp. Chỉ có những ai ý chí lớn lắm mới có thể tạo nên điều kỳ diệu mà thôi.
Được gọi là "hot boy TDDC", anh nghĩ sao về biệt danh này?
Trước kia tôi còn dám nhận danh "hot boy", chứ giờ thì thôi (cười).
Nhưng đương nhiên ngoại hình là một lợi thế rồi. TDDC là một môn chấm điểm, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng bởi cảm tính. Ai có ngoại hình đem lại thiện cảm, có phong cách thi đấu thu hút thì sẽ có cơ hội đạt điểm tốt hơn.
Ngoài thời gian luyện tập, cuộc sống cá nhân của anh ra sao?
Hồi đó, tôi chỉ rảnh rỗi vào buổi tối thôi. Nhưng tâm trí lúc nào cũng dồn vào TDDC nên dù được nghỉ ngơi, tôi vẫn dùng thời gian đó để xem video thi đấu của các VĐV khác, cập nhật tình hình trên thế giới. Gần như dành 100% thời gian cho thể thao, chỉ cắm đầu vào tập thôi chứ chẳng muốn làm gì cả.
Trong quá trình đi thi đấu ở nhiều nơi, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng phong trào rèn luyện thể thao trong cộng đồng. Từ đó, tôi quyết định tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn để góp phần lan tỏa hình ảnh.
Từ năm 2016 trở đi, tôi mới bắt đầu dành thời gian cho việc xây dựng những mối quan hệ và suy nghĩ kế hoạch tương lai sau này.
Sau khi kết hôn, anh sắp xếp thời gian cho gia đình nhỏ thế nào?
Trước đây hầu như không có thời gian dành cho gia đình. Toàn bộ thời gian ở nhà trong một năm chắc chỉ khoảng 15 - 30 ngày là cùng, đó là khi tập ở Việt Nam. Còn nếu tập ở Trung Quốc thì khó mà về nhà.
Do đó, ở thời điểm hiện tại, tôi đã quyết định giải nghệ và không làm huấn luyện viên để có thể bù đắp thêm thời gian ở bên gia đình, con cái. Tất nhiên là đam mê vẫn còn, nhưng 26 năm thanh xuân đã dành trọn cho thể thao thì giờ là lúc tôi cần phải suy nghĩ nhiều hơn cho gia đình. Nếu cứ tiếp tục làm huấn luyện viên, chăm lo cho VĐV từ sáng tới tối, từng quá trình tập luyện rồi sinh hoạt thì con cái của mình sẽ rất thiệt thòi.
Ngay cả vấn đề kinh tế cũng là một yếu tố. Ngày xưa tiền thưởng thi đấu của tôi ít lắm, giải toàn quốc cũng chỉ nhận được khoảng 1 - 1,5 triệu đồng, có những giải tham dự mà không được gì. Thu nhập được khoảng 70.000 VNĐ/ngày, một tháng có 2 triệu VNĐ chỉ dùng cho giải trí và tiêu pha. Bây giờ mức lương tăng lên đến khoảng 6-7 triệu VNĐ, chỉ lo cho bản thân thôi thì vẫn đủ. Nhưng khi có gia đình thì nó lại là chuyện khác (cười).
Chính từ những lý do này, tôi quyết định chuyển hướng sự nghiệp sang kinh doanh. Học thêm về dinh dưỡng, về cách quản lý, kinh nghiệm kinh doanh, tôi bắt đầu mở CLB riêng. Nhưng dù làm gì đi nữa, quan trọng là phải có mục tiêu.
Mục tiêu hiện tại của anh là gì?
Hy vọng trong tương lai tôi sẽ đạt được tự do tài chính, sau đó là tự do thời gian. Một khi có tự do thì mình mới được làm những điều mình thích. Có niềm yêu thích thì sẽ đạt được hiệu quả cao.Đặc biệt, khi tài chính đủ điều kiện, tôi muốn quay lại với đam mê, hết lòng cống hiến cho thể thao mà không cần phải lo lắng nhiều điều.
Điều cuối cùng, xin được hỏi bí quyết để giữ lửa đam mê dành cho thể thao của riêng anh là gì?
Để không ngừng đam mê và tiến tới trên mỗi con đường, điều quan trọng đó là mong muốn được trở thành số 1. Muốn làm được như vậy, trước hết, bạn phải có một tinh thần đầy nghị lực. Không trải qua quá trình tôi luyện, quặng sắt làm sao có thể thành thép. Không bền gan vững chí, tôi khó có thể trở thành VĐV với những thành tựu ngày hôm nay.
Nói thì đơn giản, nhưng quá trình này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng. Trong quá trình tập luyện, hãy tự xác định lợi thế để phát triển, xác định điểm yếu để khắc phục. Đồng thời dành thời gian quan sát và học hỏi từ những tấm gương VĐV giỏi hơn thông qua phương pháp trực tiếp, hoặc gián tiếp qua các video trên mạng.
Gia đình cũng đóng vai trò không thể thiếu trên chặng đường này. Có người nhà ủng hộ, tự hào và vui mừng cho mỗi thành tựu sẽ giúp ta tìm thấy những động lực lớn lao. Tôi hiểu rõ hơn về điều này sau những lần bạo bệnh, khi mà người thân đều khuyên nghỉ vì lo lắng cho sức khỏe. Nhưng điều quan trọng là, họ thấy được sự bền bỉ và khát khao trong lòng mình nên mới không can thiệp vào quyết định cuối cùng.
Với những người theo thể thao, muốn duy trì đam mê thì hãy nghiêm túc với nó. Nếu không chuẩn bị tốt để thành công thì đồng nghĩa với việc chuẩn bị cho sự thất bại. Không ngại khó, không ngại chông gai thì mới rèn được "bản lĩnh thép"!
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Hành trình vượt lên chính mình, không ngại khó, ngại chông gai để đạt đến thành công của 8 nhân vật, 8 câu chuyện khác nhau trong tuyến bài "Bền bỉ chất thép" sẽ tạo nên một bức tranh truyền cảm hứng về một ý chí thép không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, về một tinh thần "Tôi bền bỉ, nên chất thép".
Trí Thức Trẻ