Họp lớp sau 20 năm không phải nơi trường học mà trong bệnh viện: 5 người bạn thân nhìn nhau đau xót, cuộc đời thật quá tàn nhẫn!

13/11/2023 17:18 PM | Sống

Vừa mở cửa phòng bệnh, tôi và Hà bật khóc nức nở khi nhìn thấy Xuân. Người phụ nữ ngồi trên giường bệnh chẳng giống cô bạn của tôi chút nào dù đang nở nụ cười rất tươi.

Bài viết là câu chuyện tưởng nhớ đến người bạn đã mất của tôi - cô gái Thanh Xuân mạnh mẽ nhất trong cuộc đời này.

Nhóm chúng tôi có 5 người: An, Xuân, Phương, Hà và tôi.

Năm lớp 10, tôi thi đậu vào trường cấp 3 Ngọc Tảo. Đây là trường thuộc top đầu của huyện, học sinh các xã đều mong muốn được vào học.

Ngay từ buổi nhận lớp, tôi đã được gặp 4 cô gái còn lại. Trong đó, Xuân là người cùng xã với tôi, dù trước đây ở trường cấp 2 đã có gặp mặt nhưng chưa từng nói chuyện.

Tôi là người ít nói, sống hơi hướng nội. An nghịch ngợm, cá tính như đàn ông, thậm chí cách ăn mặc của nó cũng rất tomboy. Xuân đúng như cái tên Thanh Xuân của nó, lúc nào cũng tươi trẻ. Phương vô cùng chăm học, nó như con mọt sách vậy. Còn Hà thì ham ăn, thân hình như một con hà mã.

Họp lớp sau 20 năm không phải nơi trường học mà trong bệnh viện, 5 người bạn thân nhìn nhau đau xót, cuộc đời thật quá tàn nhẫn! - Ảnh 1.

Tình bạn là điều tuyệt vời thiêng liêng nhất trong cuộc đời của mỗi người

Chỉ cần qua vài buổi học đầu tiên, chúng tôi như 5 thỏi nam châm hút vào nhau. Mỗi ngày lên lớp, Phương sẽ là người kiểm tra tiến độ làm bài tập cho cả nhóm, khi ấy nó giống như cô giáo, một bà cụ non không hơn không kém. Phương sẽ mắng vào mặt chúng tôi nếu như phát hiện ra đứa nào lười học.

Bù lại, 4 đứa còn lại giống như 4 chú hề, lúc nào cũng chọc phá để Phương cười vui đúng tuổi học trò. Thậm chí, Xuân và An thỉnh thoảng còn kéo cả hội trốn học đi mót khoai ngoài ruộng, rồi nhóm lửa nướng khoai ăn khiến mặt mũi đứa nào cũng nhọ nhem.

Ngày đó thiếu thốn đủ thứ, chỉ có tình bạn là giàu có.

Thấm thoắt 3 năm cấp 3 qua đi, 4 năm đại học lại tới. Chúng tôi dù không được gặp nhau thường xuyên nhưng vẫn cố gắng giữ liên lạc. May mắn, cả 5 đứa đều học ở cùng thành phố, thỉnh thoảng vẫn rủ nhau đi cafe tâm sự chuyện đời.

Nhưng kể từ khi đi làm thì thời gian chúng tôi dành cho nhau ngày càng vơi dần đi. Tôi và An ở lại Hà Nội làm việc, Xuân lấy chồng mãi trong Sài Gòn, Phương thì đi du học rồi định cư ở bên Nhật. Còn Hà về quê kế thừa sự nghiệp của gia đình.

Ngày Xuân cưới, 5 chúng tôi ngủ lại ở nhà cô dâu để tâm sự cho thỏa thích.

Xuân bảo: "Phương cũng sắp bay rồi, từ giờ trở đi bọn mình chắc sẽ ít có cơ hội để gặp lại nhau nữa".

Phương tiếp lời: "Tao sẽ cố gắng kiếm tiền để năm nào cũng được về thăm mọi người".

Tôi ôm lấy tụi nó, nước mắt tự nhiên trào ra: "Nếu sau này mày bị chồng bắt nạt thì nhớ gọi bọn tao nhé Xuân, xa mấy bọn tao cũng sẽ đến bảo vệ mày. Chồng mày bây giờ cái An nó dẹp được ngay à".

Thế là 5 đứa cười ầm lên rồi nói chuyện không ngớt.

Về sau, những đứa còn lại trong nhóm cũng lần lượt lập gia đình. Có điều đêm chia tay độc thân cứ thế vơi dần các thành viên. Thậm chí khi tôi cưới thì chỉ có mỗi Hà đến dự.

Tôi không trách ai cả, bởi ai cũng có cuộc sống riêng. Chúng nó cũng cần phải chăm lo cho chồng, con, cho gia đình và sự nghiệp. Tôi chỉ hi vọng trong tim của mỗi người vẫn nhớ đến quãng thanh xuân cấp 3 tươi đẹp là được.

***

20 năm sau kể từ ngày ra trường, đã lâu lắm rồi chúng tôi không gặp nhau. Tôi chỉ biết tình hình các bạn qua Facebook khi mọi người cập nhật và thỉnh thoảng hỏi han nhau vài câu rồi thôi.

Bỗng nhiên đầu tháng 11 năm ngoái, Xuân gọi cho tôi, một cuộc gọi mà có lẽ tôi không bao giờ quên được.

Xuân nói mình đang bị bệnh nằm trong bệnh viện, nhờ tôi gọi cho tất cả các bạn vào thăm nó lần cuối coi như chúng ta cùng nhau họp lớp.

Ngay lập tức, tôi gọi cho An, Phương và Hà. May mắn, Phương cũng đã về nước nên chúng tôi nhanh chóng hẹn nhau 3 ngày sau sẽ vào viện thăm Xuân.

Vừa mở cửa phòng bệnh, tôi và Hà bật khóc nức nở khi nhìn thấy Xuân. Người phụ nữ ngồi trên giường bệnh chẳng giống cô bạn của tôi chút nào dù đang nở nụ cười rất tươi.

Xuân bị ung thư giai đoạn cuối, sau vài lần hóa trị nên tóc đã rụng đi gần hết. Cơ thể của nó gầy gò chỉ còn da bọc xương, gương mặt xanh xao hốc hác, đôi mắt trũng sâu thâm quầng và đôi môi khô tới nứt nẻ.

Họp lớp sau 20 năm không phải nơi trường học mà trong bệnh viện, 5 người bạn thân nhìn nhau đau xót, cuộc đời thật quá tàn nhẫn! - Ảnh 2.

Cuộc đời của Xuân là tháng ngày buồn bã, cô độc

Xuân kể mình đã li hôn được 3 năm rồi. Chồng của cô ấy là một gã trăng hoa, khi cả hai kết hôn được thời gian không lâu thì anh ta bắt đầu bồ bịch với hết người này đến người khác. Nhưng Xuân chỉ là người vợ nội trợ trong một gia đình hào môn nên nó không có tiếng nói. Thậm chí, mẹ chồng của nó còn yêu cầu phải giữ yên lặng để gìn giữ gia phong. Không có việc làm, lại không muốn bố mẹ ruột phải phiền lòng nên Xuân đành chấp nhận.

Cứ thế, nó giống như một người osin cao cấp trong nhà. Sáng đi chợ, nấu cơm, đưa con đi học. Tối về làm mẹ, làm người vợ ngoan hiền, chịu đựng.

Cuộc hôn nhân kéo dài cho tới khi Xuân phát hiện mình bị bệnh, chồng của nó không muốn phải chịu trách nhiệm chăm sóc nên đề nghị li dị. Lúc này cuộc sống đối với Xuân đã không còn quan trọng, con cái sẽ cho nhà chồng nuôi, nó nhận được khoản đền bù lên tới 10 tỷ đồng, coi như là cái giá trả cho công xá bao năm làm vợ.

Giờ đây nó một thân một mình trở về Hà Nội chữa bệnh, thuê một người giúp việc hỗ trợ ở bệnh viện để bố mẹ già không cần quá lao lực.

Sau đó, An cũng cho biết mình đã li hôn từ lâu do hai vợ chồng làm ăn thất bại, tiền nợ chồng chất khiến cuộc sống ngạt thở. An có hai con, 1 trai và 1 gái. Bây giờ mỗi người nhận nuôi 1 đứa. Thường ngày An gửi con gái cho ông bà ngoại chăm, còn một mình xuống thành phố kiếm sống bằng nghề làm móng tay và xăm hình.

Hà cũng không khấm khá hơn là bao. Nó kế thừa sự nghiệp buôn bán của gia đình nhưng không thực tâm yêu nghề. Nó mong muốn được đi học nấu ăn nhưng bố mẹ không cho. Đã có lần bị bức ép quá đà, nó liền bỏ nhà đi cả năm trời. Nhưng về sau thương bố mẹ già chẳng có ai chăm sóc, nó lại lầm lũi đi về làm theo chỉ đạo của bố mẹ.

Hà cũng là đứa duy nhất chưa lấy chồng. Nó bảo tự ti về ngoại hình hà mã của mình, sẽ chẳng có ai yêu nó đâu.

Tôi và Phương có cuộc sống dễ thở hơn. Tuy không giàu có nhưng gia đình con cái đầy đủ, vợ chồng hạnh phúc.

Cuộc nói chuyện cứ thế trôi đi, chúng tôi như được mở cửa tâm hồn suốt bao năm kìm nén. Đêm hôm ấy, chúng tôi dồn 2 giường bệnh vào làm một rồi cùng nhau ngủ ở bệnh viện cùng với Xuân giống như cái hôm nó chuẩn bị đi lấy chồng.

***

3 tháng sau thì Xuân qua đời. Ngày tang lễ nó, 4 đứa chúng tôi ở lại chăm lo suốt 2 ngày để bố mẹ nó không bơ vơ một mình.

Họp lớp sau 20 năm không phải nơi trường học mà trong bệnh viện, 5 người bạn thân nhìn nhau đau xót, cuộc đời thật quá tàn nhẫn! - Ảnh 3.

Chồng cũ của nó cũng qua thắp hương một lúc rồi đi. Còn hai đứa con hiện đang đi du học ở nước ngoài chẳng kịp về.

Sau khi mọi việc đã xong xuôi, luật sư của Xuân công bố di chúc mà nó để lại. Đáng ngạc nhiên là nó đã để lại cho 4 chúng tôi mỗi đứa một khoản với lý do: Chi phí cho nụ cười của Thanh Xuân.

Chúng tôi khoác vai nhau, rồi ôm lấy nhau mà khóc. Cuộc đời này đã quá khắc nghiệt với Xuân, với An, Hà và cả tôi lẫn Phương. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ đến với những cô bé học trò ngây thơ, lương thiện nhưng hóa ra thử thách mới thực sự bắt đầu khi bạn bước ra khỏi cánh cổng trường cấp 3.

Xuân ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Có lẽ giờ đây nó đang cười vui với quãng thời gian học trò quý giá. Còn 4 chúng tôi sẽ tiếp tục sống như mong muốn của Xuân. Tôi sẽ có thêm tiền để ổn định cuộc sống, Phương sẽ có tiền để học nâng cao, Hà sẽ mở một nhà hàng nấu ăn như nó ước mơ, còn An sẽ trở thành bà chủ tiệm nail thay vì đi làm thuê.

Từ bây giờ trở đi chúng tôi sẽ luôn giữ liên lạc, để cùng nhau tụ họp mỗi khi dịp 20/11 đến giống như cách để về cùng với Thanh Xuân vậy.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM