"Hợp đồng tình ái" hoa hậu Phương Nga: Nếu đúng có thể trắng án?

23/09/2016 15:31 PM | Xã hội

Các luật sư đã đưa ra ý kiến xung quanh việc xuất hiện nhiều hình ảnh chụp email có liên quan đến nội dung hoa hậu Phương Nga khai nhận có ký "hợp đồng tình ái" với ông Mỹ.

Có thể "trắng án"?

Vụ án hoa hậu người Việt tại Nga - Trương Hồ Phương Nga bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đại gia Cao Toàn Mỹ với số tiền 16,5 tỷ vừa được TAND TPHCM xét xử và trả hồ sơ để điều tra lại đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngay trong lời khai tại phiên toà, bị cáo đã tạo ra "cú sốc" khi thừa nhận giữa bị cáo và bị hại có "hợp đồng tình ái" với giá trị là 16,5 tỷ.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho hay, đến thời điểm này, vụ án đã xuất hiện nhiều tình tiết mới, đó là khoảng 20 bức ảnh được cho là lấy từ email cá nhân của G.C thể hiện nội dung thương thảo quan hệ tình - tiền với cô gái tên Nga.

Nội dung email đề cập tới "hợp đồng tình ái làm vợ 2" trong 7 năm, số tiền "10t" (có thể là 10 tỷ - P.V).

Theo luật sư Cường, vụ việc này cần làm rõ "hợp đồng tình ái" mà bị cáo hoa hậu Phương Nga khai tại tòa có phải là thỏa thuận mua bán dâm hay không?

Nếu là hành vi mua bán dâm thì số tiền 16,5 tỷ đồng kia sẽ bị tịch thu sung công quỹ, cả hai bên sẽ bị xử phạt hành chính. Còn người nào chứa mại dâm, môi giới mại dâm sẽ bị xử lý hình sự.

Trong trường hợp cơ quan điều tra làm rõ "hợp đồng tình ái" mà bị cáo khai ở tòa không phải là một thỏa thuận về quan hệ tình dục có trả tiền.


Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Việc quan hệ tình dục giữa hai bên là tự nguyện không phụ thuộc vào số tiền mà bị hại đưa cho bị cáo hoặc "hợp đồng tình ái" mà bị cáo khai là không có thật thì bị cáo vẫn có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vẫn phải có nghĩa vụ trả lại người bị hại số tiền đã chiếm đoạt...

"Cơ quan điều tra sẽ phải tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ: Tin nhắn, điện thoại, lời khai người làm chứng, đối chất... để làm rõ thực hư, nội dung của "hợp đồng tình ái" và các tình tiết khác có liên quan thì mới kết luận được vụ việc và mới có căn cứ để tòa án tiếp tục giải quyết vụ án", luật sư Cường nói.

Cũng theo luật sư Cường, để kết tội hoa hậu Phương Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được hai hành vi của Phương Nga là "thủ đoạn gian dối" và "hành vi chiếm đoạt tài sản". Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì sẽ không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Nếu việc Phương Nga nhận tiền thông qua một giao dịch dân sự mà cụ thể là "hợp đồng tình ái" (dù là giao dịch dân sự vô hiệu), để nhận được số tiền đó và bị cáo không đưa ra thông tin nào gian dối, giả mạo thì không có căn cứ để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản..

"Bản chất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 BLHS là xử lý về hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản một cách bất hợp pháp bằng thủ đoạn gian dối, tác động vào ý chí của người có tài sản bằng các thông tin sai lệch để họ giao tài sản, sau đó chiếm đoạt tài sản đó.

Ở đây, nếu hợp "đồng tình ái" có thật, (dù là quan hệ dân sự vô hiệu) không có việc Phương Nga đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản thì vụ việc chỉ là quan hệ dân sự, không có căn cứ để kết tội Phương Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể bị cáo sẽ được trắng án.

Khi đó, vụ việc chỉ là quan hệ dân sự và nếu có tranh chấp trong trường hợp này người bị hại vẫn có quyền yêu cầu bị cáo trả lại số tiền trên theo nguyên tắc giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu, tức là bên nào nhận của nhau thứ gì thì phải trả, bên nào có lỗi thì phải bồi thường", luật sư Cường nêu.

Nếu hoa hậu Phương Nga khai đúng thì không có dấu hiệu hình sự?

Còn trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Hà Nội) cho rằng, đây là vụ án được nhiều người quan tâm vì nó có nhiều vấn đề mới và chưa có tiền lệ.

"Trước hết, nếu các email trên được xác định đúng là của ông Cao Toàn Mỹ thì không thể chấp nhận được.

Đồng thời các email này nếu đúng phù hợp với lời khai của bị cáo Phương Nga nên vụ án đã ngoặt sang một hướng khác có lợi cho cô Trương Hồ Phương Nga vì đây việc cho tài sản như báo chí nêu là một hợp đồng tặng cho có điều kiện, phía nhận tài sản đã thực hiện các điều kiện mà hai bên thỏa thuận

Tuy nhiên, việc hoa hậu Phương Nga cho rằng đây là "hợp đồng tình ái" thì đây chỉ là quan điểm của bị cáo, còn trên phương diện pháp lý thì theo quy định của Bộ luật dân sự không có loại hợp đồng này", luật sư Thiệp nhấn mạnh.


Luật sư Lê Văn Thiệp.

Luật sư Lê Văn Thiệp.

"Trong vụ án này, nếu các bên đã có thỏa thuận bằng lời nói về việc trao đổi (một bên cho bên kia quan hệ tình dục và được trả một khoản tiền) thì đây là vấn đề hoàn toàn riêng tư thuộc phạm trù tình cảm, pháp luật không thể điều chỉnh được.

Trên thế giới cũng như Việt Nam chưa có việc "định giá" giá trị của nhan sắc hay cái đó để định lượng làm căn cứ giải quyết vụ án, và đây là một vấn đề hóc búa đối với các nhà làm luật", luật sư Thiệp nói.

Luật sư Thiệp cũng nêu ý kiến cá nhân, nếu chứng minh được lời khai của Phương Nga là đúng thì không có dấu hiệu hình sự trong vụ việc này (?).

"Bởi lẽ, Hoa hậu Phương Nga không dùng thủ đoạn để giành tài sản từ chủ sở hữu, việc chuyển dịch tài sản là hoàn toàn tự nguyện.

Đặc biệt lời khai của ông Mỹ về việc mua nhà không có căn cứ và không thuyết phục vì ông ta là Thương nhân đang sống tại Việt nam chứ không phải người thiểu năng hay khuyết tật, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Do vậy không tồn tại hành vi khách quan "dùng thủ đoạn để người khác tin là thật nhằm chiếm đoạt tài sản" theo quy định của điều 139 BLHS"", luật sư Thiệp nêu ý kiến.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Danh Huế (Công ty luật Bắc Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng nhấn mạnh, nếu đúng là có một "hợp đồng tình ái" như lời khai của hoa hậu Phương Nga thì hợp đồng đó trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM