Hồng Nhan, Bạc Phận, Sóng Gió của Jack và K-ICM: bức tranh nhạc Việt vốn khác hẳn những gì chúng ta vẫn nghĩ?
Sóng Gió, “kẻ chấm dứt” 13 ngày "Hãy Trao Cho Anh" của Sơn Tùng M-TP ngự trị top 1 trending đang khiến không ít người phải đặt chấm hỏi về hiện tượng này.
4 tháng trước, ca khúc Hồng Nhan, được xem là "người tiền nhiệm" của Sóng Gió, cũng từng khiến nhiều khán thính giả bất ngờ khi trở thành MV đạt 100 triệu view nhanh nhất trong năm 2019 tính tới bây giờ. Bạc Phận sau đó cũng đạt thành tích khủng với 157 triệu view sau 2 tháng. Nhất quá tam, với lượng view kỷ lục của Sóng Gió, bộ đôi tân binh V-Pop này buộc chúng ta phải thừa nhận họ không còn là những kẻ ăn may hay hiện tượng nhất thời nữa.
Thế nhưng, thành tích nào cũng có những luồng ý kiến đối lập. Không ít người nhận xét Hồng Nhan hay Sóng Gió chẳng khác gì những ca khúc "nhạc chợ" mười mấy năm trước, được khoác thêm vẻ ngoài xập xình của EDM để chiều chuộng sự dễ dãi của khán giả đại chúng, rồi hiện tượng cũng sẽ nhanh chóng sủi bọt bốc hơi. Nhận định này chỉ là một trong số những tranh cãi trái chiều trước một hiện tượng triệu người mê, triệu người dị ứng và đông đảo còn lại khó hiểu này.
Hồng Nhan, Bạc Phận, Sóng Gió: Sự trỗi dậy tất yếu của những giai điệu Việt Nam
Nếu chịu khó phân tích một chút, bạn sẽ hiểu vì sao những bài hát có giai điệu não nề; những cách hát lê thê hay những ca từ kể lể lại được số đông đón nhận. Đứa trẻ nào cũng lớn lên bằng những lời ru ê a, những câu hò điệu lý dễ đi vào ký ức nên tất nhiên những ca khúc dễ nghe, dễ hiểu sẽ có một sức hút rất tự nhiên. Bạn có thể nghe những ca khúc bolero tưởng chỉ thịnh hành ở các tỉnh miền Tây, miền Nam được bật trên những chiếc taxi ở thủ đô Hà Nội. Sự phổ cập của dòng nhạc này khủng khiếp như thế, nó như thể hơi thở của âm nhạc Việt cũng không ngoa.
Vẫn cách hát luyến láy, ca từ bình dân và nội dung MV đơn giản nhưng hợp thời, K-ICM và Jack sáng tạo hơn khi phối những nhạc cụ dân tộc và EDM. Hai thể loại tưởng chừng như không ăn rơ với nhau, nhưng lại tạo nên sự khác biệt.
Sự thành công của K-ICM và Jack có thể làm người ta liên tưởng một chút với ca khúc đang làm sóng làm gió trên bảng xếp hạng Billboard hiện nay, "Old Town Road" của Lil Nas kết hợp với Billy Ray Cyrus. Cũng như thể loại nhạc bình dân của Việt Nam, nhạc country và rap của Mỹ luôn tồn tại và giữ vai trò quan trọng trong nền văn hoá của Mỹ. Thứ âm nhạc được lấy nguồn cảm hứng từ những chàng cao bồi miền viễn Tây cho đến thứ âm nhạc có vần điệu trên những con phố ồn ào của khu phố Brooklyn ở New York luôn tồn tại trong máu của một người Mỹ. Chính vì thế, sự kết hợp trong Old Town Road với nội dung vui tươi, dễ nghe đã mang lại một hiệu ứng vượt lên trên tất cả sự mong đợi của Lil Nas.
Bản hit với sự kết hợp không tưởng giữa dòng nhạc đồng quê (country) và rap trở thành một bức tường thảnh vững chắc mà không một tên tuổi lớn nào tính cho đến thời điểm hiện giờ có thể soán ngôi. Từ Katy Perry, Taylor Swift cho đến cặp đôi "Senorita" Shawn Mendes và Camila Cabello đều phải đứng im chịu trận.
So sánh hai sự thành công của các nghệ sỹ đến từ hai quốc gia khác nhau có vẻ khập khiễng, nhưng điểm chung của "Old Town Road" và "Bạc phận" đó chính là sự trỗi dậy của dòng nhạc dân tộc. Người ta có thể thay đổi tên họ, thay đổi nơi sinh sống nhưng không thể nào thay đổi được nơi mình sinh ra và văn hoá mình lớn lên. Chính vì vậy, những ca khúc như thế này luôn tạo nên những sức hút rất lớn.
Ưng Hoàng Phúc, Phan Mạnh Quỳnh và cả Sơn Tùng MTP… những hiện tượng âm nhạc đại chúng luôn luôn bị hoài nghi
Cách đây 17 năm, Thà Rằng Như Thế và Nỗi Nhớ Nơi Con Tim Mồ Côi cũng từng tạo ra những làn sóng tương tự trong công chúng. Ưng Hoàng Phúc cũng nổi lên như một hiện tượng lúc bấy giờ cùng không ít những nhận định mang tính đả kích. Nhưng rồi hiện tượng đó không "chết" nhanh như người ta đã nghĩ, thậm chí Ưng Hoàng Phúc còn sở hữu những thành tích về lượng CD tiêu thụ và độ viral mà bao nhiêu ca sĩ mơ ước suốt nhiều năm dài. Những ca khúc mà người ta từng bĩu môi, cho rằng "hát như nói", là nhạc chợ khi đó bây giờ lại trở thành "tuổi thơ", là hoài niệm của cả một thế hệ khán giả. Cũng từ giai đoạn của Ưng Hoàng Phúc mà khái niệm "nhạc thị trường" ra đời với một thái độ không mấy tốt đẹp của những người đánh giá âm nhạc chuyên môn.
Năm 2015, ca khúc Vợ Người Ta của Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và trình bày leo lên top những trang nghe nhạc trực tuyến cùng sự phủ sóng trên diện rộng, khắp hang cùng ngõ hẻm. Bài hát cũng nhận về không hề ít những ý kiến chê bai, thậm chí bị đánh giá là rẻ tiền. Nhưng cách đây mấy ngày thôi, chỉ với một đoạn điệp khúc trong teaser phim điện ảnh Mắt Biếc, một ca khúc cũ của Phan Mạnh Quỳnh, được khen ngợi hết lời ở khắp nơi, từ cả những người từng ghét cay ghét đắng Vợ Người Ta. Cần hiểu rõ, Có Chàng Trai Viết Lên Cây và Vợ Người Ta mang cùng phong cách sáng tác đặc trưng của Phan Mạnh Quỳnh. Nhưng không thiếu những khán giả đã cự tuyệt "Vợ người ta" nhân danh đẳng cấp âm nhạc chỉ vì họ còn lạ lẫm và không cùng tần sóng với số đông ủng hộ khi đó.
Nếu bàn về giá trị nghệ thuật, sự đẳng cấp, giá trị quốc tế đầy hào nhoáng thì không thể bỏ quên mục đích ban đầu của sản phẩm đó hướng đến là gì. Một ca khúc có đẳng cấp, có tầm nhưng lại không có sự ủng hộ của số đông thì chắc chắn nó không có giá trị đối với thị trường. Thị trường, như nghĩa đen của nó, là thuộc về công chúng. Mỗi người có thể có gout nghe nhạc và đánh giá khác nhau, nhưng đại chúng chính là số lượng Và những cái tên kể trên chính là nhu cầu của đại chúng, của V-Pop, một cách rõ ràng bằng số liệu và cả thời gian, không cần phải tranh cãi thêm nữa làm gì.
Ngay cả Sơn Tùng ngày hôm nay cũng từng 1 thời gây tranh cãi và bị hoài nghi về thành tích khủng hay những ồn ào quanh chuyện beat nhạc khi chập chững ra khỏi địa phận Underground. Có thể nói tất cả mọi hiện tượng âm nhạc đại chúng trước khi được thừa nhận thì luôn bị đánh giá thấp, dè bỉu và hoài nghi trong thời gian đầu ra mắt.
Sơn Tùng MTP hay Jack, K-ICM: Luôn có chỗ đứng cho tất cả
Nền âm nhạc Việt Nam hiện đại cho dù có bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bất kỳ trào lưu quốc tế nào, thì những sản phẩm âm nhạc đại chúng như của K-ICM và Jack sẽ luôn luôn có những chỗ đứng nhất định.
Với cú hit triệu views trên Youtube của K-ICM và Jack với "Bạc phận" và "Sóng gió" lại là một lần nữa chứng minh cho sự tồn tại mạnh mẽ của dòng nhạc này.
Các tên tuổi hiện nay đều xác định ra sản phẩm để phục vụ cho đối tượng khán giả thành thị với MV rực rỗ, thể loại nhạc đa dạng và cập nhật xu hướng quốc tế trong cả phần nghe lẫn phần nhìn. Đó là một xu hướng tất yếu vì đa số nghệ sĩ ngày nay là những người nghe nhạc thành thị, yêu thích nhạc quốc tế. Hình ảnh và âm nhạc hiện đại vừa thể hiện cá tính âm nhạc của chính họ, vừa là một lợi thế chinh phục khán giả trẻ cũng như những nhãn hàng. Và rõ ràng, những ngôi sao Đông Nhi hay Sơn Tùng MTP đã khiến khán giả Việt tự hào với loạt thành tích trending tại quốc tế, MV và màn trình diễn đầy đẳng cấp được bạn bè năm châu khen ngợi.
Nhưng cùng lúc đó, một thị trường rộng lớn như các vùng quê hoặc các đối tượng bình dân lại bị bỏ ngỏ. Trên thực tế, thị trường miền Tây hay các vùng thôn quê là nơi mà ca sỹ có thể kiếm tiền tỷ. Nó tạo nên cơ hội để những làn gió mới như bộ đôi K-ICM và Jack tạo ra một màu sắc riêng mà không ai có thể cạnh tranh được. Âm nhạc vừa gần gũi nhưng được khoác thêm áo mới trẻ trung, MV dạng phim ngắn chủ đề giang hồ vốn chưa bao giờ lỗi thời với tầng lớp khán giả đại chúng; ngay cả tựa bài hát "Hồng Nhan", "Bạc Phận", "Sóng Gió" cũng hợp thị hiếu của đông đảo tầng lớp khán giả này. Rất rõ ràng, Jack và K-ICM cùng ekip ý thức rất rõ đối tượng khán giả của mình là ai và phục vụ họ một cách bài bản, kỹ lưỡng.
Nhưng lượng view khủng của bộ đội này cũng không thể không kể đến những người nghe trung lập. Để chinh phục đối tượng này, họ cần gì? Họ cần một thứ âm nhạc dễ nghe, họ có thể không nhớ lời bài hát là gì nhưng giai điệu phải đọng lại trong đầu họ. Không ít những khán giả thành thị cũng gật gù nghe Jack và K-ICM dù không thích MV mà chỉ đơn giản là họ cảm thấy dễ chịu và kết nối với giai điệu ca khúc.
Điều đó chứng minh một thực tế quan trọng hơn: không nhất thiết một MV hoành tráng đẳng cấp, không cần những xu hướng EDM hay Hiphop, tự thân âm nhạc vẫn có thể tạo nên giá trị và kỷ lục khi nó cùng tần sóng với người nghe.
Sự tồn tại của K-ICM hay Jack trong thị trường âm nhạc Việt Nam mang đến một góc nhìn tích cực, rằng đến tận cùng thì bạn không cần tiền tỷ hay MV hay chiến lược PR ghê gớm để thành công.
"Tôi không cần phải nổi bật, luôn luôn có chỗ cho tất cả mọi người", đây là câu nói cách đây vài năm Adele đã phát biểu. Quả thật vậy, sẽ luôn có chỗ cho những ca khúc thuộc thể loại âm nhạc bình dân như của Jack hay K-ICM. Nó chẳng là điều để đáng lo hay bước đi lùi của nền âm nhạc hiện đại. Nói nôm na bộ đôi này không mang đến một món ăn fusion pha lẫn giữa hamburger, kim chi và phở, họ mang đến một bát phở nóng với những gia vị nâng cấp để phục vụ cho mọi đối tượng khán giả Việt Nam.