vị trí đầu tàu, hai huyền thoại công nghệ đã sáng lập ra 2 thế lực ấy là Bill Gates và Steve Jobs, cũng có thể coi là kẻ thù của nhau. "Hai người bọn họ đều nghĩ là mình thông minh hơn người còn lại. Steve thường cho rằng Bill là một kẻ thua kém mình đôi chút, đặc biệt là về các vấn đề phong cách và thẩm mỹ. Còn Bill thì coi thường Steve vì Steve chẳng hề biết lập trình", Andy Hertzfield, một trong những thành viên của đội ngũ Macintosh kể lại.
Nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu cho rằng mối quan hệ giữa Bill Gates và Steve Jobs chỉ có một chiều tiêu cực. "Steve và tôi gặp nhau gần 30 năm trước, và chúng tôi đã là đồng nghiệp, là đối thủ cạnh tranh, là những người bạn trong khoảng thời gian hơn suốt một nửa cuộc đời mình", Bill Gates bồi hồi khẳng định trong điếu văn gửi ngày Jobs qua đời.
Để thực sự hiểu vì sao Jobs và Gates lại coi nhau là những người bạn thân và cũng là những đối thủ cạnh tranh cay nghiệt nhất, chúng ta sẽ phải đi về thời điểm cuối thập niên 1970, tức là trước cả khi chiếc IBM PC ra đời. Microsoft vẫn đang chủ yếu sống bằng các sản phẩm liên quan tới ngôn ngữ lập trình BASIC và thực tế mới chỉ là một công ty "nhỏ bé" theo đúng tên gọi của mình. Còn Apple lúc này đã có thể coi là một thế lực về điện toán, một trong những tên tuổi tiên phong của công nghệ số nhờ vào thành công của chiếc Apple II do nhà đồng sáng lập Steve Wozniak thiết kế.
Đây chính là khởi điểm cho mối quan hệ giữa Bill Gates và Steve Jobs. Ban đầu, Apple II sử dụng ngôn ngữ lập trình Integer BASIC cũng vẫn do Wozniak sáng tạo ra. Theo lời Jobs kể lại, Integer BASIC "Có thể làm những thứ mà không một phiên bản BASIC nào có thể làm được... Nó hoàn hảo theo mọi khía cạnh, nhưng lại không phải là ngôn ngữ float (hỗ trợ dấu thập phân)".Khi Steve Woz không hiểu vì lý do gì cứ chần chừ không chịu cải tiến Integer BASIC, Jobs bèn thuê Microsoft làm việc thay bạn mình.
Mối quan hệ giữa Bill Gates và Steve Jobs như vậy đã khởi đầu theo một cách không thể đẹp hơn: bằng khoản tiền 31.000 USD cho Microsoft, Steve Jobs thực chất đã giúp cho công ty của Bill Gates có thể sống sót qua một thỏa thuận nhượng quyền "thảm họa" với ông lớn Commodore. Còn Gates, bằng dấu chấm thập phân, đã mở đường cho Apple II bước vào thị trường doanh nghiệp.
"Chúng tôi lúc đó là những đồng minh hoàn toàn chỉ hợp tác cùng nhau. Đôi khi Jobs sẽ rất nghiêm khắc với bạn, đôi khi ông ấy lại rất biết cách động viên khích lệ. Ông ấy thực sự biết cách thu hút những thành quả tốt nhất từ mọi người xung quanh", Bill Gates kể lại trong một buổi phỏng vấn với đài BBC.
Có lẽ đến cả những tín đồ công nghệ lớn lên trong thập niên 90 cũng không thể hình dung được rằng Microsoft và Apple đã có thời thân thiết hơn cả Google và Samsung ngày nay. Sau thương vụ 31.000 USD kể trên với Steve Jobs, Microsoft bắt đầu đá chân sang thị trường phần cứng với Z-80 Softcard, một chiếc card mở rộng giúp cho Apple II có thể chạy hệ điều hành CP/M và các ứng dụng chuyên nghiệp. Chỉ trong vòng 3 tháng, Microsoft đã bán được tới 5.000 chiếc card Z-80 với giá khoảng 349 USD mỗi chiếc. Đến sát thời điểm ra mắt IBM PC, vào năm 1980, Softcard vẫn là nguồn doanh thu số 1 của Microsoft.
Nhưng kể cả với thành công của Apple II hay Commodore PET thì những chiếc máy vi tính năm 1980 vẫn khá hạn chế: microcomputer vẫn bị coi là hàng "thửa" dành riêng cho dân đam mê kỹ thuật thích "vọc vạch" hơn là những cỗ máy làm việc/giải trí hoàn thiện như ngày nay. Khác với những cuộc đua song mã sau này, thị trường máy tính 1980 bị phân mảnh một cách trầm trọng cả về phần cứng và phần mềm, gây khó khăn chồng chất cho các nhà phát triển ứng dụng.
Microsoft là một trong 2 tên tuổi đã góp phần thay đổi tình cảnh đó. Ngày 12/8/1981, chiếc IBM PC ra đời và thiết lập một tiêu chuẩn mới cho khái niệm "microcomputer" với phần cứng và phần mềm chuẩn hóa, trong đó phiên bản cài đặt MS-DOS của Microsoft nhanh chóng trở thành sản phẩm thống trị thị trường. Lần lượt tất cả các tiêu chuẩn máy vi tính khác bị đẩy vào dĩ vãng, nhường chỗ cho IBM PC và các phiên bản sao chép đến từ các công ty khác ra đời.
Nhưng trong lúc công cuộc đồng hóa máy vi tính của IBM đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, Steve Jobs đã hình dung ra một chiếc máy tính thậm chí còn hoàn hảo hơn IBM PC một bậc: Một chiếc máy có giá thành vừa phải, có thiết kế đẹp và quan trọng hơn hết là có trải nghiệm sử dụng dễ dàng, trau chuốt hơn. Khi cỗ máy này đang trong giai đoạn phát triển với tên gọi "Macintosh", Jobs đã biết trước rằng một nền tảng mới cần phải có những ứng dụng "đỉnh" mới có thể tồn tại. Apple không có gì ngoài MacWrite và MacPaint.
"Từ trước khi chúng tôi hoàn thiện IBM PC, Steve Jobs đã đến nói chuyện về sản phẩm mà ông ấy muốn thực hiện, những thứ mà ông ấy nghĩ mình có thể làm được, giống như là Lisa nhưng phải rẻ hơn... ", Bill Gates kể lại.
Đối tác đầu tiên Jobs nghĩ đến là Bill Gates. "Ông ấy là một trong những người đầu tiên nhận ra giá trị của phần mềm", Jobs nói về Gates sau này. Còn Gates thì đã kể lại chuyến tham quan Macintosh đầu tiên của mình như sau:
"Đó là một kiểu quyến rũ kỳ lạ khi mà Steve cứ nói rằng chúng tôi không cần các anh và chúng tôi đang tạo ra một sản phẩm tuyệt vời, chúng tôi giấu nó rất kỹ. Ông ấy lúc đó bật chế độ 'chào hàng', nhưng là theo kiểu 'Tôi không cần anh, nhưng tôi có thể để anh tham gia'".
Vậy tại sao Microsoft, hiện đang nắm giữ hệ điều hành PC phổ biến nhất thế giới, lại muốn tham gia phát triển ứng dụng cho Macintosh? Câu trả lời rất đơn giản: Microsoft "có tiếng mà chẳng có miếng" từ MS-DOS. Để giữ lại được quyền phân phối MS-DOS cho phần cứng không thuộc IBM, Microsoft phải chấp nhận những khoản tiền bản quyền cực kỳ nhỏ bé, dù là từ IBM hay từ các nhà sản xuất phần cứng khác. So với bản PC chạy CP/M, IBM PC chạy MS-DOS có giá rẻ hơn tới 200 USD.
Máy Mac sẽ là cách Microsoft và Apple cùng nhau đánh bại IBM. Apple, vốn là kẻ sống sót duy nhất sau cuộc thảm sát của IBM, có thể sẽ vươn lên thiết lập tiêu chuẩn điện toán mới. Còn Microsoft, theo lời Gates, sẽ có được chỗ đứng trên một thị trường màu mỡ hơn:
"Cái điều thú vị mà bây giờ ít người nhớ là ngày đó Microsoft không hề có mặt trên thị trường ứng dụng. Họ đặt cược rất nhiều vào máy Mac vì đó là thời điểm họ tham gia vào thị trường app. Lúc đó Lotus vẫn còn đang thống trị thị trường này", Steve Jobs kể lại vào năm 2007.
Microsoft sẽ được sớm tiếp cận với những bản mẫu đầu tiên của Macintosh, bao gồm cả bản Twiggy nổi tiếng.
Vào năm 1982, Microsoft bắt đầu bắt tay vào phát triển 3 ứng dụng Chart, File và MultiPlan (tiền thân của Excel) cho máy Mac. Theo lời nhà sáng lập Microsoft, "người của tôi làm việc trong dự án Mac còn đông hơn cả người của Jobs".
Trong chính giai đoạn làm việc này Bill Gates sẽ nhìn thấy rất rõ con người thật của Steve Jobs. "Ông ấy liên tục nói chiếc Mac sẽ thay đổi thế giới và ép người ta làm việc đến phát điên, với những mối mâu thuẫn khổng lồ và những mối quan hệ phức tạp". Cũng trong giai đoạn này, Jobs cũng hiểu được tài năng của Gates và bắt đầu chia sẻ những điều không phải bất cứ ai cũng được lắng nghe: "Chúng tôi sẽ đi chơi vào buổi tối thứ sáu, ăn tối cùng nhau, Steve sẽ nói rằng mọi thứ thật tuyệt vời. Thế rồi chỉ đến ngày hôm sau, gần như chắc chắn ông ấy sẽ lại bảo rằng "Ôi trời, nếu cái máy này mà bán được hàng thì tôi chắc chắn sẽ phải nâng giá. Tôi xin lỗi nếu tôi có gì sai với ông, thực sự là đội của tôi toàn một lũ ngốc".
Đã có lúc, Jobs và Gates còn thân thiết tới mức đi hẹn hò "kép" cùng nhau!
Đáng tiếc cho tình bạn của họ rằng một người như Bill Gates không thể nào không nhận ra tiềm năng màu mỡ của GUI. Một mặt, Gates bí mật cho người đến thăm Xerox, nơi phát minh ra ý tưởng GUI đầu tiên, cũng là nguồn cảm hứng của Lisa và Macintosh. Mặt khác, các kỹ sư của Microsoft cũng nhòm ngó trực tiếp vào hệ điều hành siêu việt đang được Apple phát triển:
"Kỹ sư hệ thống được Microsoft giao phó đảm trách dự án Mac là Neil Konzen... Neil rất yêu thích đồ Apple, do đó chuyện Microsoft giao phó dự án Macintosh tối mật cho anh chàng này là hoàn toàn bình thường... Tôi thường nói chuyện với Neil nhiều lần một tuần. Đôi khi anh ta sẽ yêu cầu một vài tính năng và tôi sẽ đáp ứng, đôi khi anh ta sẽ than phiền một thứ gì đó. Nhưng phần lớn thời gian tôi sẽ phải trả lời những câu hỏi về các API vốn vẫn đang được phát triển trên Macintosh OS.
Và tôi dần nhận ra rằng anh ta sẽ hỏi những chi tiết không thực sự cần biết... Nếu không phải vì tò mò thì bạn cũng không có lý do gì để tìm hiểu về nội dung của hệ thống nếu như bạn không định tạo ra một phiên bản sao chép. Tôi nói với Steve rằng Microsoft có lẽ đang định sao chép Macintosh, nhưng ông ấy chẳng mảy may lo lắng. Ông ấy không nghĩ rằng Microsoft có thể tạo ra một thứ gì đó thực sự chất lượng, ngay cả khi đã có 'tấm gương' là máy Mac".
Quan trọng hơn, Jobs đủ tỉnh táo để đưa ra điều khoản nghiêm cấm Microsoft không được phát hành bất cứ một phần mềm nào sử dụng chuột trước thời điểm 1 năm sau ngày lên kệ của Macintosh. Mối quan hệ giữa Gates và Jobs cũng như giữa Microsoft và Apple nhờ đó vẫn tiếp tục tốt đẹp. Trong một sự kiện nội bộ của Apple vào năm 1983, Bill Gates được mời tham gia. Ông khẳng định với các nhân viên của Táo rằng đến năm sau, một nửa doanh thu của Microsoft sẽ đến từ các ứng dụng trên máy Mac.
Và ông cũng đặt rất nhiều hy vọng vào chiếc máy do người bạn của mình phát triển:
"Để tạo ra một nền tảng mới bạn không chỉ cần một thứ gì đó khác biệt, mà bạn còn cần những thứ thực sự mới mẻ và thu hút được sự chú ý của mọi người. Trong số tất cả những chiếc máy mà tôi từng được chứng kiến, chỉ có chiếc Macintosh là đáp ứng được tiêu chuẩn đó".
Bill Gates tham gia vào một trò chơi trong sự kiện nội bộ của Macintosh. Steve Jobs dẫn chương trình.
Chỉ vài tháng sau, Bill Gates chính thức đâm nhát dao đầu tiên vào lưng người bạn Steve Jobs. Ngày 1/11/1983, Microsoft vén màn một hệ điều hành GUI dành cho PC có tên "Windows" tại Comdex. Khi rà soát lại hợp đồng, Steve Jobs giật mình nhận ra rằng điều khoản cấm Microsoft phát hành phần mềm GUI được đặt lịch chính xác là "tháng 9/1983" chứ không phải là "một năm sau ngày chiếc Mac đầu tiên lên kệ". Khi ký hợp đồng với Microsoft, Apple vẫn đang dự tính rằng chiếc Mac đầu tiên sẽ ra mắt vào mùa thu năm 1982.
Biết không thể làm gì được nhưng Jobs vẫn giận dữ đòi Gates đến trụ sở Apple. Trong phòng họp, trước sự chứng kiến của hơn 10 nhân viên Apple, Steve Jobs quát vào mặt Bill Gates: "Các anh đang sao chép trắng trợn từ chúng tôi. Tôi tin anh, và giờ anh ăn cắp ý tưởng của chúng tôi!".
Gates điềm tĩnh trả lời:
"Steve, sao anh không nhìn sự việc theo một cách khác. Tôi nghĩ cả hai chúng ta đều có chung một người hàng xóm giàu có tên là Xerox. Tôi đã đột nhập vào nhà anh ta để trộm cái TV nhưng không ngờ anh đã đến đấy lấy trộm nó trước".
Trớ trêu cho Bill Gates là phiên bản Windows ra mắt tại Comdex lại có chất lượng dở tệ, dở đến mức lựa chọn tốt nhất dành cho Microsoft lúc này vẫn là... bám theo Mac thay vì đặt cược vào hệ điều hành của chính mình. Năm 1984, Macintosh ra mắt và ngay lập tức gây sốt.
"Đó là một cỗ máy tuyệt vời, một bước tiến về đồ họa người dùng, là một cỗ máy nằm trong tầm với của nhiều người. Đó là một cỗ máy rất, rất hữu ích. Tôi rất phấn khích. Microsoft thường không phát triển cho phần cứng mới nhưng chúng tôi đã có một đội ngũ phát triển cho Mac ngay từ đầu. Và tôi ước tính một nửa doanh thu Microsoft sẽ đến từ Macintosh trong năm tới", Gates nói về Macintosh.
Thành công của Mac chỉ khiến cho mối quan hệ giữa Jobs và ban quản trị Apple (đặc biệt là CEO John Sculley) càng trở nên tồi tệ. Hiểu rõ tình cảnh rối loạn của Apple cũng như thế thắng của Sculley, Bill Gates nghĩ ra một ý tưởng mà Jobs chắc chắn sẽ không đồng ý nhưng Sculley lại có thể suy nghĩ đến: phát triển Macintosh OS thành hệ điều hành "mở" cho nhiều nhà sản xuất, không độc quyền cho Apple. Apple có thể hưởng lợi ở vị trí làm chủ tiêu chuẩn của thị trường, buộc các đối thủ cạnh tranh phải đi theo tầm nhìn của Táo, cùng lúc vẫn sở hữu trải nghiệm Macintosh OS đáng thèm muốn nhất. Còn Microsoft thì sẽ sống bằng tiền bản quyền ứng dụng Office trên Mac.
Tháng 6/1985, Gates gửi "tâm thư" cho Sculley:
"Vai trò của Apple với điện toán cá nhân là người đi đầu về đột phá công nghệ. Vai trò này có nghĩa rằng Apple phải tạo ra một tiêu chuẩn công nghệ mới, tân tiến hơn. Họ phải tạo ra một kiến trúc mang tính cách mạng. Apple phải biến Macintosh thành tiêu chuẩn... Apple cần phải nhượng quyền công nghệ Mac cho 3-5 nhà sản xuất lớn để phát triển ra những cỗ máy "tương đồng Mac".
Ban đầu, Sculley hiểu rõ ràng rằng đây là hướng đi đúng đắn. Đã có lúc, vị CEO này cho người đi gặp mặt các nhà sản xuất phần cứng khác để ước lượng tiềm năng của chiến lược phần mềm giống như Microsoft sẽ áp dụng với Windows sau này! Nhưng doanh số Mac đột ngột khủng hoảng, Apple hoảng sợ và trở lại phụ thuộc vào phần cứng. Bill Gates quay trở về phát triển Windows, nhưng lần này trọng trách chính được giao cho Neil Konzen, chính là "tín đồ" Apple II đã từng phát triển Word và Excel cho máy Mac ngày nào. Lần lượt từng phiên bản Windows ra đời với những nét giống Macintosh OS đến kỳ lạ, nhưng những điều khoản "mập mờ" trong thỏa thuận hợp tác giữa Gates và Sculley đã giúp cho Microsoft có thể thoải mái cóp nhặt các yếu tố Mac về Windows.
Steve Jobs bị ép rời Apple vào tháng 9/1985. Ông thành lập một công ty mới có tên gọi NeXT Inc với các sản phẩm PC chạy NeXTSTEP, tiền thân của Mac OS X sau này.
Đây chính là lúc Bill Gates tung ra đòn đánh "hiểm" nhất vào Apple: bằng Word và Multiplan, Gates khôn khéo đưa Sculley vào bẫy nhượng quyền, cho phép Windows có thể "học hỏi" rất nhiều yếu tố đồ họa từ Mac. Từ phiên bản Windows 2.03 cải tiến vượt bậc của năm 1988 đến bản Windows 95 đủ hoàn thiện để xác lập vị thế thống trị thế giới, Microsoft lần lượt tỏ rõ vai trò là kẻ thống trị thế giới trong khi doanh số Mac ngày một rối loạn. Về phần mình, Steve Jobs cũng chẳng hề khá khẩm hơn công ty cũ: trong suốt vòng đời hoạt động, NeXT Inc, chỉ bán được tổng cộng khoảng 50.000 chiếc máy và buộc phải từ bỏ thị trường phần cứng vào năm 1993.
Nói cách khác, từ năm 1993 đến 1997, Job đang làm chính điều Gates đã từng khuyên Apple phải làm: bán hệ điều hành cho máy tính. Jobs và Gates đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau.
Trong tình cảnh khó khăn ấy, Steve Jobs tỏ ra căm ghét Bill Gates hơn hẳn. Năm 1996, ông khẳng định trong một cuốn phim tài liệu: "Microsoft không có quan điểm thẩm mỹ riêng... Họ không có những ý tưởng của riêng mình và họ không mang một chút nét riêng nào vào sản phẩm của mình. Tôi thấy buồn vì thực sự họ chỉ tạo ra được những sản phẩm hạng 3".
Còn về phần mình, Gates cũng ngấm ngầm tìm cách ngăn cản đường về của Steve Jobs. Vào năm 1997, khi CEO Gil Amelio của Apple muốn mua NeXT Inc để đưa Jobs trở lại Apple, Gates được cho là đã gửi thư cho Amelio và khẳng định như sau về NeXTSTEP, hệ điều hành sau này được Apple cải tiến thành Mac OS X:
"Tôi biết công nghệ của Jobs, nó chỉ là một bản UNIX cải tiến mà thôi, và Apple sẽ không thể tìm ra cách nào để sử dụng hệ điều hành này cho phần cứng của mình. Ông có biết rằng Steve chẳng biết gì về công nghệ hay không? Ông ấy chỉ là một kẻ bán hàng tài giỏi mà thôi. Tôi không tin rằng ông sẽ lại đưa ra một quyết định ngớ ngẩn đến thế... Jobs chẳng biết gì về công nghệ, 99% những gì ông ấy nói ra là sai lầm. Các ông đang định mua cái hệ điều hành rác rưởi đó về làm gì?".
Chỉ một năm sau đó, khi Microsoft cuối cùng cũng đã vượt mặt Apple về doanh thu để trở thành công ty hi-tech số 1 thế giới, mối quan hệ của Jobs và Gates bỗng dưng lại đổi chiều một lần nữa.
Tại sự kiện MacWorld 1997, Jobs đứng dưới màn hình đang chiếu ảnh của Bill Gates và nói: "Chúng ta phải ngừng cái suy nghĩ rằng để Apple thắng, Microsoft phải thua. Những mối quan hệ tồi tệ không đem lại lợi ích cho ai cả". Khán giả phía dưới, vốn đều là các fan trung thành của Apple, bắt đầu la ó ầm ĩ.
Sau 18 tháng liên tiếp chịu lỗ, Apple lúc này đang cận kề cái chết hơn bao giờ hết. Lý do Steve Jobs phải nhịn nhục đưa hình ảnh của kỳ phùng địch thủ, kẻ đã đẩy máy Mac vào chỗ chết lên màn hình MacWorld là bởi Microsoft vừa tung ra khoản đầu tư tới 150 triệu USD cho Apple. Đổi lại, Apple phải trao cho Microsoft một khoản cổ phần lớn và đồng ý từ bỏ hoàn toàn những cáo buộc Windows copy Macintosh.
Bill Gates có động cơ rõ ràng để cứu giúp người bạn cũ của mình. Đầu tiên, điều khoản cài đặt Internet Explorer làm hệ điều hành mặc định trên Mac OS X sẽ là lưỡi dao cuối cùng kết liễu các nỗ lực cạnh tranh từ đối thủ Netscape trên thị trường trình duyệt. Tiếp đến, đây sẽ là liều thuốc hữu hiệu cho hình ảnh của Microsoft, vốn đang nằm trong vòng điều tra của FBI vì những chiêu trò độc quyền nhắm vào Netscape, Oracle/Sun (Java), Lotus Notes và dĩ nhiên là cả Apple.
Điều cả Bill Gates và Steve Ballmer đều không thể ngờ đến là chỉ trong vòng vài tháng, với khoản vốn 150 triệu USD ít ỏi này, Steve Jobs đã nhanh chóng đưa Apple thoát lỗ với chiếc máy iMac tuyệt đẹp. 4 năm sau, thành công của iMac được tiếp nối bằng iPod, một chiếc máy nghe nhạc trau chuốt, dễ sử dụng với ý tưởng ClickWheel không ai nghĩ đến. Một lần nữa, Apple lại trở thành thương hiệu công nghệ được mến mộ nhất thế giới.
Khi iPod ra đời, Gates nói với nhân viên: "Tôi nghĩ chúng ta cần có một vài kế hoạch để chứng minh rằng, mặc dù Jobs đã làm chúng ta bất ngờ một lần nữa, chúng ta vẫn có thể hành động nhanh chóng để bắt kịp và vượt mặt họ".
Tham vọng này chẳng bao giờ thành hiện thực. Zune, "câu trả lời của Microsoft dành cho iPod", trở thành thất bại đầu tiên trong công cuộc bám đuổi Apple của Microsoft.
Năm 2007, iPhone ra đời và chính thức đẩy PC trở thành những cỗ máy của quá khứ. Tháng 3/2010, đến lượt iPad mang đến thành công cho Apple trên thị trường tablet, một thị trường mà Microsoft đã từng nhòm ngó hàng năm trời nhưng vẫn không thể đạt được thành công đáng kể.
Trong suốt những năm đó, Jobs vẫn đôi lần lên tiếng mỉa mai công kích Microsoft, từ chiến dịch quảng bá Get A Mac vào năm 2001 đến sự kiện phát biểu tại đại học Cambridge năm 2005. Tất cả những lời chỉ trích ấy chẳng có ý nghĩa gì với Gates, khi ông dần dần từ bỏ Microsoft. Năm 2006, Bill Gates tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại tập đoàn phần mềm của mình để tập trung cho tổ chức từ thiện Bill and Melinda Gates.
Có lẽ nhờ vậy mà mối quan hệ giữa hai nhà sáng lập huyền thoại của 2 công ty hàng đầu thế giới bỗng dưng lại đổi chiều một lần nữa. Họ trở về là những người bạn. Năm 2007, chỉ vài tháng sau khi iPhone ra mắt, Jobs và Gates cùng nhau xuất hiện tại hội thảo All Things D. Trong lần cuối cùng họ xuất hiện cùng nhau trong một sự kiện công chúng, Jobs trích lời một bài hát để nói về Gates:
"Khi Bill và tôi bước chân vào ngành công nghiệp hi-tech, chúng tôi là những chàng trai trẻ tuổi nhất, và giờ chúng tôi là những người già nhất. Tôi thường nghĩ về mọi thứ bằng những bài hát của (Bob) Dylan và Beatles. Trong một bài hát của Beatles có câu 'Anh và tôi có những kỷ niệm lâu dài hơn cả con đường ở phía trước mắt chúng ta', và tôi nghĩ đó đúng là câu hát dành cho chúng tôi bây giờ".
Ngày 26/5/2010, Apple lần đầu tiên vượt mặt Microsoft để trở thành công ty có trị giá vốn hóa cao nhất thế giới, một vị thế mà hãng này vẫn tiếp tục nắm giữ cho đến ngày hôm nay. Nói về sự kiện này, Jobs tỏ ra khá điềm tĩnh: "Với những người đã tham gia vào ngành hi-tech trong nhiều năm như chúng tôi, đó thật là một điều không thể tin nổi. Nhưng đó cũng không phải là một thứ gì đó quá ý nghĩa, quá quan trọng. [Vượt mặt Microsoft] không phải là lý do khách hàng mua sản phẩm Apple".
Cũng trong năm đó, căn bệnh ung thư vốn đã kéo dài 7 năm của Jobs được công bố với báo giới. Một trong những người đầu tiên đến thăm ông là Bill Gates:
"Chúng tôi nói chuyện về những thứ chúng tôi đã học được, về gia đình và tất cả mọi thứ. Ông ấy chẳng hề buồn bã, cuộc nói chuyện ấy vẫn là về tương lai, ông ấy nói hai chúng tôi vẫn chưa thực sự cải thiện được ngành giáo dục thông qua công nghệ. Ông ấy cho tôi xem con thuyền ông ấy đang xây và rằng ông ấy rất muốn được đi con thuyền ấy một lần, dù rằng chúng tôi đều biết điều đó có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra".
Điều đó đã không bao giờ xảy ra. Jobs mất ngày 5/11 năm 2011. Theo lời kể của vợ ông, Jobs đã giữ một bức thư thăm hỏi của Gates bên giường bệnh trong suốt những ngày cuối đời. Trong cuốn tiểu sử được thực hiện qua những cuộc phỏng vấn với nhà báo lừng danh Walter Isaac, ông vừa chê Bill Gates "kém sáng tạo, hẹp hòi và thích sao chép" nhưng cũng lại nói về người bạn, đối thủ lớn nhất của đời mình: "Tôi khâm phục ông ấy vì đã xây dựng nên một công ty ấn tượng như vậy, và tôi đã tận hưởng thời gian làm việc cùng Gates. Ông ấy rất thông minh và thực ra ông ấy có khiếu hài hước rất tốt nữa".
Trí thức trẻ