Hơn 27.000 tỷ đồng tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi

23/05/2022 18:05 PM | Xã hội

Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi đến hết năm 2020 giảm đến gần 40% so với thời điểm một năm trước đó.

Chiều 23/5, báo cáo trước Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 1,51 triệu tỷ đồng, giảm 1,9% (tương đương 28.473 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách trung ương giảm hơn 92.076 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng 63.603 tỷ đồng. 

Chi tiết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, quyết toán thu nội địa đạt 1,293 triệu tỷ đồng (tăng hơn 2.900 tỷ đồng so với dự toán); quyết toán thu từ dầu thô hơn 34.598 tỷ đồng; quyết toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 177.444 tỷ đồng.

Tại chiều ngược lại, quyết toán chi ngân sách nhà nước là hơn 1,709 triệu tỷ đồng bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó, quyết toán chi đầu tư phát triển 576.432 tỷ đồng; quyết toán chi trả nợ lãi 106.465 tỷ đồng; quyết toán chi thường xuyên 1,013 triệu tỷ đồng.

Như vậy kết thúc năm 2020, quyết toán số bội chi ngân sách nhà nước là 216.405,6 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện, giảm hơn 18.394 tỷ đồng so với dự toán đầu năm và giảm hơn 151.894 tỷ đồng so với mức Quốc hội cho phép.

“Đến năm 2020, có 19 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 15.000 tỷ đồng (năm 2016 có 13 địa phương), 30 địa phương thu trên 10.000 tỷ đồng (năm 2016 có 17 địa phương), 17 địa phương thu ngân sách dưới 5 nghìn tỷ đồng (năm 2016 có 30 địa phương)”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Hơn 27.000 tỷ đồng tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020

Cũng theo ông Phớc, nhờ kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước và cơ cấu lại nợ công, nên tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020.

“Kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm, củng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.


Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, liên quan đến kết quả xử lý nợ thuế năm 2020, trong năm 2020, cơ quan thuế các cấp đã khoanh nợ tiền thuế đối với 493.472 người nộp thuế với tổng số tiền là 23.434 tỷ đồng, thực hiện xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 62.278 người nộp thuế với tổng số tiền là 1.553 tỷ đồng

Trong đó có: 202.665 người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp với số tiền thuế nợ được khoanh là 21.967 tỷ đồng và 290.807 người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh với số tiền thuế nợ được khoanh là 1.467 tỷ đồng.

Đến hết ngày 31/12/2020, tổng số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 27.513 tỷ đồng (gồm nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh).

Số tiền thuế nợ nói trên giảm 16.658 tỷ đồng (tương ứng giảm 37,7%) so với thời điểm 31/12/2019, chiếm tỷ trọng 27,8% trên tổng số tiền nợ thuế.

Hơn 27.000 tỷ đồng tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi - Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà

Trong báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết trong bối cảnh tình hình hết sức khó khăn do tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kết quả thu NSNN năm 2020 đạt xấp xỉ dự toán (bằng 98,1%), thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên theo báo cáo thẩm tra bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm lưu ý, như: Thu ngân sách trung uống không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu ngân sách nhà nước (thấp hơn mục tiêu đề ra là 60-65%); huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP; công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.

“Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế nêu trên, đặc biệt đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn”, báo cáo thẩm tra nêu.

Theo Thuỳ An

Cùng chuyên mục
XEM