img

Ông tên Đăng. Đăng là Đèn. Đèn thì phải sáng, nhưng phần lớn cuộc đời ông lại chìm trong bóng tối của vận hạn, cơ cực và đau khổ. Nhưng ở tận cùng khổ bi kịch ấy, ông Đăng cụt vẫn không muốn ỷ lại, dựa dẫm vào bất cứ ai.

Chính vì thế ông nghiến răng chịu đau, giấu đồng nghiệp suốt nhiều năm về sự tàn tật của mình. Và ông nghiến răng lê cái chân cụt ấy đi làm đủ các nghề ngay cả thanh niên trai tráng cũng sợ: Bốc vác đá, thu gom rác. 

Kể cả khi buộc phải đứng trước lựa chọn cân não: Có thể bị công ty vệ sinh mới đuổi việc, ông vẫn chấp nhận lên tiếng, để bảo vệ khoản thu nhập ít ỏi đang bị "bóc lột" của gần 300 mảnh đời rác khốn khổ khác.

Thế là bí mật giấu kín hơn 3 năm về cái chân cụt đã được ông Đoàn Văn Đăng tự mình tiết lộ. Khi ông trở nên "nổi tiếng bất đắc dĩ", người ta trêu ông "một chân xô đổ cả công ty Minh Quân". Ông bảo: "Tôi chẳng xô đổ ai, chỉ lấy lại đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình".

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 1.

Một cái chân cụt non nửa, không phải là một chiếc áo sút chỉ, một cái quần sờn gấu, để có thể giấu được thiên hạ mãi. Thế mà ông Đoàn Văn Đăng không những giấu được thật, mà còn giấu tận 3 năm. 

Giờ thì, cả nước biết chuyện ông Đăng chỉ có một chân, ngày nào cũng như con thoi, ngồi bus 60km đi - về từ nhà ở huyện Phúc Thọ đến các điểm hầm chứa rác ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội làm việc. Ông cười khì khì bảo chúng tôi, "người ta kiếm củi ba năm, đốt một giờ" đã bị chê dại. Còn ông giấu bí mật về cái chân hơn 3 năm, lộ ra chỉ bằng một lời nói, không biết gọi là gì mới phải.

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 2.

"Nói ra thì xấu hổ, vì mình cũng hơi lừa dối công ty, chứ có phải chuyện hay ho gì đâu. Có điều vì muốn có việc làm, còn sức thì cố để lao động nên mới phải nói dối. Tôi đi làm toàn bọc chân thật kỹ, đi tất xỏ ngoài, lúc đi bốc rác đi ủng cao tới gối rồi, nên không mấy ai biết được. Công nhân rác thì toàn làm chiều tối và đêm, trời nhá nhem, mà ai cũng bận, việc mình mình làm thôi chứ soi người khác làm gì.

Quản lý không mấy khi đi theo tận vào phòng đổ rác, nếu mà gặp thì tôi đứng yên, hoặc ngồi thụp xuống xe rác như đang làm bình thường. Lúc đi làm thì cứ theo sau lưng tài xế, khéo léo đi nép vào xe. Lúc nào ngồi theo xe ô tô rồi thì ngồi yên trên xe thôi. Tôi cũng không mấy khi la cà ở phòng bảo vệ, chỉ gửi nhờ cái điếu cày, lúc nào thèm quá thì vào lấy, ra hàng nước gần hầm rác làm vài hơi. Xong ca làm thì đến gần sáng, một mình ở lán nằm nghỉ đợi đến giờ bus chạy thôi, cũng chả có ai nhòm ngó đến".

Thực ra, cũng có lúc đồng nghiệp nghi ngờ, vì thấy ông đi tập tễnh, không tự nhiên. Nhưng trót giấu rồi thì phải giấu luôn, ông lại nói dối là trở trời nên chân đau, là mới bị ngã… đại loại bịa một lý do nào đó cho qua chuyện. Ông Đăng đoán, có thể bà hàng nước gần điểm tập kết của ông và một số đồng nghiệp nữa lờ mờ đoán ra chuyện cái chân cụt từ trước, nhưng họ âm thầm giữ bí mật cho ông.  

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 3.
Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 4.


Thực ra, lúc nhận được điện thoại của nhà báo đề nghị lên tiếng để đòi lương, ông Đăng nghĩ lung lắm. Ông tiếc hơn 6 tháng lương chưa được trả, nhưng cũng rất ngại lời mình nói ra vì nhiều lẽ.

Thứ nhất, ông sợ ảnh hưởng không hay đến công ty hiện tại (Urenco 7). Thứ hai là ảnh hưởng đến mình vì đưa lên báo chí và tivi, lộ ra chuyện cái chân, khả năng ông mất việc rất cao vì "cơ quan Nhà nước chắc là có quy định không tuyển người tàn tật". Thứ ba, ông sợ bị người ta thương hại, "tôi cụt chân nhưng còn sức để làm việc, tự kiếm tiền nuôi thân. Tôi muốn được tiếp tục đi làm, chứ không muốn sống nhờ tình thương của bà con. Người ta thương mà giúp đỡ thì có thời thôi, đâu có ỷ lại vào đấy được, rồi sau lấy việc gì mà làm…".

Nhưng rồi ông lại nghĩ, nhà mình có 3 người cùng làm nghề thu gom rác: Hai vợ chồng ông và cô con dâu, mình khổ nhưng những gia đình công nhân rác khác cũng khổ không kém. Hơn 6 tháng lương của gần 300 con người không biết khi nào mới đòi lại được, nên bần cùng bất đắc dĩ ông phải lên tiếng. 

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 5.

"Tôi nghĩ đến những đồng nghiệp của mình, nghĩ đến ân tình chị Phương tổ trưởng tổ rác hồi xưa giới thiệu cho vợ chồng tôi vào làm, rồi kéo cả con dâu tôi vào cho nó có công ăn việc làm ổn định. Nghĩ đến cảnh vợ ốm đau, công ty Minh Quân (nay là công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) nợ lương, không có tiền mà mua thuốc, khi đó chị Phương cho vay, trong khi nhà chị ấy cũng ngặt.

Rồi tôi nghĩ đến 3 suất lương của nhà mình, nếu cứ im lặng thì không ai biết được sẽ đi về đâu. Mọi người càng mong lương về thì càng mất hút. Tôi quyết định nói ra để đòi lại tiền mồ hôi nước mắt của mình, và chuẩn bị tư thế sẵn sàng mất việc, coi như về hưu sớm 1 năm vậy. 

Quyết rồi nhưng trả lời xong, đến khi mọi người xôn xao, hàng xóm cũng bảo thấy tôi lên tivi, lên báo để đòi tiền lương, lúc ấy tôi lại hoang mang, chỉ lo không biết có ai phạt mình không, có ai làm khó dễ gì mình không…".  

Gia đình ông Đăng có 3 người là công nhân (cũ) của công ty Minh Quân, nhưng vào làm chỉ nộp giấy chứng minh nhân dân photo là xong. Chị Phương tổ trưởng cũng xác nhận: "Ông Đăng làm đội dịch vụ đi lấy rác xung quanh Nam Từ Liêm, nhưng công ty không ký hợp đồng lao động của cả hai vợ chồng. Chỉ có tôi là tổ trưởng thì quản lý người và công việc. Sau này, có lần công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (công ty Minh Quân đổi tên) đưa giấy khoán công cho xem, rồi lại thu lại luôn. Nhưng ông Đăng và gần 300 công nhân rác chúng tôi đã từng làm việc cho công ty và bị nợ lương 6 tháng, bắt đầu từ tháng 6/2020 là chuyện có thật".

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 6.
Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Sơn, vợ ông Đăng trêu, tên hai vợ chồng đều sáng sủa, rạng rỡ, nhưng cuộc đời họ thì không như tên. "Những đắng cay trong đời, kể đến tối cũng chẳng hết, nhưng thôi, qua hết rồi", cười tươi, bà bảo thế.

Bà Sơn thực ra là vợ thứ ba của ông Đăng. Nhưng không phải ông đào hoa hay đèo bòng, mà bởi số phận oái oăm. Vợ đầu của ông - mẹ của cậu con trai lớn - mất sau khi sinh con không lâu, bỏ ông một mình lủi thủi gà trống nuôi con. Ông gá nghĩa với một người đàn bà khác, rồi khi đang mang thai, bà cũng lâm bệnh rồi mất đi.

Gia đình cứ giục ông tái giá, vì căn nhà vắng bóng đàn bà nó quạnh quẽ, con không có hơi mẹ cũng chênh vênh. Nhưng ở làng khi ấy, phụ nữ người ta sợ "dớp", không ai muốn đến với ông Đăng. Duy có bà Sơn, khi ấy đã 30, được chính bố mình làm mối cho ông. 

Bà Nguyễn Thị Sơn, vợ ông Đăng. Ảnh: Việt Hùng 

Bà Sơn mới đầu không ưng, nhưng ông cụ cứ vun vào, vì quá thương người đàn ông góa vợ hiền lành, chăm chỉ làm lụng. Ông cụ cứ khăng khăng: Bố ăn rau thì các con ăn rau, bố có cháo các con cũng được ăn cháo, còn sức là còn làm được việc nuôi thân, không sợ! Thế là họ về với nhau. Ông Đăng sau này còn nhắc mãi cái ơn, cái tình của bố vợ, không chỉ gả cho mình con gái mà còn truyền động lực, niềm tin cho mình những năm tháng tiếp sau.

Cái quãng vừa lấy vợ xong đến năm 1997, nhà ông Đăng cũng tạm đủ ăn đủ tiêu. Hồi ấy, ông Đăng đứng đầu một tốp thợ làm gạch, cố gắng ngày làm 3 - 4 ca. Hôm ấy, trong người rất mệt nhưng lại nghĩ ngày mai chuyển máy (dời máy sang khu vực khác để đóng gạch), mình mà vắng mặt thì anh em không coi ra sao, ông Đăng lại xông đi.

Vừa ra đến nơi, giậm giậm vài cái cho gạch trôi ra nhanh, ông bị hụt, cuốn luôn chân vào máy gạch. Ông chỉ "ai cha cha" một tiếng rồi chết lặng, anh em lò gạch vội tắt máy, gọi chủ máy để tháo gỡ cái chân nát bét ra nhưng không được. 

8 người đàn ông lực lưỡng bê cả máy cả người ông Đăng lên công nông, chuyển đi bệnh viện. Đến nơi, cả người ông đã tái xanh, chân vẫn bị cái máy nuốt trọn bên trong. Bác sĩ làm tư tưởng, ướm hỏi ý ông thế nào, ông Đăng chỉ nói hai chữ: "Cắt bỏ". Hai chữ nhẹ tệnh toát ra từ miệng một người đàn ông có số phận tận cùng bi thảm. 

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 9.

Người đàn ông đang tự hào là lao động chính của gia đình, giờ trở thành Đăng "cụt", cứ thay đổi thời tiết là cái chân giật liên hồi, đau còn hơn khi mới phẫu thuật. Đã vậy, ông mất chân được mấy tháng thì bà Sơn cũng bị thoát vị đĩa đệm, nằm bò ra không đi nổi. 

"Lúc ấy, tôi đã nghĩ hay mình làm một liều thuốc chuột cho xong. Chứ chân thì mất, sức khỏe hụt một nửa, vợ cũng ốm, con còn nhỏ, có gì mà níu kéo cuộc đời nữa. Nhưng nhìn vào mắt hai đứa con, nhớ lại lời bố vợ khi tin tưởng giao con gái cho, tôi lại thôi. Mà không chết được thì phải sống tiếp cho tử tế" - ông Đăng trầm ngâm.

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 10.

Ông mất 1 năm để hồi phục, vay khắp nơi được 4 triệu để lắp chân giả, cố gắng hồi phục để đi làm lò vôi. Mới đầu, người ta giao cho ông việc đập đá, mà vất quá, đá cứ bắn hết vào chân. Người ta cho ông lên đứng lò, nhưng cái chân cụt cứ chông chênh, đứng trên thành lò nghiêng nghiêng như muốn ngã, ông lại chuyển xuống bộ phận bốc đá. 

Lương hồi ấy quãng 7 nghìn đồng/ngày. Cộng thêm vợ ông cấy thêm ruộng, lúa chín đến đâu bán đi trả nợ đến đấy, nhà vẫn còn vài ba tạ thóc để xát gạo ăn dần, lay lắt qua ngày.

Đến năm 2017, bà Sơn được giới thiệu đi làm công nhân rác ở công ty Minh Quân. Mới đầu chỉ có một suất, bà với chồng đổi nhau mỗi người một hôm, để còn ở nhà cấy hái, chăm cái ao cá giống ở chỗ nhà thuê. Khi được "nới" ra thành hai suất thì cả ông Đăng, bà Sơn đều trở thành công nhân vệ sinh, ngày ngày đón bus đi làm.

Bà Sơn bảo, làm rác cũng vất vả, nhưng có thêm đồng ra đồng vào, bù cho những ngày thu nhập từ nông nghiệp bấp bênh. Làm rác đêm nào cũng thế, ngày nào cũng có sức nặng đè vào, có những bao rác nặng hơn người, mùi rác xộc lên óc cũng khủng khiếp. Nhưng cuối tháng có lương, không lo chuột bọ cắn phá, mất mùa, chỉ lo không có sức khỏe không làm được việc thôi. 

Quý độc giả gần xa, các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm nếu đồng cảm, muốn ủng hộ đến gia đình ông Đăng và một số công nhân thu gom rác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xin gửi ủng hộ về Số tài khoản: 12410008685555. BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm Hà Nội. Chủ TK CONG TY CO PHAN VCCORP.

Mọi sự đóng góp ủng hộ xin ghĩ rõ: Ủng hộ công nhân bị nợ lương

Bốc rác cả đêm, họ ôm rác thay vì ôm nhau. Ông Đăng kể, từ hồi được về công ty vệ sinh Urenco 7 thì sướng hơn một tí, vì công ty nhiều xe, quy trình tốt; chứ hồi còn làm cho công ty Minh Quân, công nhân rác toàn bốc rác bằng tay vào xe gom. Mà toàn rác vụn, dân họ nhồi xuống nén lại, ông toàn phải bới tơi lên rồi bốc lên xe tải, xong lại bốc từ xe xuống máy ép.

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 12.

Từ ngày đi làm rác, cả năm chỉ nghỉ mùng 1 Tết, còn giao thừa, lễ lạt là chúi đầu trong nhà rác cả. Vất vả cực kỳ, nhưng hai vợ chồng vẫn cố, còn xin đưa cả con dâu vào để có công việc ổn định. 

"Đến khi họ nợ lương, quản lý, giám sát đi đâu hết. Có hôm họ hẹn trả lời, mà chúng tôi đến từ sáng đến 12 rưỡi trưa không thấy một ai, chết nắng lại lôi nhau về. Tết năm ngoái là chuyển giao giữa lãnh đạo cũ và mới của công ty, nhưng cũng chẳng có tiền. Chúng tôi vay mượn, nhặt đồng nát để sống lay lắt qua ngày.

Con trai tôi cũng không biết là chúng tôi bị nợ lương đâu. Tôi không kể khổ với con bao giờ. Gần đây tôi lên tivi nó mới biết. Người ta cứ hỏi thăm, cháu nó bảo xấu hổ vì bố nổi tiếng chuyện gì hay ho đã đành, đây nổi tiếng vì cụt chân với đi làm rác bị nợ lương (cười lớn)", ông Đăng kể. 

Con trai ông gàn lâu rồi, bảo ông ở nhà trông cháu, làm ruộng, nuôi cá giống cho đỡ vất vả. Ông thì cứ khăng khăng bảo còn sức thì còn phải làm, con nó đẻ 3 đứa đã gánh nặng, mình còn dựa vào nữa thì biết làm sao. Nhìn 3 đứa cháu bị nhắc nhở vì chậm đóng tiền học, không đứa nào được ăn bán trú vì sợ tốn kém, ông lại càng quyết tâm đòi nợ cho mình, cho con dâu, và cả gần 300 đồng nghiệp của mình nữa. 

Ông trầm ngâm: "Gần đây tôi được mọi người hỏi han, động viên nhiều, tinh thần cũng khá lên một chút. Nhưng tôi cũng ngại, bỗng dưng mọi người phải bận tâm vì mình. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để còn tiếp tục làm việc, ăn miếng cơm nó ngon, chứ để con cái phải đa mang, trở thành gánh nặng cho con thì tủi thân lắm…

Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 13.
Hơn 1.000 đêm ôm rác thay người và số phận nghiệt ngã của ông Đăng cụt bị nợ lương - Ảnh 14.

Cuộc đời khốn khổ đầy nghị lực của ông Đăng "cụt", người công nhân gom rác bị nợ lương

Trần Huyền Trang
Việt Hùng - Đinh Huy

Clip: Kingnews

Bạch Quả
Theo Tổ quốc02/07/2021

Nhịp sống Việt