Hôm nay, Việt Nam tiêm vắc-xin Covid-19 trên người

17/12/2020 09:00 AM | Xã hội

Ba tình nguyện viên đầu tiên, được lựa chọn từ hơn 200 tình nguyện viên, sẽ chính thức nhận mũi tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất.

Thông tin từ Học viện Quân y ngày 16-12 cho biết trong 7 ngày qua, đã có hơn 200 người đăng ký tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax ngừa Covid-19 do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (viết tắt Công ty Nanogen) sản xuất.

An toàn được đặt lên hàng đầu

Đơn vị thực hiện thử nghiệm đã khám sàng lọc và lựa chọn được khoảng 60 người ở độ tuổi 18-50 cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Ngày 17-12, 3 tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin Nano Covax sẽ được tiêm mũi đầu tiên.

"Các trường hợp này được tiêm ở liều 25 mcg/mũi tiêm. Nếu an toàn, 72 giờ sau sẽ tiếp tục tiêm liều 50 mcg/mũi cho 3 người tiếp theo. 72 giờ sau đó tiêm liều 75 mcg/mũi tiêm cho 3 người sau đó.

Nếu kết quả các mũi tiêm dò liều đều an toàn, 51 người tình nguyện còn lại sẽ được chia thành 3 nhóm để thực hiện tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax giai đoạn 1" - nguồn tin cho hay.

TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc-xin - cho biết tất cả những người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm bắp 2 liều vắc-xin.

Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Mỗi tình nguyện viên được theo dõi trong 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.

Để bảo đảm an toàn cho người tham gia nghiên cứu, mục đích chính của giai đoạn này là đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần.

GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, khẳng định Học viện Quân y và Công ty Nanogen đã chuẩn bị rất kỹ cho khâu thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, sự an toàn của các tình nguyện viên sẽ là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/người

Ngày 16-12, Công ty Nanogen và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm đã ký hợp đồng bảo hiểm cho chương trình thử nghiệm vắc-xin Nano Covax trước khi chính thức tiêm ngừa trên người tình nguyện.

Chương trình bảo hiểm này kéo dài trong suốt 3 giai đoạn thử nghiệm vắc-xin với số tiền bảo hiểm 20 tỉ đồng, trong đó quyền lợi tối đa cho cá nhân là 100 triệu đồng.

Theo đại diện nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra tai biến vắc-xin và các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe người tình nguyện do quá trình thử nghiệm vắc-xin, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm thanh toán, bồi thường các chi phí.

Về việc hỗ trợ chi phí cho người tham gia tình nguyện thử vắc-xin Covid-19, ông Quang thông tin thêm nhóm nghiên cứu sẽ chi trả những khoản hợp lý như đi lại, ăn nghỉ... và chỉ hỗ trợ chi phí cho đối tượng đủ điều kiện tham gia nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin.

Theo TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển Công ty Nanogen, đơn vị này đã sản xuất 5.000 liều vắc-xin để thử nghiệm. Hiện vắc-xin đã được vận chuyển ra Hà Nội để sẵn sàng tiêm thử nghiệm.

Vắc-xin Nano Covax được phát triển trên công nghệ tái tổ hợp protein. Công nghệ này lấy trình tự một đoạn protein gai trên SARS-CoV-2, tích hợp nó vào một dòng tế bào động vật được nuôi cấy.

Tế bào phân chia, lớn lên, sản xuất ra protein của SARS-CoV-2. Protein này sau đó được xử lý và pha chế với các tá dược khác để tạo thành vắc-xin. Trước khi thử nghiệm trên người, vắc-xin đã được thử nghiệm trên nhiều loại động vật và đều cho kết quả đáp ứng miễn dịch tốt, ít tác dụng phụ.

Hiện vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam dự kiến có giá 120.000 đồng/liều; mỗi người sẽ tiêm 2 liều với tổng chi phí là 240.000 đồng.

Đây là vắc-xin đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Ngoài Công ty Nanogen, Việt Nam còn 3 nhà sản xuất vắc-xin khác. Dự kiến, tháng 2-2021, vắc-xin Covid-19 của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và tháng 3-2021, vắc-xin của Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người.

WHO tìm thêm nguồn cung vắc-xin cho các nước nghèo

Theo hãng tin Reuters, ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hôm 15-12 cho biết WHO đang thảo luận với 2 Công ty Pfizer và Moderna (đều của Mỹ) về khả năng sớm cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước nghèo với mức giá hợp lý trong khuôn khổ sáng kiến COVAX.

Sáng kiến COVAX ra đời nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng đối với vắc-xin Covid-19 trên thế giới và đang hướng tới mục tiêu cung cấp khoảng 2 tỉ liều vắc-xin vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, Mỹ và Nga vẫn chưa tham gia chương trình này.

Theo một nghiên cứu được Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ) công bố ngày 16-12, ít nhất 20% dân số thế giới có thể chỉ tiếp cận được vắc-xin Covid-19 vào năm 2020.

Các nước phát triển chiếm khoảng 14% dân số thế giới, đã đặt trước hơn một nửa liều vắc-xin dự kiến được sản xuất bởi 13 công ty hàng đầu trong năm 2021. Trong khi đó, chỉ mới có 6 trong số 13 nhà sản xuất đạt được thỏa thuận bán vắc-xin cho các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Là nước đầu tiên nhận vắc-xin Covid-19 tại Đông Nam Á, Indonesia sẽ tập trung tiêm vắc-xin Covid-19 cho người trong độ tuổi 18-59, bắt đầu với người làm việc trong tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, cảnh sát và quân đội. Trái với Indonesia, hầu hết quốc gia khác ưu tiên tiêm vắc-xin cho người cao tuổi trước.

B.Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM