Hôm nay, cây sưa trăm tỷ đồng ở Hà Nội sẽ được chặt hạ
Cây sưa trăm tỷ đồng ở làng Phụ Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sẽ được người dân khai thác vào hôm nay (27/1).
Tối 26/1, ông Vũ Văn Tuyến, Trưởng thôn Phụ Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, vào khoảng 7h ngày (27/1), người dân sẽ đốn hạ cây sưa trong khuôn viên đình của thôn.
Theo ông Tuyến, quá trình chặt hạ sẽ có sự giám sát của cơ quan liên quan và cả công an.
“Toàn bộ quá trình chặt hạ cây sưa sẽ được giám sát bởi các cơ quan chức năng. Đồng thời, lực lượng công an huyện, công an xã sẽ có mặt để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương” - ông Tuyến nói.
Cây sưa được bảo vệ bằng hàng rào thép.
Theo ông Nguyễn Xuân Ngợi (75 tuổi), Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Phụ Chính, cộng đồng dân cư Phụ Chính gồm 23 thành viên sẽ giám sát việc khai thác cây.
“Từ khâu chặt hạ, đào rễ, vận chuyển gỗ sưa cất giữ vào thùng xe container được thực hiện bởi một nhóm thợ gồm 4 người do chúng tôi thuê khoán” - ông Ngợi cho biết thêm.
Được biết, làng Phụ Chính có 2 cây sưa trong khuôn đình của thôn. Trong đó, cây sưa đỏ được chặt hạ vào ngày 27/1 có giá hàng trăm tỷ đồng, đang mục nát dần theo thời gian nên được dân làng đề xuất gửi các cơ quan chức năng về việc khai thác cây để có kinh phí tu sửa các công trình tâm linh và phúc lợi trong thôn.
Theo dân làng, tuổi đời của cây sưa đỏ này khoảng 130 năm. Cây có chiều cao khoảng trên 10 m, đường kính trên 1 m.
Trước đó, cây sưa này có 2 nhánh lớn nhưng 1 nhánh bị gãy đổ và được bán đấu giá cho một đại gia gỗ ở xã Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng vào năm 2010.
Tuy nhiên, vụ mua bán đã gây ra những lùm xùm trong thời gian dài vì khi xe chở số gỗ sưa trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính, sang xã Đồng Phú thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ.
Năm 2015, số gỗ sưa bị cơ quan chức năng tạm giữ được bán đấu giá, thu về số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Nói về giá trị của cây sưa, chuyên gia Lê Quý Cường, nguyên kỹ sư Viện điều tra Quy hoạch rừng cho biết, cây sưa có 2 phần là phần lõi và phần rác. Trong đó, phần lõi có mùi thơm, chắc, vân đẹp, không bị mối mọt là phần có giá trị nhất, còn phần rác thì không có giá trị.
"Cây càng lâu năm thì lõi càng lớn và giá trị càng cao. Tuy nhiên, khi cây đến độ tuổi nhất định thì sẽ bị mục rỗng ruột, ví dụ như cây sưa ở Chương Mỹ đến nay đã hơn 100 năm tuổi", ông Cường cho hay.
Ông Cường cho hay, khi khai thác cây sưa, người ta dùng phần lõi để làm đồ mỹ nghệ, xưa kia vua chúa còn dùng để đóng quan tài vì không bị mối mọt. Còn về mặt y học, ông Cường cho rằng gỗ sưa không có giá trị.
"Chưa có sách nào cho thấy cây sưa có giá trị về y học, mà nó chỉ có giá trị là một loại gỗ qúy, chắc và thơm", ông Cường nói.