'Hội nghị Diên Hồng' về kinh tế: 100 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Đại dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) lao đao. Để động viên tinh thần và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN, ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Chuẩn bị cho hội nghị này, các bộ, ngành đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó chỉ riêng VCCI đã kiến nghị 100 giải pháp.
Chính sách hỗ trợ DN vẫn còn hạn chế
Ngày 7/5, Bộ KH&ĐT tổ chức họp báo về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020. Theo Thứ trưởng KH&ĐT Vũ Đại Thắng, lần đối thoại này được xem như Hội nghị Diên Hồng về kinh tế, là hội nghị của lòng yêu nước, sự đoàn kết của cộng đồng DN cùng Chính phủ đưa đất nước đi lên sau đại dịch. Bộ KH&ĐT đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, hiệp hội DN để lắng nghe, tìm hiểu khó khăn vướng mắc và đánh giá của cộng đồng DN với chính sách của Chính phủ ban hành trong thời gian qua và tìm dư địa để xây dựng chính sách hỗ trợ mới.
“Đối thoại lần này không phân tích mổ xẻ khó khăn, vướng mắc của DN mà tập trung vào ý kiến, hiến kế, tham mưu của cộng đồng DN cho Chính phủ, bộ, ngành để xây dựng cơ chế, chính sách mới”, ông Thắng cho biết.
Một trong những nội dung chính của hội nghị là đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và địa phương ban hành. Ông Châu Minh Nguyện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh Đồng Nai cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, DN giảm đến 90% doanh thu, thậm chí không có doanh thu, không có lợi nhuận nên việc giãn thời gian nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN không có ý nghĩa. Hầu hết DN nhỏ và vừa thuê lại đất hoặc thuê đất nhà xưởng nên không được hưởng chính sách giãn tiền thuê đất. Nhiều DN không được hưởng chính sách giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội khi không đáp ứng điều kiện 50% lao động ngừng việc lý do là công nhân nghỉ luân phiên.
“Chính phủ giao ngân hàng sắp xếp gói tín dụng 250.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ DN. Nhưng việc tiếp cận nguồn này khó khăn do đa số DN không còn tài sản thế chấp”, ông Nguyện nói.
Ông Nguyện đề xuất, Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, mạnh dạn cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí để DN nhanh chóng hồi phục. Bộ KH&ĐT nhanh chóng trình Chính phủ ban hành kịch bản phát triển kinh tế thời hậu COVID-19 với chính sách mạnh và thủ tục đơn giản để DN tiếp cận, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, hội nghị sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề như nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, phát hiện cơ hội mới, để thích ứng với hoàn cảnh mới. Nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành địa phương và đặc biệt là bộ ngành, doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.
“Nội dung thảo luận tại hội nghị xoay quanh thông tin về hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh các chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt gãy. Chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước; chủ động các nguồn cung vật liệu cho sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị sản phẩm y tế…”, ông Hùng thông tin.
Ưu tiên vực dậy DN “ngủ đông”
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Đăng ký Quản lý kinh doanh, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “ngủ đông” vì dịch. Điều này thể hiện qua con số DN tạm ngừng kinh doanh tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn DN chưa “chết”, chỉ “đóng băng” chờ thị trường hồi phục mới trở lại hoạt động. Ngoài ra, trong tháng 4/2020, số lượng DN quay trở lại hoạt động tăng gần 40% cho thấy niềm tin và dòng tiền của DN đã xuất hiện.
“Để cộng đồng DN có thể hồi phục, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ để chặn đà DN giải thể và vực dậy DN đang ngủ đông”, ông Tuấn kiến nghị.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đề nghị Chính phủ: Xác nhận COVID-19 là sự kiện bất khả kháng để đồng nhất cách hiểu và tránh tranh chấp phát sinh khi hỗ trợ DN du lịch đàm phán với hãng hàng không về chính sách hoãn, hủy, hoàn tiền cho DN; Có nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính cho DN như cho phép DN lữ hành được hoàn ứng 50% số tiền 500 triệu đồng ký quỹ khi xin cấp phép lữ hành quốc tế. Số tiền này sẽ giúp DN có vốn lưu động trong thời hạn 2 năm. Cùng đó việc giảm thuế VAT xuống 5% và giảm thuế thu nhập DN cũng là giải pháp tốt để hỗ trợ DN lúc này.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ mở rộng hỗ trợ cho ngành du lịch như giảm 50% các loại tiền thuê đất, tiền điện nước phục vụ kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho năm tài chính 2020 và 2021. Cho phép DN chậm nộp bảo hiểm xã hội đến cuối 2020…”, ông Kiên kiến nghị.
VCCI lo doanh nghiệp Việt bị thâu tóm
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi gần 100 kiến nghị, đề xuất giải pháp tới Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho DN. Giải pháp thuộc các nhóm như chính sách tài khóa; tín dụng; lao động, tiền lương, công đoàn; chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19; Cải cách thủ tục hành chính…
VCCI cho hay, thực tế đang tồn tại rất nhiều loại phí, lệ phí, giá liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cần sớm ban hành chính sách giảm phí, lệ phí như giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay, phí giao thông đường bộ thu trên đầu phương tiện, giá dịch vụ hàng không…
“Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, bán lẻ... VCCI đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiến nghị.
Đặc biệt, để hỗ trợ, vực dậy cộng đồng DN, VCCI đề nghị Chính phủ chuẩn bị nhiều kịch bản. Có chính sách tài chính để doanh nghiệp duy trì lực lượng lao động và dưỡng lao động. Chính sách hỗ trợ trực tiếp để thúc đẩy giao thương nội địa, giữ dòng tiền. Đây cũng là thời điểm nên bắt đầu giải ngân cho các dự án lớn, để thu hút lao động, giảm thất nghiệp.