Hồi kí kinh hoàng của ‘nữ hoàng’ trượt băng nghệ thuật thế giới: Tiết lộ từng bị chính đồng nghiệp xâm hại đến trầm cảm nặng nhưng 5 năm không được giải quyết
Trong cuốn hồi ký mới, nữ VĐV trượt băng quốc gia Hoa Kỳ từng 2 lần vô địch giải thế giới đã dũng cảm bỏ chiếc mặt nạ 'Barbie' của mình để kể về những góc khuất đen tối mà cô từng phải chịu đựng.
Có một thực tế đặc biệt của môn trượt băng nghệ thuật dành cho các nữ vận động viên đó là họ được huấn luyện để nở nụ cười tươi hơn sau những cú ngã ngay trong chương trình. Điều này khiến cho mọi người tưởng rằng họ vô cùng mạnh mẽ, hay cuộc sống thể thao thật tuyệt vời ngay cả khi bạn thất bại. Song sự thực không bao giờ đẹp như vậy.
Gracie Gold, sinh năm 1995, từng được xem là một trong những vận động viên trượt băng nghệ thuật giỏi nhất thế giới. Thế nhưng, ít ai biết cô từng suy sụp nghiêm trọng trước Olympic Mùa đông 2018, khiến cô bắt đầu đặt những câu hỏi về mặt trái của bộ môn này. Trong cuốn hồi ký xuất bản gần đây, Gracie đã trải lòng về những khó khăn trong đời vận động viên của cô, cũng như các góc khuất chưa được biết đến của bộ môn trượt băng nghệ thuật Mỹ.
Gracie cho biết, quá trình đạt đẳng cấp thế giới của một vận động viên trượt băng không mấy đẹp đẽ, gần như không thể tránh khỏi tâm lý ám ảnh đến từ chế độ ăn uống khắt khe.
"Mỗi thành viên của đội tuyển trượt băng Mỹ nên được trao giấy bút để liệt kê những ảnh hưởng phụ có thể phải trải qua khi phát triển, gồm rối loạn ăn uống, trầm cảm, lo âu, suy nghĩ lìa xa cuộc đời", cô viết trong sách.
Chưa kể, trượt băng nghệ thuật nguy hiểm ở chỗ thúc đẩy cô gái trẻ luôn sống trong suy nghĩ "phải đảm bảo mọi thứ tốt nhất",
"Trượt băng tập trung vào tính chính xác, độ hoàn hảo, dần trở thành nỗi ám ảnh tâm lý lớn", Gracie nói.
Gracie mắc chứng rối loạn ăn uống, vốn bắt đầu trước 2014, ngày càng nghiêm trọng khiến cô phải dùng thuốc nhuận tràng. Năm 2016, cô tiếp tục vật lộn sau khi thất bại với màn trình diễn không hoàn hảo tại giải vô địch thế giới.
"Thật bất ngờ khi tôi vẫn cười tươi trước những cảm xúc tưởng như không thể kiềm chế nổi vào thời điểm đó", cô kể.
Đặc biệt, trong mùa giải tiếp theo mới thực sự là một thảm họa khi cô bị chính một vận động viên trượt băng khác cưỡng hiếp trong phòng khách sạn nơi Gracie và chị gái tổ chức tiệc. Sau vụ việc, cô được chẩn đoán mắc trầm cảm nặng, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và tăng tới 22kg. Gracie buộc phải rời nơi huấn luyện để điều trị nội trú ở Arizona, viện phí do cơ quan quản lý trượt băng Mỹ chi trả.
Hai năm sau khi Gracie tố cáo vụ cưỡng hiếp, Trung tâm An toàn Thể thao Mỹ mới liên lạc với cô để tìm hiểu thêm, song Gracie cũng không biết thêm thông tin gì kể từ đó. Tất cả những gì cô biết là sự việc đã được chuyển cho một nhân viên khác phụ trách. Đến nay, đã 5 năm xảy ra vụ việc nhưng mọi thứ vẫn đi vào ngõ cụt.
"Trung tâm đang xem xét kỹ lưỡng sự việc này và làm rõ nguyên nhân cho sự chậm trễ không thể chấp nhận được", giám đốc điều hành Ju'Riese Colon sau đó cho biết.
Theo WSJ, nhiều phần trong cuốn hồi ký của Gracie có thể phản ánh chính xác sự nghiệp của một số vận động viên trượt băng khác, những người tập luyện toàn thời gian, học tại nhà, chịu áp lực lớn, thường xuyên phải di chuyển và thường có mâu thuẫn gia đình.
Tracy Marek, lãnh đạo mới của cơ quan quản lý trượt băng Mỹ, đánh giá cao sự trung thực trong cuốn hồi ký, tỏ mong muốn làm việc cùng Gracie trong tương lai vì sức khỏe và an toàn của vận động viên.
"Chúng tôi lắng nghe và tự hào về Gracie, về những gì cô ấy đã vượt qua", Marek nói.
Được biết, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng nữ VĐV 9x khẳng định sẽ không "buộc tội" môn thể thao này. Cô vẫn muốn thi đấu trở lại sau thời gian phục hồi vì còn đam mê, với mục tiêu trở thành vận động viên trượt băng nghệ thuật đẳng cấp mà không gây hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần.
"Phần khó nhất khi viết sách là đảm bảo người đọc không ghét trượt băng. Tôi không coi trượt băng là kẻ thù, chỉ là có rất nhiều thứ xung quanh môn thể thao này", Grace nói, đề xuất thành lập đường dây nóng cho vận động viên thiếu niên, xem xét vai trò cân nặng, khuyến khích nghỉ ngơi để giải quyết vấn đề tâm lý.
"Tôi hy vọng trong 10, 20, 30 năm tới, nước Mỹ có thể thấy nhiều thay đổi tích cực trong môn trượt băng nghệ thuật", Gracie bày tỏ.
Theo The Wall Street Journal