'Hồi chuông báo tử’' của những trung tâm thương mại lâu đời ở Nhật Bản
Covid-19 đang dần tung đòn kết liễu các trung tâm mua sắm lâu đời tại Nhật Bản.
Sau hơn 3 thế kỷ hoạt động, trung tâm thương mại Onuma ở thành phố Yamagata, miền bắc Nhật Bản đang bắt đầu thực hiện các thủ tục xin phá sản. Nhiều trung tâm thương mại nổi tiếng trên khắp nước này cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự.
Được biết đến với những khu ẩm thực sang trọng, các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ xa xỉ, dịch vụ hoàn hảo với khu vui chơi giải trí hấp dẫn cho nhiều gia đình, song giờ đây, nhiều trung tâm thương mại của Nhật Bản đang rơi vào giai đoạn suy giảm trầm trọng khi thói quen mua sắm của người dân dần thay đổi.
Covid-19 buộc các nhà bán lẻ nổi tiếng của Mỹ như Lord & Taylor, Neiman Marcus phải nộp đơn phá sản, và giờ đây, đại dịch cũng đang dần tung đòn kết liễu các trung tâm mua sắm lâu đời tại Nhật Bản.
Vào tháng trước, chuỗi cửa hàng 146 năm tuổi Nakago phải đóng cửa cửa hàng cuối cùng tại thành phố Fukushima. Trong khi đó, Izutsuya, một chuỗi cửa hàng ở thành phố miền nam Kita Kyushu, cũng phải tạm dừng hoạt động 1 trong 2 cửa hàng chính.
“Mọi người đều công nhận rằng điều đó rất đáng thất vọng. Nhưng sự thật là gần đây mọi người không đến mua sắm tại các cửa hàng này nữa”, ông Sushei Yamashita, một nhà tư vấn bán lẻ cho biết. Ông cũng bày tỏ hy vọng sẽ mua lại Onuma từ các chủ nợ và vực dậy trung tâm thương mại này một lần nữa.
Từ đầu năm tới nay, việc người tiêu dùng hạn chế mua sắm và đi du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến doanh số bán hàng sụt giảm đáng kể. Doanh thu của ngành này trong tháng 7 đã giảm 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng sẽ ngày càng có nhiều cửa hàng phải đóng cửa, và việc phá sản là không thể tránh khỏi.
Covid-19 buộc các nhà bán lẻ nổi tiếng của Mỹ như Lord & Taylor, Neiman Marcus phải nộp đơn phá sản, và giờ đây, đại dịch cũng đang dần tung đòn kết liễu các trung tâm mua sắm lâu đời tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, các trung tâm thương mại Nhật Bản cũng đã phải vật lộn để tồn tại. Họ vẫn phải bán các mặt hàng xa xỉ, chẳng hạn như bộ kimono truyền thống trị giá 10.000 USD hay dụng cụ nhà bếp sang trọng để giữ lại dấu ấn của mình ngay cả khi thị hiếu của người tiêu dùng đã hướng tới các mặt hàng bình dân hơn. Không những thế, người tiêu dùng cũng đang ngày một mua sắm trực tuyến nhiều hơn.
Thống kê cho thấy, cả doanh số bán hàng và số lượng các cửa hàng tại Nhật Bản đều giảm 30% kể từ năm 1999. Nhiều cửa hàng trong số 203 trung tâm thương mại của nước này cũng đã thu hẹp đáng kể diện tích mặt bằng, bằng cách chia nhỏ để thu hút thêm nhiều người thuê khác.
Các chuỗi cửa hàng và trung tâm thương mại tại các thành phố lớn trên toàn quốc cũng không ngoại lệ. Đơn cử, tập đoàn Isetan Mitsukoshi đã phải đóng cửa một số cửa hàng trong thập kỷ qua. Tháng 3, tập đoàn này cũng cho biết sẽ đóng cửa trung tâm thương mại Mitsukoshi ở trung tâm thành phố Tokyo vào năm tới.
Tuy nhiên, triển vọng của các trung tâm thương mại và tác động đối với nền kinh tế địa phương - vốn đã bị bao trùm bởi hàng thập kỷ giảm phát, tăng trưởng âm và làn sóng di cư của những người trẻ tuổi tìm kiếm những công việc tốt hơn - đang gây ra mối lo ngại lớn nhất.
Các nhà hoạch định chính sách lo lắng các trung tâm thương mại phá sản sẽ gieo mầm khủng hoảng, làm trầm trọng thêm các nguy cơ của nền kinh tế địa phương, đến mức những bên cho vay trong khu vực sẽ không thể đối phó với sự gia tăng các khoản nợ xấu.
“Việc đóng cửa các cửa hàng này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá bất động sản, việc làm và nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế khu vực vốn đã suy thoái”, một quan chức chính phủ có chuyên môn về tài chính nhận định.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, ứng cử viên hàng đầu vào chiếc ghế tân thủ tướng, trong tháng đã nhấn mạnh việc phục hồi nền kinh tế khu vực là ưu tiên quan trọng.
Tuy nhiên, cam kết sẽ tung gói kích thích trị giá 2,2 nghìn tỷ USD của chính phủ dành cho các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch liệu có được phân bổ cho các cửa hàng bách hóa không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Một số quan chức chính phủ và chính trị gia cho rằng số tiền này cần được chuyển đến các ngành có tương lai hơn.
Mọi thứ đang thay đổi
Tại tỉnh Yamagata, tương lai của trung tâm thương mại Onuma vẫn còn mờ mịt. Mặc dù công ty của ông Sushei Yamashita vẫn muốn tiếp tục duy trì hoạt động của Onuma, song các chủ nợ có thể lựa chọn bán lại cho người trả giá cao hơn.
Một số người dân địa phương có vẻ chấp nhận sự thất bại của Onuma. Họ cho rằng Onuma không theo kịp những thay đổi trong lối sống, bao gồm cả sự gia tăng của các nhà bán lẻ trực tuyến và các liên kết vận chuyển nhanh hơn đến các thành phố lớn hơn.
“Cơ sở hạ tầng, giao thông, lối sống, thông tin, văn hóa, giá trị, mọi thứ đã thay đổi”, Takashi Inoue, chủ tịch một công ty gia công kim loại ở thành phố Yamagata, viết trên blog khi đề cập về vụ phá sản của Onuma.
Công ty của ông Yamashita vẫn đang giúp Onuma duy trì hoạt động đến cuối tháng 9, mặc dù khu ẩm thực đã phải đóng cửa. Khách hàng cũng bị hạn chế mua sắm hàng hóa từ một số gian bán quần áo và đồ gia dụng.
Tuy nhiên, Yamashita không từ bỏ hy vọng các chủ nợ sẽ bị thuyết phục bởi kế hoạch cải tạo trung tâm thương mại này của ông.
“Đó là nơi mà mọi người từng yêu thích. Sẽ rất tiếc nếu nơi này chỉ trở thành một tòa nhà cao tầng như những tòa nhà bình thường khác”, ông nói.