Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM bức xúc: "Nhiều vụ bạo hành trẻ không khởi tố khiến cho người ta cứ đánh thoải mái vì nghĩ sẽ không sao"

28/12/2021 14:30 PM | Xã hội

Trước sự ra đi đau lòng của bé V.A khi bị chính vợ sắp cưới của bố đánh đập, bạo hành, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết đang hỗ trợ cho gia đình bé gái các thủ tục pháp lý để đòi quyền lợi cho con, đưa vụ việc ra ánh sáng.

Sáng 28/12, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng chi hội luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết ngày hôm qua (27/12), Hội đã nhận được đơn yêu cầu hỗ trợ pháp lý của mẹ và bác ruột của bé V.A (8 tuổi, nạn nhân bị vợ sắp cưới của bố đánh đập, bạo hành đến chết).

Theo luật sư Ngọc Nữ, bé V.A đã học lớp 3, bảo vệ chung cư cũng đã biết được việc bé V.A có dấu hiệu bị đánh đập, bạo hành trong chính ngôi nhà của mình nhưng vẫn không tiến hành báo công an. Hơn nữa, chung cư này nằm ở ngay trung tâm thành phố, sang trọng chứ không phải là một vùng quê hẻo lánh để bảo rằng thiếu hiểu biết pháp luật.

 Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM bức xúc: Nhiều vụ bạo hành trẻ không khởi tố khiến cho người ta cứ đánh thoải mái vì nghĩ sẽ không sao - Ảnh 1.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

“Hiện nay, dù vợ bị bạo hành, đứa trẻ bị bạo hành (những người yếu thế) khi họ ra báo công an, thường thường có một vấn đề xảy ra là công an nói chuyện gia đình, không đủ chứng cứ, chuyện gia đình để gia đình giải quyết. Chứ thường không mời những người đó lên… Cho đến khi bị bạo hành quá nhiều lần, những nạn nhân đến Hội cầu cứu thì đã có thương tích rồi.

Riêng bé V.A là một câu chuyện đầy đau lòng khi con đã từng bị bạo hành trước đây, trên cơ thể đã có những vết thương cũ rồi nhưng lại không một ai đi tố cáo, giúp đỡ bé.

Hơn nữa, khi mẹ bé V.A đến thăm con thì gặp phải sự phản ứng, ngăn cản của người chồng, không cho gặp con. Việc này là đã vi phạm bản án ly hôn của 2 vợ chồng khi không tạo điều kiện cho 2 bên gặp, thăm con của mình.

Nếu như người bố tạo điều kiện cho người mẹ vào thăm bé V.A có thể câu chuyện đã khác, bé V.A có thể tâm sự với mẹ chuyện mình bị đánh hoặc bày tỏ lý do không thích ở với bố. Người mẹ cũng có thể phát hiện vết thương của đứa trẻ mà hỏi, sẽ không dẫn đến cái chết đau lòng của đứa bé”, luật sư Ngọc Nữ bày tỏ.

Theo luật sư Nữ, hiện nay có rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em, dù có clip, chứng cứ nhưng sau một thời gian điều tra lại trả về kết quả không khởi tố…, điều này khiến cho những người tố cáo, trẻ em và cả những người dân dần mất niềm tin vào sự công bằng, quyền lợi của trẻ.

 Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM bức xúc: Nhiều vụ bạo hành trẻ không khởi tố khiến cho người ta cứ đánh thoải mái vì nghĩ sẽ không sao - Ảnh 2.

Đơn cử như vụ việc bảo vệ dân phố đánh 2 thiếu niên ở quận 10 , có clip đánh đập nhưng giám định thương tích là 0%, sau đó không khởi tố.

“Đánh dã man như vậy nhưng không khởi tố khiến cho nhiều người nghĩ cứ đánh thoải mái đi vì đánh cũng không bị sao. Chính những kẽ hở này khiến cho tình trạng bạo hành ở trẻ em ngày càng nhiều. Khi trẻ em bị đánh đập cũng không dám ra công an để tố cáo vì sợ sẽ không đi đến đâu”, luật sư Ngọc Nữ bức xúc.

Theo Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, khi nào có sự cố, phát hiện việc bạo hành ở trẻ em, mọi người cần nhanh chóng tố cáo, báo cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, đường dây nóng 111 luôn hỗ trợ 24/24 để tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em, tránh những sự việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra.

 Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM bức xúc: Nhiều vụ bạo hành trẻ không khởi tố khiến cho người ta cứ đánh thoải mái vì nghĩ sẽ không sao - Ảnh 3.

Hình ảnh Võ Nguyễn Quỳnh Trang lúc bị bắt

Cũng trong sáng nay, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về hành vi “Hành hạ người khác” dẫn đến cái chết đau lòng của bé V.A (8 tuổi, con của chồng sắp cưới của Trang).

Trong khi đó ông N.K. (bố ruột bé A.) đã được cơ quan điều tra cho về nhà (tạm thời không được rời khỏi nơi cư trú) sau khi đã lấy lời khai.

Theo Văn Tiên

Cùng chuyên mục
XEM