Học tiến sĩ để làm gì?
Mấu chốt của việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là việc các nghiên cứu sinh xác định học tiến sĩ để làm gì?
Cần định nghĩa lại danh xưng tiến sĩ
Theo PGS.TS Phạm Thanh Phong (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc), để nâng cao chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam thì trước hết, cần định vị lại danh xưng tiến sĩ trong môi trường học thuật.
Học vị tiến sĩ phải được hiểu như một học vị khoa học được định nghĩa từ châu Âu chứ không nên được hiểu như là kết quả của các kỳ thi của văn hóa Khổng Giáo. Cần phải phân biệt giữa hai loại tiến sĩ: Một là những tiến sĩ danh dự dành cho những người có đóng góp về học thuật, chính trị và thỏa mãn các tiêu chí của đại học nhưng không hề qua 1 chương trình học tiến sĩ nào của trường đó.
Loại thứ hai là tiến sĩ chúng ta đang bàn tới, là những người phải có các dự án nghiên cứu, luận án chứa đựng các nghiên cứu có tính học thuật độc sáng, những nội dung này đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học có quá trình bình duyệt nghiêm túc.
Trước đó, trong cuộc tọa đàm về nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hồi đầu tháng 11, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng nêu lên quan điểm này.
Theo ông Nhung, quy chế đào tạo tiến sĩ trước hết cần phải thể hiện rõ định nghĩa thế nào là tiến sĩ. "Trong quá trình làm nghiên cứu sinh và khi bảo vệ để được cấp bằng tiến sĩ thì dứt khoát không thể không có phát minh, không có cái mới, dù mức độ có thể khác nhau".
PGS. TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật HN cũng khẳng định, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ cần xác định rõ mục tiêu đào tạo tiến sĩ.
" Phải xác định đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhà khoa học có khả năng nghiên cứu, có khả năng đóng góp cho đất nước và có năng lực hội nhập" - bà Lan Anh nói.
Cũng tại cuộc tọa đàm này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thời gian qua có vấn đề về chất lượng là do người học không xác định được mục tiêu của việc học tiến sĩ.
"NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo" - ông Ga phân tích.
Thị trường sẽ tự thải loại bằng tiến sĩ "rởm"
TS Lê Tiến Dũng, một người có nhiều thời gian trải nghiệm tại các cơ sở đào tạo nghiên cứu sau ĐH ở nước ngoài cho rằng, mấu chốt của vấn đề chất lượng đào tạo tiến sĩ có thể không nằm ở những quy định về "đầu vào" hay "đầu ra" mà ở chỗ chúng ta đang bổ nhiệm dựa vào bằng cấp.
"Chung quy lại, xã hội và thị trường sẽ tự điều chỉnh nếu như những người có bằng tiến sĩ kém chất lượng không được bổ nhiệm. Khi đó, những người học sẽ tự biết để không chạy theo những bằng cấp kém chất lượng nữa" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, khi nhu cầu về những bằng tiến sĩ kém chất lượng giảm đi, người học chỉ tìm đến những cơ sở đào tạo có uy tín thì các cơ sở đào tạo cũng tự biết mình phải làm gì.
Thị trường sẽ tự điều chỉnh nếu những người có bằng tiến sĩ rởm không được bổ nhiệm.
GS Trần Văn Nhung cũng từng chia sẻ, chúng ta không cần phải có quá nhiều tiến sĩ, "quý hồ tinh bất quý hồ đa". "Ở các nước tiến sĩ sẽ về trường ĐH, viện nghiên cứu chứ làm công tác quản lý thì không cần (bằng tiến sĩ - PV). Ở mình bổ nhiệm một người lại ưu tiên có bằng tiến sĩ".
"Cơ quan quản lý không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ, chỉ cần tinh thông pháp luật, trách nhiệm cao và làm việc hiệu quả cao chứ không cần chạy theo cái bằng" - ông Nhung nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nam Trân, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, hiện đang làm việc tại Mỹ cho biết, tại các nước Âu, Mỹ, những người có bằng tiến sĩ ở những trường đại học không có chất lượng thì không thể nào xin được việc.
"Khi nộp đơn xin việc, công ty sẽ chuyển hồ sơ của ứng viên cho một công ty chuyên xác minh lý lịch. Việc phỏng vấn xin việc diễn ra trong nhiều ngày, trải qua mấy vòng nên rất dễ kiểm tra. Vì vậy, khó có chuyện người không xứng đáng qua mặt được người tuyển dụng" - ông Trân chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Trân, tại các quốc gia này, thông tin về chất lượng đào tạo các trường cho đến các công bố khoa học của các tiến sĩ đều khá minh bạch, chỉ cần tìm kiếm trên gooogle 5 phút là có thể biết được chất lượng của trường đến đâu. Vì vậy, ở Việt Nam, thực hiện điều này không dễ.
Trong khi đó, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, ĐHQGHN thì cho rằng, những người có bằng tiến sĩ vẫn có thể bổ nhiệm vào các vị trí quản lý được. Quan trọng là tiến sĩ có thực chất hay không.
"Nếu như tiến sĩ thực chất, có đầy đủ kiến thức cộng với năng lực, trưởng thành từ cơ sở, có kinh nghiệm thì khi tuyển chọn có thể ưu tiên tuyển chọn người có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều khi tiêu chí tuyển chọn không được áp dụng đúng. Đôi khi bằng tiến sĩ là điều kiện cần để bổ nhiệm" - ông Đức nói.
Theo ông Đức, mấu chốt của vấn đề là ở việc trọng dụng đúng người có năng lực, trọng dụng đúng cán bộ, khi đó, xã hội sẽ tự phân hóa. "Ở nước ngoài, những tiến sĩ không có năng lực thì tự nhiên sẽ bị loại khỏi các phòng thí nghiệm, không thể nào trụ được".
Theo thống kê của Cục Thông tin KHCN, Bộ KHCN, hiện tại, Việt Nam đang có hơn 24,5 nghìn tiến sĩ, trong đó chỉ có khoảng 12,3 nghìn tiến sĩ đang làm ghiên cứu khoa học (tức làm hoạt động nghiên cứu tại các trường ĐH, viện nghiên cứu và các trung tâm R&D của doanh nghiệp...)
Theo chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các cơ sở đào tạo gồm các viện, trường, mỗi năm, Việt Nam có thêm từ 1.000-1.500 tiến sĩ mới được cấp bằng.