Học giả Phan Ngọc - đi guốc mộc nói chục thứ tiếng
Học giả Phan Ngọc thông thạo nhiều ngoại ngữ và có thể kiếm sống bằng nghề dịch nhiều thứ tiếng. Song đâu mới là bí quyết để ông chinh phục các ngôn ngữ ấy?
Truyền thống gia đình
Giáo sư Phan Ngọc là người biết nhiều ngoại ngữ. Ông thông thạo 5 ngoại ngữ là La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italia và có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Thái Lan và tiếng Campuchia. Ông chia sẻ ông biết 12 ngoại ngữ, song nhiều người cho rằng ông đã nghiên cứu khoảng 20 ngoại ngữ trên thế giới.
Phan Ngọc dịch nhiều tác phẩm kinh điển như Thần thoại Hy Lạp; Chiến tranh và hòa bình (từ tiếng Nga), kịch Shakespeare (từ tiếng Anh), Sử ký Tư Mã Thiên và thơ Đỗ Phủ (từ chữ Hán), Triết học Hegel (từ tiếng Đức). Chương trình Người đương thời, VTV3 từng làm chuyên đề về ông - người thông thạo nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam.
Điều gì khiến Phan Ngọc, từ anh lính vệ quốc đoàn trở thành một học giả thông thạo nhiều ngôn ngữ như vậy, dù phần lớn thời gian ông chỉ ở Việt Nam?
Giáo sư Phan Ngọc sinh năm 1925, trên mảnh đất xứ Nghệ, vốn là đất học nổi tiếng với nhiều nhà khoa bảng. Bản thân ông lại được sinh ra trong gia đình quyền quý và có học vấn cao. Bố ông là cụ Phan Võ, quan thượng thư triều Nguyễn. Dòng họ Phan ở đất Nghệ An, Hà Tĩnh cũng rất nổi tiếng về học vấn.
Tiến sĩ Phan Huy Dũng (Đại học Vinh) kể: “Ở quê, nhà cụ Phan Ngọc cách nhà ông bà tôi khoảng 1 km (ngoại cũng thế, nội cũng thế). Mẹ tôi kể ông Phan Ngọc có người anh rất giỏi nhưng bị tâm thần rồi mất sớm, gọi là ông Tú Long (dân làng thường cho ông là kẻ ngộ chữ, toàn xổ ra từng tràng tiếng Pháp một mình). Sau cải cách ruộng đất, ông Phan Ngọc trước khi ra hẳn Hà Nội, có đến thăm nhà bố mẹ tôi ở chợ Rộc, Trung Thành, Yên Thành. Sâu trong con người này còn có niềm tin về một thế hệ những người cộng sản xả thân (trong đó có Phan Đăng Lưu là dượng của ông)”.
Từ trong gia đình khoa Bảng, ông lại được đưa vào Huế để học hành. Theo lời kể của chính học giả Phan Ngọc với nhà ngôn ngữ học Trần Trí Dõi thì ngoài chữ Hán và tiếng Pháp thịnh hành lúc đó, ông học tiếng La tinh là nhờ lời khuyên của cha mình. Ông đã vào trường Dòng để học trong suốt 7 năm. “Chìa khóa để mình sử dụng các ngôn ngữ khác nhau thuộc gốc Latinh là như thế đấy ông ạ” - Giáo sư tâm sự với nhà ngôn ngữ học Trần Trí Dõi.
Học bằng mọi cách
Những năm sau đổi mới, cả đất nước đầy sinh khí với nỗ lực xóa bỏ quan liêu bao cấp, mở mang kiến thức, hòa nhập quốc tế. Từ độc tôn tiếng Nga, lúc này mọi người đua nhau học tiếng Anh, học lại tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác. Học giả Phan Ngọc được mời về nói chuyện với cán bộ giảng viên Trường Đại học Sư phạm Vinh, từ các thầy đến sinh viên đều tới nghe thầy nói chuyện.
Tối hôm ấy, giảng viên trẻ của Khoa Ngữ văn là anh Phan Huy Dũng cùng tôi tới nhà khách để thăm học giả Phan Ngọc, và tôi đã may mắn có dịp được trò chuyện nhiều hơn với thần tượng của chúng tôi lúc ấy.
Thông tin từ gia đình ngày 27/8 cho biết, giáo sư Phan Ngọc, người dịch cuốn Chiến tranh và hòa bình (cùng với dịch giả Cao Xuân Hạo), nhà nghiên cứu nổi tiếng về truyện Kiều đã qua đời tối 26/8/2020, hưởng thọ 96 tuổi.Khi chúng tôi tới, ông Phan Ngọc vui vẻ tiếp chuyện. Trên giường ông (lúc đó giường nhà khách của trường không có nệm, chỉ có cái chiếu mới thôi), thấy một cuốn sách tiếng Anh dày cộm. Ông Phan Ngọc nói: “Tôi vẫn thường đọc sách bằng tiếng nước ngoài, vừa mở mang kiến thức, vừa trau dồi ngoại ngữ”. Trò chuyện thêm, ông nói: “Tôi tạo cho mình thói quen viết một số công trình của mình bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Thứ nhất là viết bằng ngôn ngữ châu Âu giúp mình sử dụng chính xác và nhanh chóng các thuật ngữ quốc tế, thứ hai, đó cũng là một cách để học ngoại ngữ”.
Thầy Phan Ngọc đã dành nhiều tâm huyết soạn từ điển, truyền đạt các kỹ năng học tiếng nước ngoài, trong đó điển hình là cuốn Từ điển Anh – Việt (1994).
“Mẹo và mực”
Khi nói chuyện với giảng viên, sinh viên cũng như khi trò chuyện cùng chúng tôi, học giả Phan Ngọc luôn dung hòa và sử dụng khéo léo những phương pháp luận lớn lao, tiên tiến, với những “mẹo vặt” rất dân gian. Chẳng hạn để nhớ từ Hán, ông thường khuyên sử dụng những từ dễ nhớ, dễ viết, từ căn bản, rồi sau đó liên hệ tới các từ phái sinh, những từ trái nghĩa, những từ đồng âm khác nghĩa… Gọi là “Học một biết mười” chứ không học đến đâu chỉ biết đến đó. Ông đã viết cuốn Cách chữa lỗi chính tả cho học sinh (1980), Mẹo giải nghĩa các từ Hán Việt (1991), bằng tinh thần “mẹo học” ấy.
Phó giáo sư Phan Ngọc, cũng nhấn mạnh tới tính mực thước, từ những phương pháp nghiên cứu công phu. Tinh thần nghiên cứu ấy của ông thể hiện trong các cuốn sách như: Nội dung xã hội và mỹ học của tuồng đồ (1984, cùng Lê Ngọc Cầu), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới (1994), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học (1995)…
Trong lĩnh vực văn hóa học, Phan Ngọc cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu quan trọng, không chỉ về văn hóa Việt Nam mà còn cả văn hóa Đông Nam Á. Ông là một trong những người tiên phong nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á với cuốn sách Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á (1983, cùng Phạm Đức Dương).
Một cá tính độc đáo
Phó giáo sư Phan Ngọc rất hài lòng với cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Đây là công trình nghiên cứu rất mới mẻ về truyện Kiều vào thời kỳ đổi mới văn học: Trong khi nhiều nghiên cứu tập trung vào giá trị của Truyện Kiều thì Phan Ngọc lại quan tâm tới “phong cách Nguyễn Du”. Ông tìm kiếm những giá trị từ góc độ cá nhân của người sáng tác, đề cao cái tôi, cá tính, đề cao bản sắc sáng tạo của cá nhân.
Giới nghiên cứu văn hóa cũng đánh giá cao đóng góp của học giả Phan Ngọc. Trong cuốn “Bản sắc Văn hóa Việt Nam” ông đã định nghĩa: “Văn hóa là mối quan hệ, giữa thế giới biểu tượng, trong óc của một cá nhân, hay một tộc người với thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này, hay tộc người này mô hình hóa, theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất, chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác”.
Cây đại thụ Phan Ngọc đã ra đi, để lại một tấm gương yêu nước và ham học hiếm có. Nhà báo Phùng Huy Thịnh nghe tin Phó giáo sư qua đời đã thốt lên: “Vĩnh biệt giáo sư, học giả lớn Phan Ngọc!”.
Theo nhà báo Phùng Huy Thịnh, người đã dạy tiếng Campuchia cho cụ và nhiều cán bộ khác của Viện Đông Nam Á vào năm 1983 thì: “Mỗi lần ra sách, cụ lại lững thững đôi guốc mộc từ Bùi Thị Xuân sang nhà tôi ở Bà Triệu tặng sách cho tôi! Cụ bảo: “Ngoài cha tôi là người dạy tôi chữ Hán, anh chính là người thầy dạy tiếng đầu tiên trong số 12 thứ tiếng mà tôi tự học! Tôi quý anh vì lẽ ấy!”.