Học cách làm giàu nhạy bén như Hòa Thân: Kinh doanh từ lương thực đến đất đai, cửa hàng mọc lên khắp các cả nước, điểm mấu chốt không giao dịch bằng tiền
Ngoài tham nhũng, Hòa Thân còn kiếm được rất nhiều tiền nhờ biệt tài kinh doanh siêu việt. Thậm chí, ông sẵn sàng buôn bán những mặt hàng mà quan lại thời nhà Thanh không dám nghĩ tới.
Hòa Thân (1750 – 1799) là một trọng thần dưới triều hoàng đế Càn Long của nhà Thanh, đồng thời được biết đến như là đại tham quan nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Hòa Thân xuất thân trong một gia tộc quân công. Khi lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời. Đến khi lên 9 tuổi, ông lại phải chịu cảnh mồ côi cha. Ông và em trai được người mẹ kế và một người hầu lâu năm trong gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng. Năm Càn Long thứ 34 (tức năm 1769), Hòa Thân tham dự kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ, nhưng sau đó vào cung làm thị vệ. Đến năm 23 tuổi, nhờ việc thể hiện tài năng trước mặt Càn Long, ông bắt đầu được tháp tùng hoàng đế.
Hòa Thân còn nổi tiếng là vô cùng giàu có khi nắm giữ khối tài sản khổng lồ. Trong dân gian tương truyền về của cải của Hòa Thân nhiều đến mức, cái Càn Long có, Hòa Thân có, cái mà Càn Long không có thì chưa chắc Hòa Thân không có.
Trong danh sách ghi chép, Hòa Thân sau khi bị tịch thu tài sản, tổng giá trị tính được lên đến gần 1.100 trăm triệu lượng bạc, tương đương với quốc khố thu thuế 15 năm của Đại Thanh. Trong nhà Hòa Thân có giấu 268 tấn vàng, nhiều hơn cả trữ lượng vàng của cường quốc số 1 thế giới lúc bấy giờ.
Câu hỏi đặt ra là, Hòa Thân kiếm tiền bằng cách nào? Liệu có hoàn toàn nhờ vào việc tham nhũng?
Hòa Thân - đại tham quan bậc nhất Trung Hoa
Vì Hòa Thân được vua Càn Long sủng ải, nên những kẻ muốn nịnh bợ ông nhiều không kể xiết. Về phần mình, Hòa Thân cũng chưa từng từ chối bất kì ai, thậm chí còn thường xuyên sách nhiễu các quan viên lớn nhỏ.
Việc Hòa Thân thu tiền hối lộ còn trở thành một hệ thống, có quy định riêng. Số bạc này được thu hằng năm, không thua kém gì so với việc thu thuế của triều đình.
Năm 45 niên hiệu Càn Long (năm 1781), Hòa Thân tháp tùng vua Càn Long đi tuần du phương Nam lần lượt qua các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, Chiết Giang. Trên đường đi, Hòa Thân tìm cách vòi tiền các quan chức địa phương.
Khi Hòa Thân đến Dương Châu, ông ta thấy cảnh vật phồn hoa, các thương nhân buôn muối rất phát đạt. Điều này khiến cho Hòa Thân cảm thấy khoản cống nộp hàng năm của quan lại vùng này cho mình còn quá ít. Ông ta gọi riêng Chinh Thụy, viên quan diêm chính của tỉnh Lưỡng Hoài đến hạch sách. Hòa Thân nói:
- Thánh thượng tuần du đến Dương Châu, nhà ngươi dùng nữ sắc dâng lên để làm u mê, che mắt quân vương thì đáng tội gì?
Chinh Thụy hiểu ý Hòa Thân muốn vòi vĩnh, đáp:
- Kẻ hèn này mỗi năm nộp lên 10 vạn lượng. Ngày lễ tết cũng không dám quên. Nay xin lập tức chuẩn bị dâng lên đại nhân 10 vạn lượng.
Hòa Thân nghe vậy mới tạm hài lòng. Nhưng không lâu sau, ông ta vẫn giao chức quan diêm chính béo bở này cho Uông Như Long, một tay chân khác của mình và Uông Như Long đối xử với ông ta rộng rãi hơn nhiều. Chinh Thụy uất ức mà không biết kêu vào đâu.
Đây chỉ là một phần nào cho thấy sự trắng trợn khi vơ vét của Hòa Thân. Tương truyền rằng muốn gặp Hòa Thân lễ ra mắt ít nhất là 20 vạn lạng bạc. Nếu ít hơn thì chỉ được gặp gia nhân, quản gia của ông ta mà thôi.
Ngoài ăn hối lộ, Hòa Thân còn tổ chức mua quan bán tước, gian lận thi cử, bớt xén các khoản chi tiêu trong cung…Những khoản thu này là không thể đếm xuể.
Đáng nói, Hòa Thân vốn là tham quan nhưng lại được giữ rất nhiều chức vụ liên quan đến quản lý tiền bạc. Ông từng giữ chức tổng quản phủ Nội vụ, thượng thư bộ Hộ, Hàn Lâm viện trưởng viện học sĩ cai quản việc thi cử… Những chức vị đó mở ra cho Hòa Thân nguồn tài sản vô tận. Trong đó, phải kể đến việc ông ta được giao trực tiếp quản lý việc thu thuế tại Sùng Văn Môn.
Nếu ở thời nhà Minh, 9 cổng thành Bắc Kinh đều đặt trạm thu thuế thì khi đến nhà Thanh chỉ để lại 1 cổng. Đó chính là Sùng Văn Môn.
Tất cả hàng hóa qua lại đều phải nộp thuế ở đây và Hòa Thân kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt. Dù là dân thường, thương buôn hay quan lại, học sĩ đi qua đều phải nộp tiền, không bỏ sót một ai. Thậm chí, nếu qua Sùng Văn Môn không đủ tiền thuế cũng phải bỏ cả hành lý ở ngoài. Vào trong kinh vay mượn đồ đạc khắp nơi mà dùng.
Một bí quyết khác để tham nhũng của Hòa Thân đó chính là phạt tiền thay tội. Các quan lại phạm pháp nếu tội chưa đáng chém thì đều có thể tự nộp một khoản tiền phạt để được tha. Thậm chí, nhiều trường hợp quan lại còn tự nguyện nộp trước tiền phạt cho mình. Khoản thu nhập này của triều đình do Hòa Thân một tay cai quản.
Tài kinh doanh siêu việt của Hòa Thân
Mặc dù Hòa Thân là đại tham quan, nhưng số của cải mà ông kiếm được không hoàn toàn nhờ vào việc nhận hối lộ.
Theo đó, Hòa Thân rất nhạy bén trong kinh doanh khi biết cách "hái ra tiền" từ những nơi ít ai ngờ tới. Đây cũng là lý do vì sao Hòa Thân lại giàu tới như vậy.
Hòa Thân sẵn sàng kinh doanh những mặt hàng mà quan lại thời nhà Thanh không dám làm, chẳng hạn như buôn bán vũ khí, kiệu, mỏ than, yên ngựa… Trong đó, kiệu có thể được coi là ngang hàng với ô tô ngày nay và Hòa Thân đã thâu tóm thị trường của mặt hàng này ngay tại kinh thành.
Ngoài ra, Hòa Thân còn mở các tiệm cầm đồ, cửa hàng lương thực, nhà trọ, cửa hàng đồ cổ, quán rượu, ngân hàng và nhiều thứ khác. Trong đó, chỉ tính riêng tiệm cầm đồ, Hòa Thân có tới 75 cơ sở.
Tuy nhiên, theo ghi chép trong lịch sử, những mặt hàng trên chỉ là những dự án nhỏ trong đế chế kinh doanh của Hòa Thân. Bởi thứ thực sự giúp vị quan này kiếm được rất nhiều tiền chính là nhờ vào mua, bán đất.
Vào những năm cuối thời Càn Long cai trị, Bạch Liên giáo nổi dậy chống lại chính quyền nhà Thanh, gây ra một chút hỗn loạn trong xã hội. Do đó, để đề phòng đất đai của mình bị Bạch Liên giáo cướp đoạt nên nhiều địa chủ giàu có đã nghĩ đến việc đổi đất lấy tiền và sau đó chạy đến nơi an toàn ở Bắc Kinh. Họ nghĩ rằng Bạch Liên giáo sẽ không thể gây rối ở kinh thành, nơi có hoàng đế ở.
Khi nhiều người rao bán đất, Hòa Thân đã lập tức tận dụng cơ hội. Song, vị quan nổi tiếng của nhà Thanh không sử dụng tiền mặt mà thay vào đó mảnh đất sẽ được thế chấp và bán theo hình thức cầm đồ. Bằng cách này, nếu muốn đổi tiền lấy quyền sở hữu đất trong hai năm sẽ không dễ dàng như bình thường.
Trong khoảng thời gian Bạch Liên giáo nổi dậy, Hòa Thân đã tích lũy được rất nhiều đất đai. Bất động sản của vị tham quan này có ở khắp nơi, với tổng diện tích khoảng 32 km2.
Có thể thấy, nhờ nhạy bén và tận dụng quyền lực của mình, ngay cả trong tình hình xã hội xảy ra hỗn loạn, Hòa Thân vẫn biết cách làm giàu mà ít người có thể ngờ tới.
Hòa Thân nắm giữ số tài sản khổng lồ
Trong 24 năm từ khi Hòa Thân bắt đầu được Hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, vị đại thần này đã gom góp được một số tài sản lớn tới khó tin. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu, gồm có:
Kim tiền: 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1kg mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu.
Đất đai, nhà cửa: 3.000 phòng, 8.000 mẫu đất (32 km²), 42 ngân hàng, 75 tiệm cầm đồ.
Ngọc ngà, đá quý: 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào lớn), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả nhãn)10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn.
Các đồ vật quý giá khác: 11 tảng san hô (mỗi tảng cao hơn 1m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu và da gia súc với độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 chiếc bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 cái giường bằng vàng ròng có trang trí tinh xảo (mỗi giường có gắn trung bình 8 loại đá quý khác nhau), 460 cái đồng hồ tốt của châu Âu.
Ngoài ra, trong phủ còn có 600 tì thiếp, còn gia nhân thì không thể tính hết. Trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.
2 vật trấn trạch được Hòa Thân bảo vệ bằng cả tính mạng
Một chi tiết thú vị trong lịch sử triều Thanh khi nói về bí quyết làm giàu của Hòa Thân không thể không nhắc đến yếu tố tâm linh.
Hòa Thân có 2 vật trấn trạch được cất giấu trong hòn giả sơn trước nhà đó là con Tỳ Hưu và chữ Phúc do chính vua Càn Long viết tặng bà nội nhân ngày mừng thượng thọ.
Tỳ Hưu là linh vật có hình dáng hao hao giống Kỳ Lân và thường Tỳ Hưu được thờ phụng với ngụ ý nghĩa mang tới sự tài lộc bình an cho người sở hữu chúng. Khi đập vỡ hòn giả sơn, các quan mới phát hiện trong núi đá ấy có con Tỳ Hưu, mà con Tỳ Hưu của Hòa Thân lại còn to hơn Tỳ Hưu của vua. Ngọc để tạc con Tỳ Hưu của Hoà Thân là ngọc phỉ thúy xanh lý mát rượi, trong khi vua chỉ dám tạc bằng bạch ngọc. Bụng và mông con Tỳ Hưu của Hòa Thân to hơn bụng, mông con Tỳ Hưu của vua và như thế khiến Hòa Thân nhiều vàng bạc hơn vua.
Sau khi tịch thu con Tỳ Hưu, vua Gia Khánh không có cách nào tịch thu chữ "Phúc". Bởi nó đã được gắn chết vào đá hồng ngọc; nếu đập đá ra lấy chữ thì đá sẽ vỡ, như vậy đồng nghĩa với "phúc tan". Mà chữ thì do vua Càn Long viết nên không ai dám phạm thượng. Thế là đành để "Phúc" lại cho nhà Hòa Thân, có lẽ vì thế nên dù phạm nhiều tội tày đình nhưng Hòa Thân chỉ chết một mình, thay vì phải bị tru di tam tộc.