Hoa giấy chơi Tết cả triệu đồng mỗi cây, nghệ nhân làm đêm ngày vẫn không đủ hàng bán
Người dân Hà Nội, TP.HCM những năm gần đây rộ lên phong trào mua cây hoa giấy giá khoảng 1 triệu đồng về chơi Tết giúp các nghệ nhân kiếm cả trăm triệu mỗi mùa.
Hàng năm, cứ đến tháng Chạp âm lịch là người dân làng Thanh Tiên (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) lại tất bật vào vụ làm hoa giấy.
Những cánh hoa làm từ giấy nhuộm thủ công với màu sắc sặc sỡ, còn cành hoa làm từ các thanh tre, được dân làng chuẩn bị từ cuối mùa thu.
Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên hình thành từ khoảng 300 năm trước do khí hậu ở Huế khắc nghiệt nên không thể có hoa tươi thường xuyên dâng lên các ban thờ. Vì thế, người dân đã sáng tạo ra việc làm hoa giấy.
Cũng có tích cho rằng khi Huyền Trân công chúa theo vua Chế Mân về Chiêm Thành, đi qua Thuận Hoá vào mùa đông ảm đạm, công chúa buồn nên làm những cánh hoa giấy sặc sỡ để đón xuân. Sau dân làng noi theo làm hoa giấy để trang trí, lâu dần thành làng nghề.
Ông Phú, một trong những người làm hoa giấy lâu năm nhất làng, cho biết trước đây việc trang trí, thờ cúng bằng hoa giấy Thanh Tiên phổ biến khắp cả kinh thành Huế. Từ khi đất nước đổi mới, những mẫu hoa giấy từ Trung Quốc tràn sang thì làng nghề dần mai một. Cả làng chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình theo nghề ông cha.
Mỗi bông hoa giấy có giá gốc từ 5.000-7.000 đồng, ra đến chợ có giá khoảng 10.000-12.000 đồng. Cứ mỗi dịp Tết, người dân Huế lại thấy dân làng Thanh Tiên mang những cây hoa giấy vượt sông Hương, mang sắc xuân vào thành phố.
Vài năm gần đây, người dân Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh rộ lên việc mua cả cây hoa giấy về nhà chơi Tết thì lượng đặt hàng tăng vọt. Mỗi cây hoa giấy từ 50-100 bông được bán giá 700.000 đến hơn một triệu đồng. Vì thế, thu nhập của mỗi hộ gia đình được cải thiện, ở mức 60-100 triệu đồng mỗi vụ Tết.
Cứ cận Tết, người dân làm không xuể, phải từ chối nhiều đơn hàng vì dân làng không thể sản xuất thêm. Hiện làng hoa giấy Thanh Tiên rất khó thuê được nhân công do thanh niên trong làng đa phần không còn theo nghề nữa.
Bên cạnh sản phẩm chủ lực là hoa giấy sặc sỡ để bán vào Tết Nguyên Đán, nghệ nhân Thân Văn Huy (trái) còn sáng tạo ra việc làm hoa sen bằng giấy. Sản phẩm này góp phần nuôi sống làng nghề, biến việc làm hoa giấy chuyển từ mùa vụ sang làm quanh năm.
Hoa sen giấy làng Thanh Tiên được sử dụng không chỉ trong thờ cúng mà còn trong trang trí, trưng bày mỗi dịp festival. Không chỉ bán trong nước, hoa sen giấy còn theo người Việt xa xứ đi khắp thế giới.